Bản tin tháng TV2
6 thủ thuật giúp bạn “đọc vị” tâm lý người khác
21/11/2022 10:18
- 846 lần đọc
“Đọc vị” suy nghĩ của người khác sẽ giúp bạn làm chủ cuộc đối thoại và có những phán đoán chính xác hơn trong đàm phán. Người ta có thể lừa dối nhau bằng lời nói nhưng ngôn ngữ cơ thể lại vô cùng thành thật. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn có thể dễ dàng “đọc vị” tâm lý người đối diện thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ.

Nguồn: Internet

Giao tiếp phi ngôn từ luôn thể hiện được sức mạnh của nó khi chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nắm bắt được suy nghĩ của người khác. Thay vì sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn từ truyền đạt thông tin thông qua những phương tiện khác như: ánh mắt, diện mạo, gương mặt, cử chỉ, tư thế…

Vì vậy, trong khi giao tiếp, hãy cố gắng quan sát thật kỹ những biểu hiện và hành động của đối phương, chúng ta có thể sẽ dễ dàng đoán được suy nghĩ, cũng như tâm lý của họ để có những điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn.

Chú ý ánh mắt

Người ta vẫn hay nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” vì dù cho bạn có giỏi che giấu đến đâu đi chăng nữa thì ánh mắt vẫn luôn “nói” thật. Chính vì thế, ánh mắt được xem như hành vi phi ngôn từ đầu tiên và là thành phần chính của ngôn ngữ cơ thể vì nó luôn là nơi người khác phải nhìn vào khi bắt đầu một cuộc trò chuyện.

Mắt người mở ra hay nheo lại là do tác động của ánh sáng môi trường xung quanh nhưng kích cỡ của chúng lại thay đổi tùy theo tâm trạng và cảm xúc con người. Bên cạnh đó, sự chuyển động của con ngươi cũng rất đáng chú ý. Con ngươi sẽ co lại khi bạn đang giận dữ hoặc cảm thấy không vui. Ngược lại, chúng sẽ giãn ra khi bạn đang cảm thấy hứng thú, vui vẻ và phấn chấn.

Khuôn mặt

Trong giao tiếp phi ngôn từ, khuôn mặt đóng vai trò như là một công cụ để truyền tải thái độ và cảm xúc. Sau đây là một vài đặc điểm tiêu biểu diễn tả cảm xúc trên khuôn mặt:

- Tâm trạng hạnh phúc: đôi môi thu về phía sau và khóe môi nhếch lên, đôi má đẩy lên, vết chân chim lộ rõ trên khóe mắt.

- Tâm trạng sợ hãi: miệng mở hờ, môi căng ra, long mày xếch lên, trán nhíu lại, mó mắt kéo căng hết cỡ.

- Thái độ nóng giận: mắt nhìn chằm chằm, con ngươi nhỏ lại, lông mày hạ xuống chụm vào nhau và tạo ra những nếp nhăn ở giữa trán, đôi môi có vẻ căng ra và mím chặt vào nhau hoặc căng ra và mở to.

- Thái độ buồn bã: khóe môi hạ thấp run run, lông mày hơi nhếch lên, mí mắt trên hơi nhô cao ở phía khóe mắt bên trong.

- Thái độ ngạc nhiên: mí mắt mở to, lông mày hình cung, nếp nhăn xuất hiện trên khắp trán, quai hàm trễ xuống và miệng mở ra.

Khuôn mặt là công cụ gây chú ý rất hiệu quả. Đôi khi, một nụ cười, một cái nhếch mắt cũng đủ giúp bạn thu hút sự chú ý của đối phương. Tuy nhiên, những khác biệt về văn hóa cũng có thể khiến cách diễn giải trên khác đi. Ví dụ, so với người Mỹ luôn có khuynh hướng chú ý đến cảm xúc biểu hiện qua khuôn mặt, họ thường tập trung quan sát để cố gắng hiểu những gì một người đang nói còn người Nhật lại chú ý hơn đến ánh mắt.

Nguồn: Internet

Cử chỉ, điệu bộ

Cử chỉ, điệu bộ thường là những động tác di chuyển dùng để truyền đạt một thông điệp hay có tác dụng tăng cường hiệu quả của việc truyền đạt chúng. Có hai dạng cử chỉ thường được phân loại như sau:

Cử chỉ độc lập với lời nói: Dạng này chính là những hành động ngụ ý. Chúng được sử dụng để thay thế hoàn toàn cho việc diễn đạt thông điệp bằng lời nói và ta có thể đặt tên chỉ bằng một từ hoặc một cụm từ ngắn gọn. Nhìn chung, chúng hiển thị dưới dạng một cử chỉ đơn lẻ nhiều hơn là sự kết hợp giữa nhiều cử chỉ với nhau.

Ví dụ, nhún vai có nghĩa là: “tôi không biết” hay “tôi không quan tâm”; vẫy tay có nghĩa là: “xin chào!”, “tạm biệt!” hoặc “tôi đang ở đây!”; ngón trỏ đặt thẳng đứng trước miệng có nghĩa là: “hãy im lặng!” hoặc “đừng nói nữa!”.

Cử chỉ đi đôi với lời nói: Đây là những hành động có chủ đích thường đi cùng với lời nói hoặc liên quan trực tiếp đến những gì đang nói. Chúng thường thuộc một trong những dạng thức chính như sau:

- Những cử chỉ liên quan đến chủ đề người nói đang đề cập đến, dù cho chủ đề đó có trừu tượng hay cụ thể.

- Những cử chỉ cho thấy mối liên hệ giữa người nói với chủ đề đang muốn nói.

- Những cử chỉ nhằm để nhấn mạnh điều mà người nói muốn đề cập đến.

- Những cử chỉ dùng để điều tiết quá trình giao tiếp giữa hai hay nhiều người với nhau.

Ý nghĩa của chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các tiêu chí như: độ lớn của mỗi cử chỉ, tần suất và bối cảnh sử dụng của cử chỉ đó. Những cử chỉ thuộc dạng này thường gắn liền với lời nói một cách mật thiết đến mức chúng thể hiện ra bên ngoài kể cả khi người nói và người nghe không nhìn thấy nhau. Thỉnh thoảng, bạn hãy thử quan sát một người đang nói chuyện điện thoại đi, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị đấy!

Tư thế cơ thể

Một vài tư thế cơ thể tiêu biểu như:

- Tư thế đầu: ngước lên, cúi xuống, đẩy về phía sau;

- Tư thế vai: đưa về phía trước, phía sau, nhún vai, nghiêng lệch, trễ xuống;

- Tư thế tay: chắc chắn, đưa lên, đưa xuống, hướng về phía trước, thẳng, cong, chéo nhau;

- Tư thế hông và chân: tạo thành góc vuông và thẳng hàng dồn trọng lượng sang một bên, một bên khuỵu xuống, đưa hông sang một bên, xoay người sang một bên, chân bắt chéo.

Cách kết hợp và sử dụng những tư thế này sẽ làm thay đổi ý nghĩa và hiệu quả truyền đạt thông điệp. Ví dụ, nếu bạn đang muốn gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng thì tư thế soi gương là một gợi ý khá hay ho. Nó không chỉ khiến bạn trở thành một tấm gương phản chiếu hình ảnh của nhà tuyển dụng một cách tế nhị và khéo léo mà còn   giúp bạn tạo cho họ cảm giác rằng những gì họ đang nói rất dễ hiểu, hợp ý với bạn và bạn đang rất thích thú lắng nghe. Trong trường hợp không thích, bạn có thể quay lưng lại, khoanh tay trước ngực, chùn người xuống hoặc cúi thấp đầu và lãng tránh ánh nhìn của họ. Cần hạn chế quơ tay, chỉ trỏ hoặc sử dụng các động tác tay thái quá nếu không cần thiết hoặc không vì mục đích minh họa, thị phạm cho việc gì cả. Hãy giữ cho cơ thể nhẹ nhàng để không mang lại cho đối phương cảm giác rằng bạn đang tạo áp lực và đe dọa họ.

Nguồn: Internet

Hình dáng bên ngoài

Không thể phủ nhận rằng hình dáng cơ thể có thể chi phối nhiều đến cách người khác nhìn nhận và tiếp thu những gì mà bạn đang muốn truyền đạt đến họ. Một vài yếu tố đáng lưu ý của đặc điểm này là: hình thể, kích thước cơ thể, khuôn mặt, lông mày, tóc, chiều cao, màu da, trang phục, phụ kiện, trang sức…

Vậy làm cách nào để gây ấn tượng tích cực trong lần gặp gỡ đầu tiên với người khác? Hãy luôn cẩn thận chỉnh đốn lại trang phục của mình sao cho thật chỉnh tề và lịch sự. Trong mắt đối phương, bạn luôn phải thật sạch sẽ và gọn gàng, không được nhếch nhác, luộm thuộm, lôi thôi. Luôn nở nụ cười trên môi khi nói: “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”. Nếu có thể, bạn nên đứng cách người đối diện tối thiểu một mét và hơi chếch sang một bên. Những hành động này sẽ tạo thiện cảm với người đối diện và khiến họ có ấn tượng tốt về bạn.

Giọng nói

Giọng nói là một bộ phận quan trọng của hành vi phi ngôn từ. Nó giúp cho người khác biết rằng bạn đang truyền tải và tiếp nhận thông điệp.

Giọng nói bao gồm: ngữ điệu, âm vực, sự nhấn nhá, nhịp độ, độ tương phản, cảm xúc, sự rõ ràng, sự ngưng nghỉ... Trong thành phần ngữ điệu có độ trầm ấm, chán chường, nhiệt tình, diễn cảm. Âm vực có cao giọng, hạ giọng hay xuống giọng. Sự nhấn giọng mạnh, nhẹ, nhịp nhàng cộng với độ rõ ràng, chính xác, mạch lạc trong từng câu chữ và cảm xúc hỉ nộ ái ố được thể hiện trong chất giọng khi chúng ta nói chuyện. Giọng nói có thể chia ra thành nhiều mức độ tương phản nhau như: lớn - nhỏ, nhanh - chậm, cao - thấp. Bên cạnh đó sự ngưng nghỉ trong giọng nói nhằm mục đích nhấn mạnh, chờ đợi sự phản hồi của người nghe cũng được xem là một trong những yếu tố góp phần tạo nên dạng giọng nói.

Nguồn: Internet

Ví dụ, nếu như giọng nói của bạn nghe rất êm dịu, rõ ràng và mang âm vực cao thì ấn tượng đầu tiên của người khác về bạn có thể là một người trầm lặng, trẻ trung và nữ tính. Trái lại, nếu như giọng nói của bạn chậm rãi, vang to và mạnh mẽ thì ấn tượng đầu tiên của người khác về bạn là một người rất mạnh mẽ, tự tin, nam tính và trưởng thành.

Trong bất kỳ tình huống nào thì ngôn ngữ cơ thể cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng các mối quan hệ xã hội. Tùy vào những nền văn hóa khác nhau mà cách ứng xử và hành vi của con người được điều chỉnh sao cho phù hợp. Nếu như phương Tây chú trọng sự phóng khoáng và tự do trong giao tiếp thì phương Đông lại để ý đến những lễ nghi và phép tắc nên họ có phần kín đáo và chuẩn mực hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải có nhận thức rõ ràng về từng hành động và lựa chọn hành vi phi ngôn từ một cách có chủ đích sao cho nhất quán với lời nói của mình. Khi bạn chủ động lựa chọn ngôn ngữ cơ thể phù hợp thì dù với bất cứ mục đích gì, bạn đều có khả năng sẽ đạt được những kết quả mà bản thân mong muốn.

Thực hiện: An Phạm

Tham khảo

Ngôn ngữ bí mật trong kinh doanh (The secret language of business) - Kevin Hogan

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2