Bản tin tháng TV2
Đường dây 220kV vượt biển dài nhất Đông Nam Á - mốc trưởng thành mới của các Kỹ sư PECC2
28/11/2022 11:43
- 496 lần đọc
Đường dây 220kV trên không vượt biển, nối đất liền Kiên Giang với đảo Phú Quốc là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc. PECC2 vinh dự được chủ đầu tư chọn làm nhà thầu tư vấn và đã hoàn thành tốt vai trò của mình, đồng thời khẳng định bước trưởng thành lớn của các kỹ sư thiết kế lưới điện PECC2.

Đường dây Kiên Bình – Phú Quốc là công trình đường dây trên không vượt biển 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, có tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng, với quy mô gồm 02 mạch có tổng chiều dài khoảng 80 km, trong đó đoạn trên bờ Kiên Lương dài 12,4 km với 37 vị trí cột, đoạn trên biển dài 64,7 km với 117 vị trí cột và đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9 km với 13 vị trí cột. Công trình còn được trang bị hệ thống cảnh báo hàng không, hàng hải hoàn chỉnh theo quy định, có độ tĩnh không đáp ứng cho tàu thuyền qua lại bình thường.

Khác với một số dự án nhỏ có tính chất “lấn biển”, đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc đi xuyên qua toàn bộ vùng biển Kiên Lương – Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Công trình này do các kỹ sư, công nhân “nội địa” thực hiện toàn bộ các khâu từ khảo sát cho đến thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt, thí nghiệm. Công trình được khởi công vào ngày 24/10/2018 và đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ngày 05/10/2022.

PECC2 tự hào là Nhà thầu tư vấn cho công trình này ngay từ giai đoạn đầu triển khai cho đến khi hoàn thành công trình đưa vào vận hành, thực hiện các vai trò, nhiệm vụ chính như lập quy hoạch bổ sung dự án vào hệ thống điện quốc gia, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và lập thiết kế bản vẽ thi công cho toàn bộ công trình.

Trong quá trình bổ sung quy hoạch, nghiên cứu cho thấy việc xây dựng đường dây trên không vượt biển mạch kép 220kV là tối ưu với vùng biển Kiên Bình – Phú Quốc trong điều kiện hiện nay và công trình đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong tương lai cho đảo Phú Quốc ở mức phù hợp.

Ý thức được mức độ phức tạp của công trình, ngay từ giai đoạn đầu tham gia PECC2 đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi mặt để xem xét, lựa chọn, quyết định các vấn đề quan trọng của công trình như: các điều kiện thiết kế, biện pháp thi công xây dựng ở môi trường biển, thiết kế chuỗi cách điện, chọn dây dẫn, lựa chọn các loại vật liệu cột, thiết kế móng, cột, lắp dựng, hệ thống cảnh báo hàng không, cảnh báo hàng hải.

Về công tác khảo sát, ngoài các công việc tương tự như khi khảo sát đường dây trên không ở đất liền, PECC2 còn sử dụng một số phương pháp khảo sát biển chuyên dụng như: đo sâu hồi âm chùm đa tim, quét ảnh bề mặt đáy biển, khoan khảo sát địa chất trên biển và đặc biệt là công tác khảo sát hải văn và sóng biển cũng được chú trọng nhằm bảo đảm số liệu tính toán thiết kế phù hợp với môi trường biển.

Hình 1. Các phương án móng được so sánh, lựa chọn

Đối với đường dây trên biển, móng có tính quyết định đến sự an toàn và kinh tế công trình, nhóm thiết kế đã xem xét so sánh móng Jacket và móng cọc bêtông ly tâm ứng suất trước. Móng Jacket gồm một hệ giàn thép ống đế móng kết hợp với hệ cọc thép ống đóng sâu vào đáy biển, có đặc điểm thi công nhanh ở công trường nhưng chế tạo phức tạp và đắt tiền. Trong khi đó móng cọc bêtông ly tâm thi công phức tạp hơn, nhiều công đoạn hơn nhưng rẻ tiền hơn móng Jacket. Phù hợp với khu vực biển nông Kiên Lương – Phú Quốc, móng bêtông ly tâm ứng suất trước đã được chọn sử dụng, diện tích trung bình mỗi móng 400 m2.

Móng trên biển được thiết kế với đầy đủ tải trọng tác động, đặc biệt là tải trọng do sóng. Để bảo đảm tính kinh tế, sóng không được chọn giống nhau cho toàn vùng biển mà được phân chia ra các vùng có mức độ sóng khác nhau dựa trên tính toán bằng mô hình Mike 21 SW.

Hình 2. Kết quả tính toán sóng

Do đường dây vắt qua toàn bộ vùng biển Kiên Lương – Phú Quốc nên việc thiết kế tĩnh không để bảo đảm cho tàu thuyền qua lại an toàn cũng được tính toán cẩn thận và phân vùng phù hợp với tĩnh không 25 m, 35 m và 45 m. Các tính toán kinh tế - kỹ thuật dẫn đến chọn khoảng cách các cột điện cũng khá lớn (trung bình 590 m), dây dẫn được chọn loại đặc biệt có khả năng chịu lực rất lớn. Toàn bộ các khoảng cột trên được thiết kế theo tiêu chuẩn khoảng cột lớn, cột có chiều cao từ 55 m đến 87 m, nhiều nhất là cột cao 77 m.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, quản lý và nhiệt huyết của các kỹ sư tham gia công trình, PECC2 đã hoàn thành công tác tư vấn (từ khi lập quy hoạch cho đến khi thiết kế kỹ thuật được duyệt) trong khoảng thời gian nhanh “kỷ lục” trong vòng hai năm. Sau đó, PECC2 tiếp tục với các công tác lập hồ sơ mời thầu, thiết kế bản vẽ thi công trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình.

Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của Chủ đầu tư và các bên liên quan nhằm sớm có nguồn điện ổn định cấp cho Phú Quốc, PECC2 đã hòa vào niềm vui chung của tất cả các bên vào ngày 05/10/2022 khi nguồn điện từ đất mẹ được khơi dòng, chảy ra đảo Phú Quốc thân yêu. Tại lễ khánh thành công trình, Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc phấn khởi tuyên bố đây là “công trình thế kỷ của Đảo Ngọc”

Hình 3. Một số hình ảnh về công trình

Từ nay khi đến với Phú Quốc bằng đường hàng không hoặc đường biển, mọi người có thể chiêm ngưỡng công trình đường dây 220kV, có dấu ấn của PECC2, đứng hiên ngang giữa biển khơi – công trình đường dây vượt biển dài nhất Đông Nam Á.

Thực hiện: Trương Văn Cường

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2