Bản tin tháng TV2
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu – Biến thách thức thành động lực hướng tới một tương lai sạch hơn và an toàn hơn
28/11/2022 11:43
- 414 lần đọc
Thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu với tình trạng khan hiếm nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao do các bất ổn địa chính trị, các cuộc xung đột và các mối quan hệ đối tác truyền thống trong lĩnh vực năng lượng bị phá vỡ. Cuộc khủng hoảng năng lượng này đang đặt ra một thử thách vô cùng to lớn đối với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc thực hiện cam kết hướng tới một thế giới sạch hơn với mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các nước và các tổ chức quốc tế cần hành động gì?

Cuộc khủng hoảng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng

Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2022 (World Energy Outlook 2022, viết tắt WEO) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên với quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có. Khác với cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào thập niên 1970, cuộc khủng hoảng lần này không chỉ giới hạn ở dầu thô mà còn bao gồm cả khí đốt, than đá và điện, dự kiến sẽ gây ra các tác động sâu sắc và lâu dài. Những tác động này đã khiến một số quốc gia thành viên IEA phải thực hiện hai đợt xả kho dự trữ dầu với quy mô lớn để tránh sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu nghiêm trọng hơn.

Hình 1. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở những năm 70, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên (Nguồn: IEA)

Báo cáo WEO cảnh báo thị trường năng lượng rất dễ bị tổn thương và cuộc khủng hoảng chính là lời nhắc nhở về sự mong manh, thiếu tính bền vững của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu cuộc khủng hoảng này có đang kìm hãm tốc độ chuyển dịch năng lượng sạch hay đang thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn?

Các nước, các khu vực đang có các chính sách và hành động khác nhau. Nhiều chính phủ đã cam kết dành hơn 500 tỷ USD để bảo vệ người tiêu dùng. Một số nước tìm cách gia tăng hoặc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu khí, hoặc đẩy nhanh những thay đổi trong cơ cấu nguồn điện như tăng cường sử dụng điện mặt trời, điện gió, pin, năng lượng hạt nhân, nhiên liệu hydro và bơm nhiệt. Các chính sách đáng chú ý nhất bao gồm Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ, gói “Fit for 55” và kế hoạch REPowerEU của Liên minh Châu Âu (EU), Chương trình Chuyển đổi xanh (GX) của Nhật Bản, mục tiêu tăng tỷ lệ điện hạt nhân và năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Hàn Quốc và các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng sạch của Trung Quốc và Ấn Độ. Có 3 lý do chính để các nước thực hiện các biện pháp trên: một là để đảm bảo an ninh năng lượng, hai là để thực hiện các cam kết về khí hậu, và ba là mong muốn tham gia vào “kỷ nguyên” công nghiệp mới – công nghiệp sản xuất, chế tạo năng lượng sạch. Điều này tạo một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển các công nghệ năng lượng sạch, và qua đó, tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030

Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 vào cuối thế kỷ 19 với sự xuất hiện và mở rộng của các ngành mới như điện, thép và dầu, nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên các tính toán của IEA cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng, nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh hoặc hầu như không thay đổi vào năm 2030. Theo đó, việc sử dụng than đá đang tạm thời gia tăng để đối phó với khủng hoảng năng lượng sẽ giảm trở lại trong vòng vài năm tới khi sản lượng năng lượng tái tạo tăng mạnh, nhu cầu khí đốt tự nhiên được dự báo sẽ đạt mức ổn định vào cuối thập niên này, và nhu cầu dầu có thể sẽ chững lại vào giữa những năm 2030 trước khi giảm dần đến năm 2050 vì lượng tiêu thụ xe điện tăng cao.

Hình 2. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 (Nguồn: IEA) 

Về mặt tổng thể, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong kịch bản dựa trên các chính sách hiện có của IEA (STEPS) giảm từ khoảng 80% xuống chỉ còn trên 60% vào năm 2050. Điều này dẫn đến lượng phát thải toàn cầu có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm dần từ mức 37 tỷ tấn/năm xuống còn 32 tỷ tấn/năm vào năm 2050 [1]. Tuy nhiên, ở kịch bản này, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn sẽ tăng khoảng 2,5 độ C vào năm 2100. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, theo IEA phân tích ở kịch bản NZE, tất cả các nước cần phải sớm triệt thoái khỏi nhiên liệu hóa thạch như minh họa tại hình 3.

Hình 3. Cung cấp năng lượng hóa thạch và phi hóa thạch theo các kịch bản từ 2020 đến 2050 (Nguồn: IEA)

Đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch là chìa khóa để giảm rủi ro và đạt được mục tiêu khí hậu

Tuy còn nhiều thách thức, nhưng ngành năng lượng vẫn còn cơ hội để đạt được mục tiêu về khí hậu. Đầu tư vào điện sạch và điện khí hóa, song song với việc mở rộng và hiện đại hóa lưới điện mang đến những cơ hội rõ ràng và hiệu quả để cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn, đồng thời giảm được giá điện hiện đang ở mức cao như trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, theo IEA cần tăng tốc đầu tư vào năng lượng sạch gấp 3,2 lần, đầu tư vào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gấp 3,6 lần so với mức đầu tư năm 2021.

Hình 4. Mức đầu tư năng lượng theo kịch bản phát thải ròng bằng “0” (Nguồn: IEA)

Chuỗi cung ứng cho một số công nghệ then chốt, bao gồm pin, pin mặt trời và hệ thống điện phân, đang được mở rộng với tốc độ có thể giúp đạt được mục tiêu tham vọng toàn cầu cao hơn. Nếu tất cả các kế hoạch mở rộng sản xuất điện mặt trời đã được công bố đều thành công, công suất sản xuất điện mặt trời vào năm 2030 sẽ vượt mức dự báo của IEA khoảng 75% theo kịch bản dựa trên các cam kết đã công bố (APS) và gần đạt đến mức yêu cầu trong kịch bản mức phát thải ròng bằng 0 (NZE). Đối với các nhà máy sản xuất hydro bằng điện phân, công suất có thể vượt mức khoảng 50% so với kịch bản APS trong năm 2030.

Hình 5. So sánh công suất sản xuất đã được công bố với công suất được dự báo trong kịch bản NZE (Nguồn: IEA)

Theo Báo cáo WEO năm 2022, các chính sách thúc đẩy gia tăng các khoản đầu tư lớn vào năng lượng là điều cần thiết nhằm giảm rủi ro về chi phí tăng đột biến và những biến động trong tương lai cũng như tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch. Khoản đầu tư khổng lồ 4.000 tỷ USD vào năm 2030 theo kịch bản NZE cho thấy nhu cầu thu hút các nhà đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng là rất lớn. Các chính phủ cần đi đầu và đưa ra các định hướng chiến lược mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi thêm các nguồn lực từ khối tư nhân để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Bên cạnh đó, cần có thêm những nỗ lực lớn từ quốc tế để thu hẹp khoảng cách về mức đầu tư năng lượng sạch giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, biến thách thức thành động lực hướng tới một thế giới sạch, bền vững, các nước cần đưa ra các mục tiêu cam kết về khí hậu tham vọng hơn, có sự hỗ trợ, hợp tác giữa các nước, các khu vực trong việc tăng tốc đầu tư vào năng lượng sạch, chuyển giao công nghệ, hợp tác hình thành các thị trường khu vực và đặc biệt là cần chung tay đóng góp, xây dựng một thế giới hòa bình vì sự thịnh vượng chung.

Thực hiện: Nhi Đỗ

Tài liệu tham khảo:

[1] International Energy Agency, “World Energy Outlook 2022,” 27 October 2022.

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2