Bản tin tháng TV2
COP27: Nhìn lại thành quả một năm từ COP26 và các cam kết của Việt Nam
25/11/2022 10:29
- 462 lần đọc
Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đã kết thúc vào ngày 20/11 vừa qua, kéo dài hơn 2 ngày so với dự kiến. Hội nghị đã thông qua một thỏa thuận khí hậu tổng quát. Đây là một bước tiến mới tuy nhiên vẫn chưa có các cam kết quá vượt trội so với hội nghị COP26 được tổ chức trước đó 1 năm. Tuy nhiên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị vẫn thu được các kết quả tích cực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nguồn: Internet

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại COP26 đã được John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, coi là “hy vọng tốt nhất cuối cùng để thế giới cùng nhau hành động” và giảm thiểu biến đổi khí hậu. COP26 tại Glasgow đã đưa ra những cam kết của các chính phủ về việc “giảm dần” việc sử dụng than, hạn chế nạn phá rừng, thúc đẩy các khoản thanh toán khắc phục hậu quả cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán, đồng thời mang đến COP27 các mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn.

Tính tới Hội nghị COP27 năm nay, bằng chứng cho thấy thế giới vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được các mục tiêu mà COP26 đã đề ra. Khủng hoảng năng lượng và đà suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia đã không thể triển khai thực hiện các cam kết đã nêu ra tại COP26 ở Glasgow về giảm phát thải khí nhà kính và mức đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Một loạt các báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ rõ rằng thế giới đang tụt hậu nghiêm trọng trong những nỗ lực của mình để cắt giảm khí thải theo thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Các nhà quan sát đã đưa ra các đánh giá về kết quả thực hiện các cam kết tại COP26 và kết quả của Hội nghị COP27 năm nay.

Cắt giảm khí nhà kính

COP26 đã kết thúc với một thỏa thuận rằng các Chính phủ sẽ xem xét lại các kế hoạch của họ nhằm cắt giảm lượng khí thải trước hội nghị năm 2022. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, chỉ có 24 trong số 193 quốc gia đã đệ trình các mục tiêu giảm phát thải mới theo cam kết. Lượng khí thải toàn cầu phải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 để tránh tăng nhiệt độ trái đất từ 1,5 độ C trở lên. Tuy nhiên cam kết hiện tại của các quốc gia chỉ mới cắt giảm thêm không quá 10% lượng khí thải dẫn tới khả năng lượng phát thải vào năm 2030 thậm chí có thể còn tăng cao hơn so với mức của năm 2015.

Hình 1. Các cam kết chính sách không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu phát thải vào năm 2030.
(Nguồn: Guardian dựa trên số liệu từ UNEP Emissions Gap Report 2022.)

Phát thải ròng bằng không

Các nhà khoa học cảnh báo đến năm 2050, thế giới sẽ phải loại bỏ toàn bộ lượng khí thải carbon từ sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp,... nếu muốn tránh hậu quả khí hậu thảm khốc. Mục tiêu phát thải ròng bằng không đã chính thức được 74 quốc gia chấp nhận tại COP26. Kể từ đó, bảy quốc gia khác bao gồm Indonesia và Nam Phi cũng đã cam kết đạt được mục tiêu này vào giữa thế kỷ.

Quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu

Kể từ năm 2020, khoản tài trợ lên tới 100 tỷ USD một năm tỳ các nước phát triển đã được cam kết dành cho các nước đang phát triển, trong đó nhiều nước đang phải tìm cách để thích nghi với thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra và cần được giúp đỡ để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng sạch.

Tuy nhiên mục tiêu viện trợ khí hậu cho các nước kém phát triển của COP26 đã không đạt được. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 7 cho thấy các nước phát triển cần cung cấp thêm khoảng 17 tỉ USD mới đạt mục tiêu đề ra năm 2022. Một báo cáo khác do tổ chức phi chính phủ Oxfam thực hiện cho thấy con số còn đáng buồn hơn: chỉ có 21 tỉ USD được huy động, 70% trong số này là dưới hình thức khoản vay.

Đơn vị: tỷ USD

Hình 2. Xu hướng tổng hợp của Quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu do các nước phát triển cung cấp và huy động
 (Nguồn: Guardian dựa trên số liệu từ OECD 2022)

Cắt giảm khí mêtan

Tại COP26, 103 quốc gia đã cam kết cùng nhau cắt giảm lượng khí thải mêtan xuống 30% dưới mức của năm 2020 vào cuối thập kỷ này. Trong năm qua, 19 quốc gia khác cũng đã tham gia hiệp ước này. Hiệp ước này hiện bao phủ một nửa lượng khí thải mêtan toàn cầu, một loại khí nhà kính mạnh được thải ra từ nông nghiệp và khoan khí đốt. Mức tăng khí mêtan toàn cầu lớn nhất được ghi nhận xảy ra vào năm 2021 đã đặt ra những thách thức rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu này.

Đơn vị: phần tỷ

Hình 3. Nồng độ khí mêtan trong khí quyển theo thời gian.

Giảm phá rừng

Với việc hấp thụ cacbon và điều hòa khí hậu, trồng và bảo vệ rừng chính là một phương pháp hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu. Tại COP26, 145 quốc gia đã cam kết sẽ ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030, thêm bốn quốc gia khác đã tham gia cam kết này sau đó. Nhưng mục tiêu này được coi là không khả thi dựa trên xu hướng phá rừng hiện nay, với gần 7 triệu hecta rừng bị phá hủy trong năm 2021.

Đơn vị: triệu ha

Hình 4. Xu hướng chặt phá rừng cho đến năm 2023.
(Nguồn: Forest declaration assessment/WRI)

Các cam kết mới tại COP27

COP27 đã kết thúc bằng việc thỏa thuận khí hậu cuối cùng được thông qua với điều khoản đáng chú ý nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo thỏa thuận, các nước phát triển có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị.

Các nước tham gia COP27 cũng nhất trí tiếp tục cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C cũng như cam kết cắt giảm phát thải khí mêtan. Sau COP27 có thêm khoảng 50 quốc gia tham gia vào cam kết cắt giảm khí thải mêtan và hiện 95% các nước đã đưa khí mêtan vào kế hoạch cắt giảm.

Tuy nhiên các thỏa thuận tại COP27 vẫn được đánh giá là thiếu tham vọng, chưa đi xa hơn so với thỏa thuận tại COP26 và chưa đủ tạo bước tiến về các vấn đề chủ chốt, đặc biệt là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việt Nam và thông điệp "cam kết đi đôi với hành động"

Hình 5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp và lộ trình của Việt Nam
trong thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: Nguyễn Trường/TTXVN)

Hội nghị COP27 năm nay phái đoàn Việt Nam tham dự được dẫn đầu bởi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có nhiều hoạt động thiết thực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời phát đi thông điệp "cam kết đi đôi với hành động" trong thực hiện các mục tiêu khí hậu. Việt Nam đã cùng với các bên thảo luận để bảo đảm các cam kết, cơ chế đã thỏa thuận được thực hiện trên thực tế; tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược về biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các mục tiêu cam kết cũng như những nhiệm vụ mà các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện. Trong đó xác định những nhiệm vụ và mục tiêu để thực hiện bằng nội lực của mình, cũng như nhóm nhiệm vụ cụ thể mà Việt Nam cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, tại COP27, Việt Nam đã cùng với các nước trên thế giới trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Tham gia COP27, Việt Nam mong muốn tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Thực hiện: Khanh Hồ

Tài liệu tham khảo:

1. Cop26 one year on: how much progress has been made? The Guardian. https://www.theguardian.com/environment/2022/nov/08/COP26-one-year-on-progress-un-COP27-climate-summit-egypt-breakdown.

2. Chuyện thực hiện cam kết COP27 liệu có khả quan hơn so với COP26? https://plo.vn/chuyen-thuc-hien-cam-ket-cop27-lieu-co-kha-quan-hon-so-voi-cop26-post708613.html

3. COP27: Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu. https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138635/cop27-viet-nam-tai-khang-dinh-cam-ket-manh-me-ve-chong-bien-doi-khi-hau

4. Việt Nam cam kết đi đôi với hành động tại hội nghị COP 27. https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-cam-ket-di-doi-voi-hanh-dong-tai-hoi-nghi-cop-27/832285.vnp

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2