Bản tin tháng TV2
Giải pháp WebGIS trong công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu
23/11/2022 11:43
- 532 lần đọc
Những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số, việc xây dựng và ứng dụng hệ thống WebGIS trong công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu không gian đã và đang trở nên phổ biến rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Bắt kịp với xu hướng này, nhóm nghiên cứu Phòng Kỹ thuật khảo sát cùng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển trực thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã thực hiện đề tài “Ứng dụng hệ thống WebGIS trong công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu”. Sau hơn 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm đề tài đã đạt được một số kết quả khả quan nhất định.

Nguồn: Internet

Bối cảnh thực hiện đề tài

Trải qua hơn 37 năm hoạt động, PECC2 đã không ngừng phát triển và đã trở thành một trong những công ty mạnh trong ngành năng lượng ở Việt Nam với hàng trăm công trình lớn và nhỏ đã được xây dựng. Chính vì vậy, về mặt khối lượng dự án của PECC2 hiện nay khá lớn và đa dạng, đặc biệt là đối với các dữ liệu liên quan đến không gian địa lý. Với mong muốn hỗ trợ Đơn vị quản lý có thể quản lý các dữ liệu không gian này một cách có hệ thống và trực quan hơn cũng như giúp các cá nhân hay Đơn vị khác trong Công ty có thể tìm kiếm các dữ liệu không gian từ các dự án mà PECC2 đã, đang và sắp thực hiện một cách dễ dàng và minh bạch – mà không yêu cầu người sử dụng phải có kiến thức chuyên môn về hệ thống thông tin địa lý hay bản đồ học, việc xây dựng một trang Web hệ thống bản đồ số là rất cần thiết. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu phòng Kỹ thuật Khảo sát đã phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thực hiện đề tài “Ứng dụng hệ thống WebGIS trong công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu”.

Đối với định hướng ban đầu, bằng hệ thống WebGIS (sự kết hợp giữa công nghệ web và hệ thống thông tin địa lý (GIS)) – đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là xu hướng phổ biến hiện nay – nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng một trang Web không chỉ cho phép hiển thị được dạng thông tin thuộc tính thuần túy mà nó còn hiển thị thông tin không gian của đối tượng, từ đó góp phần giúp quá trình trực quan hóa dữ liệu không gian trở nên sinh động hơn. Ngoài ra, trang Web lưu trữ và quản lý dữ liệu này cũng là một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay trong ngành điện.

Lựa chọn Công nghệ

Hiện nay, các công nghệ hay nền tảng hỗ trợ xây dựng hệ thống WebGIS rất đa dạng, có thể kể đến như:

+ Sử dụng một hệ thống tích hợp hoàn chỉnh bao gồm nhiều module như hệ thống ArcGIS enterprise bao gồm các thành phần cơ bản ArcGIS server, ArcGIS desktop, … đã rất quen thuộc với đa số người dùng. Trong hệ thống này, dữ liệu sau khi xử lý xong có thể được cập nhật lên nền tảng Web ngay lập tức. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với hệ thống là chi phí bản quyền rất cao và cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng mới với các phần mềm bản quyền khác như Windows Server. Do đó sẽ rất khó khi triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học hay đề tài hạn chế về kinh phí.

+ Sử dụng nền tảng dịch vụ đám mây GIS (Saas) như Mapbox Studio/Mapilary, phương pháp này giúp đơn vị phát triển/người dùng có thể tập trung phát triển ứng dụng mà không cần xây dựng một hệ thống từ đầu. Tuy nhiên, đơn vị phát triển/người dùng sẽ bị lệ thuộc vào nền tảng và khó tùy biến sau này. Đây là phương pháp đơn giản nhất không đòi hỏi đơn vị phát triển/người dùng đầu tư lớn về hạ tầng và bản quyền ứng dụng, chỉ tập trung xây dựng dữ liệu và cung cấp thông qua nền tảng Web.

+ Một phương pháp khác có thể kể đến là phát triển từng thành phần cơ bản theo cấu trúc 3 tầng của WebGIS (Hình 1) dựa trên các thư viện mã nguồn mở hay hệ thống GIS open - source, đây cũng là một xu hướng thường được sử dụng cho các tổ chức muốn tự xây dựng hệ thống WebGIS với chi phí phát triển cho đề tài WebGIS được tối ưu nhất. Và đây cũng là phương án được nhóm nghiên cứu PECC2 lựa chọn và tiến hành triển khai trong đề tài.

Hình 1. Cấu trúc 3 tầng của WebGIS

Nguồn: [1]

Kết quả ban đầu đạt được

Sau hơn 3 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được trang Web quản lý và lưu trữ dữ liệu khảo sát liên quan đến không gian địa lý của PECC2 (Hình 2) gần như đầy đủ các chức năng như khả năng tương tác với bản đồ ở mức cơ bản (kéo thả, phóng to, thu nhỏ, tìm kiếm vị trí,…), khả năng chồng các lớp dữ liệu trên các bản đồ nền khác nhau cũng như thể hiện được thông tin đối tượng thuộc các lớp dữ liệu thông qua các thao tác cơ bản như truy vấn,…

Hình 2. Giao diện Cổng thông tin dữ liệu khảo sát PECC2 mà nhóm nghiên cứu xây dựng

Tuy nhiên, đề tài vẫn còn một số hạn chế nhất định và trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển và nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung ở giai đoạn tiếp theo để trang web hoàn thiện hơn và chính thức đi vào hoạt động tại PECC2.

Thực hiện: Nhóm nghiên cứu Phòng KTKS

Tài liệu tham khảo:

[1] Corti, P., Lewis, B. & Kralidis A. (2018). Hypermap registry: an open source, standards-based geospatial registry and search platform. Open geospatial data, Software and Standards. https://doi.org/10.1186/s40965-018-0051-x

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2