Bản tin tháng TV2
Bí quyết làm nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
23/02/2023 09:21
- 634 lần đọc
Liệu đầu tư vào con người có đem lại lợi ích cho công ty? Đa phần các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều tán thành với quan điểm này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tỏ tường tại sao một số tổ chức lại hiệu quả hơn so với những tổ chức khác trong việc biến nguồn nhân lực thành một lợi thế cạnh tranh thực sự.

Nguồn: Internet

Con người + Hiệu suất = Nhân viên vượt trội

Để hình dung được đặc điểm của một công ty có mô hình tập trung về con người và hiệu suất kinh doanh, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu khái quát về mô hình mục tiêu mà các công ty theo đuổi gồm 4 loại sau đây:

- Con người + Hiệu suất: Các công ty này luôn tạo cơ hội cho nhân viên phát triển kỹ năng (có thể đo lường bằng khả năng luân chuyển nội bộ, số giờ được đào tạo và sức khỏe tổ chức), song song là việc đạt hiệu quả về tài chính.

- 100% hiệu suất: Các công ty này cũng đạt được kết quả tài chính hàng đầu nhưng không chú trọng vào phát triển kỹ năng và môi trường làm việc.

- Tập trung vào con người: Các công ty huy động mọi nguồn lực để phát triển nhân viên nhưng không thể chuyển hóa thành sức mạnh tài chính.

- Không tập trung vào mục tiêu con người cũng như hiệu suất.

Một nghiên cứu gần đây của McKinsey trên các công ty từ nhiều lĩnh vực và quốc gia khác nhau cho thấy mô hình con người + hiệu suất khác biệt với các mô hình còn lại khi có thể mang đến cơ hội xây dựng kỹ năng cho nhân viên mà vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt.

Nghiên cứu chỉ ra rằng để đạt được kết quả kép này đòi hỏi nguồn vốn tổ chức hiệu quả - bao gồm thể chế tổ chức, hệ thống và văn hóa. Khi những yếu tố này hoạt động hiệu quả, nó tạo nên một môi trường làm việc năng suất và trở thành yếu tố thu hút nhân tài. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cũng mang lại hiệu quả cho các công ty với doanh thu ổn định hơn và khả năng phục hồi cao hơn khi khủng hoảng xảy ra. Ngoài việc phát triển vững chắc hơn so với các công ty cùng ngành, các công ty này sẽ giữ nhân tài hiệu quả hơn với tỷ lệ tiêu hao thấp hơn khoảng 5%.

Ngoài ra, mô hình Con người + Hiệu suất còn khác biệt ở phong cách quản lý và cách thức trao quyền cho nhân viên.

Nguồn: McKinsey.

Ở mô hình Con người + Hiệu suất, các nhà lãnh đạo trao quyền cho các nhân viên quyết định và thách thức họ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Cùng với văn hóa đổi mới và cộng tác, cũng như tinh thần khởi nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân viên được thử nghiệm những ý tưởng mới và được cấp quản lý hỗ trợ tối đa. Họ được củng cố kiến thức, đóng góp ý tưởng thông qua việc chia sẻ và hệ thống quy trình rõ ràng minh bạch. Nhằm tạo động lực cho nhân viên, những công ty này đưa ra các giải thưởng khuyến khích tài chính và cơ hội thăng tiến. Sự kết hợp cân bằng giữa việc trao quyền và có hệ thống quy định, yêu cầu công việc, mục tiêu ngắn và dài hạn sẽ giúp công ty đạt được kết quả kinh doanh vượt bậc.

Có thể thấy các công ty 100% Hiệu suất sẽ có chu kỳ kinh doanh hiệu quả hơn. Đó là vì sự khác biệt trong việc tiếp cận khách hàng. Mô hình Con người + Hiệu suất sẽ tạo ra những sáng kiến từ nội bộ để dự đoán nhu cầu của khách hàng và đưa ra giải pháp phù hợp. Còn mô hình 100% Hiệu suất sẽ thu thập ý kiến khách hàng và định vị các cơ hội dựa vào thị trường. Tuy nhiên, sự thiếu tập trung trong việc đổi mới và thay đổi sẽ khiến những công ty 100% Hiệu suất có gặp nhiều trở ngại hơn khi thị trường biến đổi liên tục.

So sánh mô hình Con người + Hiệu suất với mô hình 100% Con người, hai mô hình này có sự tương đồng bao gồm tạo ra môi trường làm việc tích cực, phát triển nhân viên bằng việc huấn luyện trong công việc thực tế cũng như những chính sách khuyến khích. Nhưng mô hình Con người + Hiệu suất ưu việt hơn khi yêu cầu các nhân viên cần phải đạt được những mục tiêu cụ thể.

Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực sẵn có, công ty có thể làm gì để thu hút nhân tài?

Nguồn: Internet

Một công ty có định hướng phát triển con người sẽ trở thành một thỏi nam châm thu hút nhân tài. Sau đây là ba yếu tố cần được quan tâm khi xây dựng nguồn nhân lực:

- Hiểu được tiềm năng cũng như kỹ năng và kiến thức hiện tại của nhân viên:
Thay vì tìm kiếm các ứng viên phù hợp chính xác với mô tả công việc, các công ty nên tạo ra các vị trí mở để đánh giá ứng viên dựa trên năng lực học hỏi, thực lực và kỹ năng của họ. Các nhà tuyển dụng nên tập trung vào một số kỹ năng cốt lõi quan trọng của ứng viên, cởi mở hơn với những ứng viên đã kinh nghiệm khác với vị trí đang cần tuyển.

- Khuyến khích sự dịch chuyển: Không thể phủ nhận sự thật những tài năng thường nhảy việc. Nhà tuyển dụng nên nắm bắt các cơ hội vì có thể sẽ thu hút được những ứng viên tốt nhất. Mặt khác, họ có thể tăng năng suất và sự gắn kết của những nhân viên có giá trị ở lại. Để đảm bảo nhân viên không phải nhảy việc để thăng tiến, công ty cần đặt ra các kì vọng về công việc, hướng phát triển tương lai rõ ràng và các kỹ năng cần thiết tại mỗi cấp độ. Ví dụ, công ty có thể tạo ra một nền tảng số nội bộ để nhân viên có thể truy cập học tập thêm và tìm kiếm những cơ hội mới cho họ. Ngoài ra, khi những nhân viên tài năng dịch chuyển, hãy tôn vinh họ như những câu chuyện thành công – và chào đón họ trở lại trong tương lai nếu có.

- Tăng cường huấn luyện, đặc biệt là vào giai đoạn đầu sự nghiệp của nhân viên:

Các kỹ năng được phát triển hàng ngày qua công việc và có thể phát triển tốt hơn thông qua huấn luyện và học nghề. Những năm đầu tiên của sự nghiệp chính là nền tảng quan trọng để có sự phát triển vững chắc. Các công ty nên cung cấp các công cụ bao gồm việc yêu cầu cấp quản lý phải cam kết truyền đạt kiến thức và tạo điều kiện kết nối. Ngay cả khi đạt được những cột mốc nhất định, nhân viên cần có cơ hội liên tục được học hỏi. Trong một cuộc khảo sát của Gallup vào năm 2021, 65% người lao động Mỹ nói rằng học các kỹ năng mới là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc quyết định có nên tiếp tục công việc hiện tại của họ hay không. Vì vậy, các chương trình học tập và phát triển sẽ giúp nguồn nhân lực có tinh thần cao hơn và tránh chảy máu chất xám.

Thực hiện: An Phạm

Nguồn tham khảo:

1. Transforming human capital into a competitive edge | McKinsey

2. Human capital at work: The value of experience | McKinsey

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2