Bản tin tháng TV2
ChatGPT – hiện tượng mới của công nghệ AI
22/02/2023 09:09
- 890 lần đọc
Nổi lên như một hiện tượng mới, ChatGPT đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong các cuộc trò chuyện và phủ sóng khắp trên các mạng xã hội ngay những ngày sau Tết Âm lịch 2023. Dù đây là một công cụ AI mới được đưa ra công chúng cuối năm 2022, nhưng chỉ sau 40 ngày ra mắt, ChatGPT đã “cán mốc” 10 triệu người dùng mỗi ngày [1]. Đây là con số khổng lồ cho thấy sức hút vô cùng mạnh mẽ của ChatGPT – một công cụ AI sở hữu những khả năng làm kinh ngạc người dùng như: đối đáp hài hước, viết code, kiểm tra lỗi, sáng tạo nội dung, phân tích, tư vấn, v.v. một cách chặt chẽ, rõ ràng. Dù chỉ là giai đoạn đầu nhưng nhiều người nhận định ChatGPT/AI sẽ phát triển nhanh chóng và có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong xã hội hiện tại.

Nguồn: Internet

ChatGPT là gì?

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một loại chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo AI do công ty start-up OpenAI của Mỹ phát triển và phát hành ra công chúng từ tháng 11 năm 2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ có tên là GPT-3.5 và được đào tạo bằng kỹ thuật máy học có tên Học tăng cường từ Phản hồi của người dùng - Reinforcement Learning from Human Feedback (RLHF). OpenAI khẳng định ChatGPT có thể mô phỏng các đoạn hội thoại, trả lời câu hỏi, nhận khuyết điểm, thách thức những tiên đề không chính xác và từ chối yêu cầu không hợp lý.

Trong khi Google là công cụ tìm kiếm và trích xuất các dữ liệu có sẵn liên quan đến từ khóa, yêu cầu người dùng phải đọc, tìm hiểu và lọc dữ liệu, thì với ChatGPT người dùng có thể đặt ra các yêu cầu cao hơn, bên cạnh nguồn dữ liệu khổng lồ nó có thể tổng hợp, phân tích thông tin và đưa ra đáp án chính xác và linh hoạt hơn, gần với yêu cầu của người dùng nhất.

Công cụ xử lý ngôn ngữ này có một khả năng đáng chú ý là tương tác ở dạng đối thoại, đàm thoại và đưa ra những phản hồi có vẻ giống con người một cách đáng ngạc nhiên. ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, hỗ trợ thực hiện các tác vụ như soạn email, viết luận, viết ngôn ngữ lập trình và sáng tạo nội dung (viết content).

ChatGPT sở hữu những khả năng siêu phàm

Theo nhận định của Báo New York Post, khả năng siêu phàm của ChatGPT hoàn toàn có thể định nghĩa lại nền kinh tế toàn cầu bằng cách thay thế con người trong các công việc khác nhau, từ xây dựng trang web, kiến trúc đến báo chí…

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của ChatGPT là chatbot. Với sự phát triển của thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến, chatbot đã trở thành một công cụ thiết yếu để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng và xử lý các yêu cầu một cách hiệu quả. ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra nhiều phản hồi giống con người hơn, cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng. Ví dụ: một chatbot dịch vụ khách hàng do ChatGPT cung cấp có thể hiểu mục đích đằng sau tin nhắn của khách hàng và phản hồi bằng thông tin hoặc giải pháp có liên quan, giúp cuộc trò chuyện trở nên tự nhiên hơn và ít rô-bốt hơn.

ChatGPT cũng có thể được sử dụng trong các ứng dụng dịch thuật, chuyển ngữ. Với khả năng tạo ra các bản dịch chất lượng cao, công cụ AI này có thể giúp phá vỡ rào cản ngôn ngữ và tạo điều kiện giao tiếp giữa những người nói ngôn ngữ khác nhau. ChatGPT có thể học cách dịch các câu phức tạp và hiểu sắc thái của ngôn ngữ, nhờ đó trở thành một công cụ có giá trị cho các tổ chức và cá nhân quốc tế.

Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể được sử dụng trong các ứng dụng sáng tạo nội dung, chẳng hạn như các công cụ hỗ trợ viết. Các công cụ này sử dụng ChatGPT để đề xuất cách sửa ngữ pháp nhằm cải thiện chất lượng tổng thể của nội dung. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để tạo văn bản cho các bài đăng trên mạng xã hội, email và các loại nội dung khác, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người sáng tạo nội dung.

Để dễ hình dung khả năng đáng ngạc nhiên của ChatGPT, xin mời bạn đọc xem hình ảnh dưới đây (Hình 1). Đây là sản phẩm của bạn Bùi Viết Cường thuộc Cộng đồng OpenAI - ChatGPT Việt Nam, được tạo ra nhờ vào sự kết hợp giữa ChatGPT và ứng dụng Midjourney để “biến” chữ thành hình ảnh. Chỉ cần dùng các từ khóa đơn giản như “Con mèo nhìn ngầu, background màu đỏ, nhìn như chiến thần, cầm thương cưỡi ngựa (A cool-looking cat with a red background, looking like a war hero, holding a weapon and riding a horse)” và “Cô gái trẻ châu Á tóc đen, mắt to, chơi golf, da trắng, dễ thương (Young asian girl black hair, big eyes, playing golf, white skin, so cute)”, các hình ảnh với các đặc điểm đúng như mô tả được tạo ra chỉ trong vài phút.

Hình 1. Kết hợp ChatGPT và ứng dụng Midjourney để tạo các hình ảnh đẹp mắt dựa trên các từ khóa đơn giản (Nguồn: Tác giả Bùi Viết Cường)

Không chỉ “giỏi” về tương tác, dịch thuật và sáng tạo nội dung, ChatGPT còn có thể tự tạo, tìm và sửa lỗi code, tạo trang web hay thậm chí là lập trình game cơ bản với bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào mà người dùng yêu cầu (Python C, Javascript, v.v.).

Hình 2. ChatGPT trả lời câu hỏi về lỗi viết code (Nguồn: pcmag.com)

Nhờ những ưu điểm vượt trội đó mà chỉ trong thời gian ngắn, sau 40 ngày ra mắt chính thức, ChatGPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng mỗi ngày, trong khi Instagram phải mất 355 ngày mới đạt được con số ấy.[1]

ChatGPT – lợi nhiều nhưng cũng lắm nỗi lo

Mặc dù sở hữu nhiều lợi ích nhưng ChatGPT vẫn tồn tại một số nhược điểm và nỗi lo ngại tiềm ẩn. Một trong số đó là khả năng sai lệch trong ngôn ngữ do mô hình tạo ra. Mô hình được đào tạo trên các bộ dữ liệu lớn, có thể chứa ngôn ngữ sai lệch hoặc có vấn đề. Nếu ngôn ngữ này không được xác định và giải quyết, mô hình có thể duy trì những thành kiến này, dẫn đến kết quả có hại.

Một nhược điểm khác là ChatGPT có khả năng bị lạm dụng, chẳng hạn như tạo tin tức giả mạo hoặc nội dung độc hại. ChatGPT có thể tạo ra virus, phần mềm độc hại hay lừa đảo với mục đích bất chính của người dùng.

Một admin của Bleeping Computer - một trang web hàng đầu về công nghệ - đã yêu cầu ChatGPT viết một lá thư lừa đảo đến từ một ngân hàng, và kết quả nhận được rất đáng kinh ngạc, email có một sự chỉnh chu không khác gì ngân hàng thật, không mắc lỗi sai chính tả, ngữ pháp, điều mà các email lừa đảo khác thường hay mắc phải.

Hình 3. Email lừa đảo mạo danh ngân hàng được viết bởi ChatGPT do người dùng thử nghiệm (Nguồn: BleepingComputer website)

Ngoài ra, cũng đã có những cảnh báo rằng ChatGPT có thể tạo ra những nội dung mang tính thiên vị, phân biệt chủng tộc, giới tính và gây hại cho con người. Chẳng hạn khi được hỏi thế nào là một nhà khoa học giỏi, ChatGPT đã trả lời là một người da trắng và có giới tính nam.

Với khả năng tổng hợp, phân tích và lập luận chặt chẽ, ChatGPT cũng có thể đưa ra những nội dung sai, trái đạo đức làm sai lệch suy nghĩ của người dùng. Đây cũng là điểm yếu của ChatGPT so với Google, bởi Google chỉ đưa ra các kết quả thông tin để người dùng tự chọn lọc.

Một nhà đầu tư của OpenAI đã cảnh báo rằng: “ChatGPT hoàn hảo đến đáng sợ. Chúng ta đã tiến rất gần đến sự nguy hiểm của AI”. Rõ ràng, ChatGPT rất “giỏi” và khả năng hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, nhưng việc người dùng định hướng và kiểm soát nó như thế nào vẫn rất cần các nhà sáng lập có những công cụ, chính sách phù hợp để đảm bảo phát huy những ích lợi và hạn chế các tác hại khôn lường từ siêu phẩm này.

Tóm lại, ChatGPT là một công cụ mạnh mẽ với nhiều ứng dụng tiềm năng trong các ngành khác nhau. Khả năng tạo phản hồi giống như con người và dịch ngôn ngữ của công cụ này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhận thức được những mối nguy hại tiềm ẩn và có biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này. Bằng cách đó, con người có thể khai thác sức mạnh của ChatGPT để cải thiện cuộc sống và đạt được những bước đột phá tiếp theo trong tương lai sắp tới.

Thực hiện: Bùi Duy Phương

 

Nguồn tham khảo:

[1] Gia Minh, “ChatGPT vượt xa Instagram, 10 triệu người dùng hằng ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt,” Tuổi trẻ online, 29/01/ 2023. Địa chỉ: https://tuoitre.vn/chatgpt-vuot-xa-instagram-10-trieu-nguoi-dung-hang-ngay-chi-sau-40-ngay-ra-mat-20230129105450027.htm

[2] Tiến Dũng, “Sự trỗi dậy của AI ChatGPT có thể "xóa sổ" Google Search trong vòng 2 năm,” Tạp chí điện tử Viettimes, 13/12/2022. Địa chỉ: https://viettimes.vn/su-troi-day-cua-ai-chatgpt-co-the-xoa-so-google-search-trong-vong-2-nam-post162580.html

[3] Sự kết hợp ChatGPT tạo câu nhắc cùng với ứng dụng AI Midjourney biến chữ thành tạo hình ảnh. Địa chỉ: https://www.facebook.com/100005986878352/videos/1603138816766359/

[4] Ar Sharma, “OpenAI's new ChatGPT bot: 10 dangerous things it's capable of,” Bleeping Computer, 6 December 2022. Available at: https://www.bleepingcomputer.com/news/technology/openais-new-chatgpt-bot-10-dangerous-things-its-capable-of/

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2