Bản tin tháng TV2
Niềm tin – yếu tố cốt lõi trong mọi mối quan hệ
27/09/2022 00:00
- 4970 lần đọc
Dù chúng ta là ai, làm bất cứ ngành nghề gì hay ở vị trí nào trong xã hội, niềm tin là một trong những yếu tố cốt lõi để dẫn đến thành công. Niềm tin giúp chúng ta nhận về sự tin tưởng, tín nhiệm, cũng như sự yêu quý và tôn trọng từ người khác. Tuy nhiên, để xây dựng được lòng tin lại cần rất nhiều thời gian và công sức. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng được niềm tin lâu dài trong các mối quan hệ, từ cá nhân đến công việc, để chuyển hóa chúng thành cơ hội dẫn đến thành công?

Niềm tin là gì? Nói một cách đơn giản, niềm tin thể hiện cách cảm nhận và lòng tin cậy của ta với một người hoặc một điều gì đó. Khi bạn tin một người, bạn sẽ đặt lòng tin của mình vào năng lực, đạo đức, phẩm chất và cả thành quả của họ. Ngược lại, khi bạn nghi ngờ ai đó, bạn sẽ không tin vào tất cả những gì họ thể hiện hoặc mang lại. Điều này sẽ tác động xấu và làm ảnh hưởng đến chất lượng lẫn hiệu quả công việc giữa hai người. Trong cuốn sách “Tốc độ của niềm tin”, tác giả Stephen R. Covey có nhắc đến 5 làn sóng niềm tin dựa vào ý tưởng “hiệu ứng gợn sóng”, đó là: niềm tin vào chính mình, niềm tin trong mối quan hệ, niềm tin trong tổ chức, niềm tin trên thương trường và niềm tin trong xã hội. Trong bối cảnh niềm tin đang bị tổn thương nghiêm trọng, chúng ta nên biết cách hành động và xây dựng nó theo trình tự dịch chuyển từ trong ra ngoài để có được sức mạnh của niềm tin.

Hình 1. 5 làn sóng niềm tin. (Nguồn: https://www.franklincovey.vn/giai-phap/lanh-dao-voi-toc-do-cua-niem-tin.aspx

Làn sóng thứ nhất: Niềm tin vào bản thân - Nguyên tắc của sự tín nhiệm

Điều cơ bản nhất mà tất cả chúng ta cần phải có, đó là tin vào bản thân trước khi muốn xây dựng lòng tin từ người khác. Nguyên tắc của đợt sóng đầu tiên này chính là sự tín nhiệm. Chúng ta nên tự tu dưỡng bản thân để trở thành một người tử tế. Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng nên thành thật ngay từ đầu để chiếm được lòng tin và xây dựng thiện cảm đối với mọi người.

Làn sóng thứ hai: Niềm tin trong mối quan hệ - Nguyên tắc ứng xử

Nguyên tắc chính chi phối làn sóng này là sự nhất quán trong hành động. Điều này sẽ giúp chúng ta nâng cao niềm tin từ người khác và tránh việc bị hủy hoại lòng tin. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện 13 hành vi ứng xử, bao gồm: nói thẳng, tôn trọng người khác, hành động minh bạch, sửa chữa sai lầm, thể hiện sự trung thành, tạo ra thành quả, cầu tiến, đối mặt với thực tế, xác định rõ các kỳ vọng, chịu trách nhiệm, lắng nghe trước tiên, giữ cam kết và tin vào người khác

Làn sóng thứ ba: Niềm tin trong tổ chức - Nguyên tắc liên kết

Niềm tin được xem như một yếu tố quan trọng khi tạo nên được sức mạnh cực kỳ lớn cho doanh nghiệp. Được ví như sợi dây liên kết giữa lãnh đạo và nhân viên hay giữa nhân viên với nhau, mỗi thành viên trong tổ chức đều cần nhận thức việc phải tạo dựng sự tin cậy. Điều này sẽ tác động tích cực đến mọi mặt trong tổ chức như tăng năng suất làm việc cũng như nâng cao tinh thần phụng sự của nhân viên vì sự lắng nghe, thấu cảm, tin tưởng và giúp đỡ luôn tồn tại trong doanh nghiệp. Ngược lại, sự khủng hoảng niềm tin trong môi trường công việc sẽ dẫn đến sự thất thoát về nhân lực, sự giảm mạnh trong năng suất làm việc và hậu quả cuối cùng, doanh thu của công ty sẽ đi xuống.

Làn sóng thứ tư: Niềm tin trên thương trường - Nguyên tắc về danh tiếng

Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Amazon, đã từng nói rằng: “Thương hiệu đối với một công ty cũng giống như uy tín với một cá nhân. Để có được uy tín, bạn phải nỗ lực thực hiện tốt những công việc khó khăn”. Như vậy, có thể nói rằng, niềm tin trên thương trường là câu chuyện của thương hiệu và danh tiếng. Các doanh nghiệp, tổ chức nên xây dựng niềm tin dựa trên nguyên lý của sự uy tín để có được những thành công nhất định.

Làn sóng thứ năm: Niềm tin trong xã hội - Nguyên tắc cống hiến

Nguyên tắc chủ đạo của niềm tin đối với xã hội là sự cống hiến. Thay vì nhận về cho riêng bản thân, chúng ta nên cho đi nhiều hơn để thay đổi phạm vi ảnh hưởng của mình; từ đó, gây ra những tác động đáng kể cho vòng tròn các mối quan hệ xung quanh.

Nguồn: Internet

Như vậy, niềm tin được cấu thành từ điều gì? Đó là hai yếu tố: tính cách và năng lực. Tính cách là những đặc điểm tâm lý của một người và có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của người đó. Năng lực bao gồm khả năng, thành tích và hiệu quả của con người. Jim Colllins – tác giả cuốn “Từ tốt đến vĩ đại”, đã từng nói rằng, đại ý, một nhà lãnh đạo xuất sắc là người “cực kỳ khiêm tốn” (tính cách) và “ý chí mạnh mẽ trong nghề nghiệp” (năng lực). Điều này có thể thấy rằng hai yếu tố trên phải luôn song hành cùng nhau. Một người có đức tính tốt chưa chắc sẽ nhận được sự tín nhiệm nếu không có năng lực cao. Và ngược lại, một người đã có vị trí nhất định trong xã hội cũng sẽ không được mọi người hoàn toàn tin tưởng nếu không liêm khiết, công tâm và chính trực. Để tạo được sự tín nhiệm và lòng tin từ người khác, chúng ta cần 4 yếu tố cốt lõi sau: sự chính trực, ý định, năng lực và kết quả. Hai yếu tố đầu tiên nói về tính cách, hai yếu tố còn lại nói về năng lực.

Sự chính trực

Chính trực là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Người có tính trung thực là người luôn nhất quán trong suy nghĩ, hành động và kiên định với những quyết định, sự lựa chọn của chính mình. Đạo đức ở đây chính là sự khiêm tốn và can đảm. Người khiêm tốn không bao giờ đề cao bản thân trong công việc mà ngược lại, họ sẽ chỉ tập trung vào hành động và kết quả. Bên cạnh đó, lòng dũng cảm, dám đối mặt với những định kiến, khó khăn sẽ giúp bạn củng cố thêm niềm tin từ mọi người. Vậy làm thế nào để rèn luyện đức tính chính trực?

- Có kế hoạch và cam kết với bản thân

Chúng ta thường xuyên vạch ra rất nhiều mục tiêu cho chính bản thân mình nhưng cuối cùng lại không thực hiện vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Khi kết quả không như mong đợi, chính lúc ấy ta cũng mất đi niềm tin vào bản thân. Tương tự với các mối quan hệ xã hội, nếu chúng ta cứ nói mà không làm thì sẽ đánh mất lòng tin của mọi người. Việc thực hiện cam kết với bản thân hay với những người xung quanh dù là việc nhỏ nhặt nhất sẽ giúp xây dựng niềm tin của bản thân và củng cố độ tin cậy với những người xung quanh.

- Tự tạo những chuẩn mực đạo đức cho bản thân

 Để có thể trở thành một người chính trực, bản thân chúng ta phải là một người chân chính. Tức là mỗi người trong chúng ta phải có tính cách, phẩm hạnh và suy nghĩ của một người đại diện cho lẽ phải, luôn biết bảo vệ cái đúng và chống lại cái xấu, cái tiêu cực.

Ý định

Hành động của chúng ta thường xuất phát từ những suy nghĩ và ý định trong đầu. Ý định trong đầu này lại phát sinh từ chính tính cách của chúng ta. Vì thế, ý định rất cần thiết đối với niềm tin, bao gồm: động cơ, kế hoạch và hành động. Để tạo dựng được niềm tin, động cơ của chúng ta cần xuất phát từ lợi ích chung, thay vì vị kỷ của cá nhân. Chính điều này sẽ giúp ta có quyết định và hành động phù hợp, từ đó niềm tin họ đặt vào mình cũng sẽ được nâng cao.

3 yếu tố có thể nâng tầm ý định:

- Điều chỉnh động cơ của bạn: Trước khi hành động, chúng ta nên tự đặt ra các câu hỏi liên quan đến mục đích, sức ảnh hưởng, lợi ích của các bên… để có cái nhìn cởi mở hơn.

- Nói rõ ý định của bạn: Khi hiểu được mục đích và động cơ của bạn, mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận và đặt lòng tin vào bạn hơn.

-  Xây dựng lòng vị tha: Biết bao dung và trân trọng những điều đang có sẽ giúp chúng ta tự hình thành nên nhân cách tốt đẹp; từ đó, xây dựng được niềm tin từ mọi người xung quanh.

Năng lực

Chỉ trung thực thôi thì chưa đủ, chúng ta còn cần phải có năng lực. Năng lực bao gồm kỹ năng, tài năng và kiến thức của bản thân. Năng lực không chỉ giúp chúng ta tạo được sự tự tin trong công việc mà còn gầy dựng được niềm tin đối với mọi người. Tuy nhiên, người có năng lực tốt nhưng lại không có sự chính trực thì cũng như cây có rễ bị thối rữa. Ngược lại, người có tâm ý tốt và thật thà nhưng lại không có tài năng thì cũng sẽ khó đạt được sự tín nhiệm từ mọi người trong những công việc quan trọng.

Kết quả

Những thành tích mà bạn đạt được, những kết quả và những kinh nghiệm mà bạn có như một tờ giấy chứng nhận để mọi người biết rằng họ có thể đặt niềm tin vào bạn. Vậy làm thế nào để nâng cao thành tích của bản thân? Đây là 2 yếu tố giúp bạn cải thiện được kết quả:

- Quyết tâm 

Khi chúng ta mong muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ giúp chúng ta thực hiện điều đó. Nó giống như một lực hút, bạn càng khát khao chạm đến đích, bạn sẽ cố gắng và tìm cách đạt được điều đó. Chính sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết đam mê của ta sẽ dẫn ta đến đích cuối cùng.

- Nuôi dưỡng kỳ vọng chiến thắng

Ta kỳ vọng về những kết quả to lớn bao nhiêu thì khả năng cao ta sẽ đạt được điều đó. Chính sự kỳ vọng sẽ tạo động lực để ta cố gắng và vượt qua những khó khăn. Và khi đạt được mong muốn, niềm tin về bản thân sẽ được củng cố và những người khác cũng sẽ nhìn nhận thành quả của bạn. 

Sự chính trực, ý định, năng lực và kết quả là 4 yếu tố cốt lõi quan trọng không thể tách rời góp phần tạo dựng niềm tin trong tất cả các mối quan hệ dựa trên 5 làn sóng niềm tin. Tùy vào đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp mà cách ứng xử, thái độ sẽ thay đổi nhưng nhìn chung, tất cả những đặc điểm trên đều có thể được áp dụng trong mọi tình huống. Bạn có thể xây dựng niềm tin và biết cách khôi phục lại niềm tin đã mất để tạo ra một môi trường tin cậy tại nơi làm việc cũng như trong cuộc sống.

Thực hiện: An Phạm

Nguồn tham khảo:

Stephen M.R. Covey. 2015. Tốc độ của niềm tin. First news, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM.

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2