Bản tin tháng TV2
Điện gió ngoài khơi: Một số vấn đề chính trong công tác thiết kế kết cấu và bố trí mặt bằng
27/09/2022 09:41
- 408 lần đọc
Nhằm đảm bảo tầm nhìn phát triển và thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) cho đội ngũ kỹ sư, sáng ngày 28/09/2022, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề: “Một số vấn đề chính trong công tác thiết kế kết cấu và bố trí mặt bằng trang trại ĐGNK”.

Tham dự hội thảo có Ông Lưu Cẩn Thạch - Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Akselos SA; TS. Phạm Thanh Đảm - Giảng viên Đại học Duy Tân; Ông Nguyễn Hải Phú, Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Tổng Giám đốc PECC2 cùng các vị Lãnh đạo các Trung tâm, phòng ban và đội ngũ kỹ sư đến từ: Trung tâm Quản lý & Vận hành nhà máy điện (POM), Trung tâm Năng lực số (DCC), Trung tâm tư vấn Nhiệt điện và Điện hạt nhân (TNĐ), Trung tâm Tư vấn thiết kế lưới điện (TLĐ), Trung tâm tư vấn thiết kế Thủy điện và Năng lượng tái tạo (TTĐ), Phòng Kỹ thuật khảo sát (KSTK), Xí nghiệp khảo sát tổng hợp Miền Nam (XNKS), Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển (TR&D) của PECC2.

Hình 1. ThS. Trần Hữu Nghị đến từ Trung tâm TR&D-PECC2 đang trình bày bài tham luận “Tổng quan về ĐGNK- Sự tiến bộ về công nghệ, thách thức và xu hướng phát triển". (Ảnh: M&IC – PECC2)

Phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng sạch theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, ĐGNK được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp tiềm năng và giàu tính đột phá khi sở hữu khả năng khai thác lớn do có vùng biển rộng và số giờ vận hành trong năm cao. Theo kịch bản Phụ tải cao phục vụ điều hành của Dự thảo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 (QHĐ 8) mới nhất, công suất đặt các nguồn ĐGNK là 7 GW vào năm 2030 và 64.5 GW vào năm 2045, chiếm tỉ lệ trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam tương ứng là 4,8% và 16,6%.

Để có được những định hướng và chiến lược đúng đắn cho việc phát triển ĐGNK, hội thảo đã đi qua 03 bài tham luận: 1-Tổng quan về điện gió ngoài khơi: Sự tiến bộ về công nghệ, thách thức và xu hướng phát triển; 2-Song sinh số cấu trúc (Structural Digital Twin): Ứng dụng trong thiết kế và vận hành Điện gió ngoài khơi; và 3-Nghiên cứu phát triển mô hình móng nổi bằng bê tông cho tuabin gió ngoài khơi 15 MW.

Hình 2. Ông Lưu Cẩn Thạch - Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Akselos SA - đang trình bày bài tham luận trong hội thảo. (Ảnh: M&IC – PECC2)

Mở đầu hội thảo là bài trình bày của ThS. Trần Hữu Nghị - Nghiên cứu viên TR&D PECC2, với chủ đề: “Tổng quan về Điện gió ngoài khơi - Sự tiến bộ về công nghệ, thách thức và xu hướng phát triển”. Bài trình bày đã nêu bật 05 nội dung cơ bản: 1-Tình hình phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới và Việt Nam đến năm 2022 và xu hướng phát triển trong tương lai; 2-Một số vấn đề trong việc đánh giá tiềm năng, thu thập dữ liệu khảo sát và đánh giá tác động môi trường - xã hội; 3-Sự phát triển và xu hướng của công nghệ tuabin điện gió ngoài khơi; 4-Các dạng kết cấu móng cố định và móng nổi cho tuabin điện gió ngoài khơi, ưu nhược điểm và phạm vi áp dụng của từng loại; 5-Một số vấn đề chính trong việc bố trí mặt bằng trang trại điện gió ngoài khơi dựa trên việc tối ưu hóa giữa hiệu suất hoạt động của tuabin, chi phí truyền tải, điều kiện xây dựng, điều kiện vận hành, các ràng buộc với các ngành kinh tế biển khác…

Nối tiếp nội dung hội thảo là bài tham luận của Ông Lưu Cẩn Thạch - Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Akselos SA - với chủ đề: “Song sinh số cấu trúc - Ứng dụng trong thiết kế và vận hành dự án điện gió ngoài khơi”. Bài tham luận đã làm rõ các khái niệm và phân loại song sinh số nói chung, giới thiệu về song sinh số cấu trúc của Akselos dựa trên phương pháp phần tử hữu hạn giảm bậc (RB-FEA) kết hợp mô phỏng kết cấu bằng “phần tử 3D” và ứng dụng phương pháp này trong việc tối ưu hóa thiết kế kết cấu cho các dự án điện gió ngoài khơi móng nổi và móng cố định. Hiệu quả của phương pháp này được so sánh với phương pháp phân tử hữu hạn truyền thống mô phỏng các phân tử theo mô hình “phần tử beam” thông qua các dự án mà Akselos đã thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, việc ứng dụng song sinh số cấu trúc trong việc vận hành và quan trắc trang trại điện gió ngoài khơi theo thời gian thực cũng đã được diễn giả giới thiệu và phân tích hiệu quả trong việc đánh giá và giảm thiểu rủi ro khi vận hành dự án điện gió ngoài khơi.

Hình 3. TS. Phạm Thanh Đảm - Giảng viên Đại học Duy Tân, đang trình bày bài Nghiên cứu mô hình móng nổi bằng bê tông cho tuabin gió ngoài khơi 15 MW. (Ảnh: M&IC – PECC2)

Nội dung cuối cùng của buổi hội thảo là bài tham luận của TS. Phạm Thanh Đảm - Giảng viên Đại học Duy Tân, với chủ đề: “Nghiên cứu mô hình phát triển móng nổi bằng bê tông cho tuabin gió ngoài khơi 15MW”. Phần trình bày này đã đóng góp và chia sẻ nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực thiết kế tuabin gió ngoài khơi móng nổi gồm: 1-Giới thiệu các công cụ và tiêu chuẩn thiết kế tuabin gió móng nổi ngoài khơi; 2-Giới thiệu, phân tích và đánh giá các mô hình tuabin gió nổi ngoài khơi bằng bê tông đã và đang nghiên cứu phát triển hiện nay trên thế giới; 3-Đề xuất mô hình tuabin gió nổi kết cấu móng dạng nửa chìm (Semi-submersible) sử dụng vật liệu bê tông áp dụng cho tuabin gió ngoài khơi mẫu 15MW của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, bài tham luận cũng trình bày kết quả nghiên cứu của diễn giả về kết quả tính toán động học và ổn định cho loại móng nổi này dựa trên mô hình và công cụ mô phỏng mã nguồn mở FAST. Kết lại phần trình bày, TS Phạm Thanh Đảm đề xuất các nghiên cứu tiếp theo của mô hình móng nổi này để phát triển hoàn thiện nghiên cứu về lý thuyết tính toán, mô phỏng và tiến hành thực nghiệm.

Xuyên suốt hội thảo, không chỉ được lắng nghe và cập nhật những kiến thức bổ ích, người tham dự còn có thể đặt ra những câu hỏi cho các diễn giả sau mỗi phần trình bày. Trong các phiên thảo luận này, các diễn giả nhận được rất nhiều sự quan tâm từ hội thảo khi hàng loạt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến nội dung trong bài tham luận đã được đặt ra. Tại đây, các diễn giả cũng có cơ hội chia sẻ và trao đổi các mối quan tâm chung về vấn đề ĐGNK với đại biểu và người tham dự.

Hình 4. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhân sự PECC2. (Ảnh: M&IC – PECC2)

Phát biểu tổng kết chương trình, Ông Nguyễn Hải Phú - Phó Tổng Giám đốc PECC2, bày tỏ niềm vui mừng với sự thành công của hội thảo. Ông cũng nhìn nhận và cho rằng việc phát triển ĐGNK có chu trình rất khác biệt so với điện gió trên bờ vì thế ông hy vọng, thông qua buổi hội thảo này, đội ngũ kỹ sư PECC2 đã được củng cố, tích lũy kiến thức và cập nhật các thông tin mới trong lĩnh vực ĐGNK để sẵn sàng cho việc nghiên cứu và triển khai thực hiện các dự án này trong tương lai, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Thực hiện: Hữu Nghị

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2