Lắng nghe chủ tâm – chìa khóa tạo dựng sự liên kết giữa lãnh đạo và nhân viên
22/10/2021 09:26
- 708 lần đọc
Bên cạnh những vấn đề chuyên môn liên quan đến công việc, một nhà lãnh đạo đôi khi có thể đối mặt với những câu hỏi hóc búa như: Vì sao chất lượng làm việc của nhân viên giảm rõ rệt? hay Môi trường làm việc xung quanh có rất nhiều những cảm xúc tiêu cực nhưng không rõ nguyên nhân? Vậy làm cách nào để một người lãnh đạo có thể vực dậy tinh thần làm việc tích cực cho cả đội nhóm?

Nguồn: Internet

Như chúng ta đã thấy, sự bùng nổ về chuyển đổi số cùng với sự xuất hiện của đại dịch Covid kéo dài suốt hai năm qua đã làm thay đổi môi trường và cách làm việc của rất nhiều công ty trên toàn cầu. Nhiều tập đoàn hiện nay đã chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến hoặc kết hợp linh hoạt phương thức làm việc tại văn phòng hoặc trực tuyến. Tất cả nhân viên vì thế cũng hạn chế gặp mặt, những buổi trò chuyện trong giờ ăn trưa hoặc uống cafe nhanh vào giờ nghỉ cũng không còn. Thông thường, những chủ đề trao đổi trong môi trường làm việc chung sẽ phát sinh một cách tự nhiên thì nay những cuộc thảo luận trong lúc làm việc trực tuyến đòi hỏi cần có chủ ý và nội dung cụ thể. Trong khi các cuộc họp trực tiếp tạo cơ hội trò chuyện, các nhân viên tham dự các buổi họp trực tuyến có xu hướng rời khỏi cuộc họp ngay lập tức vào cuối buổi và quay trở lại công việc của họ. Nghiên cứu cho thấy ngay cả trước khi đại dịch, những người làm việc từ xa cảm thấy bị bỏ rơi và ít gắn bó hơn với công việc của họ.

Thực tế cho thấy nhiều nhân viên cảm thấy rất khó để diễn đạt các cử chỉ và nét mặt qua màn hình vi tính. Thêm vào đó, việc thiếu đi những cái gật đầu chấp thuận của ban lãnh đạo càng làm họ cảm thấy tiêu cực và hoang mang dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc tại nhà. Tất cả những trải nghiệm này sẽ tác động đến cảm xúc và hành vi của nhân viên. Vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo cần giúp cho nhân viên vượt qua được cảm xúc này bằng một phương pháp mang tên “lắng nghe chủ tâm”.

Thông thường, chúng ta biết rằng lắng nghe là việc rất quan trọng trong giao tiếp. Việc lắng nghe sẽ giúp cho ta hiểu rõ vấn đề và thông tin mà người đối diện muốn truyền đạt.  Những người “lắng nghe chủ tâm” sẽ có được những hiểu biết sâu sắc về cách mọi người suy nghĩ, cách giải quyết các vấn đề của mọi người và thậm chí nhu cầu phát triển của họ đến từ đâu. Vậy làm cách nào để một người lãnh đạo có thể “lắng nghe chủ tâm” đối với nhân viên của mình?

Dưới đây là ba cách thực hành phương pháp “lắng nghe chủ tâm”:

1. Lắng nghe để kết nối mọi người với nhau

Chúng ta giao tiếp để chia sẻ những câu chuyện thực tế xung quanh và điều này là cơ sở để hình thành nên suy nghĩ của chính chúng ta. Lắng nghe giúp ta cảm nhận được những trải nghiệm và quan điểm nhận thức khác nhau của từng cá nhân. Có một thực tế là các nhân viên thường rất hiếm khi chia sẻ về những khó khăn của họ trong công việc hoặc những xung đột với đồng nghiệp nếu mối quan hệ không đủ thân thiết. Nếu các nhà quản lý có thể tham gia vào cuộc trò chuyện với mục đích lắng nghe để thừa nhận sự khác biệt, giảm sự chống đối, thu hẹp khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên thì nhân viên có thể mở rộng tư duy và thể hiện cá tính của bản thân nhiều hơn. Dưới đây là một vài gợi ý câu hỏi để giúp cho nhân viên được nói lên những suy nghĩ cá nhân:

  • Mọi thứ xung quanh bạn ổn chứ?
  • Bạn nghĩ về điều đó thế nào?
  • Làm thế nào để tất cả chúng ta có thể thực hiện và vượt qua những rào cản của vấn đề này?

Những câu hỏi này sẽ phá vỡ rào cản vô hình giữa lãnh đạo và nhân viên. Điều này sẽ củng cố thêm một nền văn hóa hòa nhập. Không ai cảm thấy bị bỏ rơi và mọi người sẽ cảm thấy mình là một phần của nhóm. Lúc này, việc nâng cao chất lượng phản hồi và ý kiến của nhân viên sẽ giúp họ được lắng nghe nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo. Việc lắng nghe có chủ tâm còn giúp cho các ý tưởng nảy sinh và thực hiện, giúp cải thiện điều kiện làm việc và hiệu suất cho toàn bộ tổ chức.

2. Lắng nghe để xác nhận

Khi chúng ta chia sẻ những suy nghĩ bên trong chúng ta, đó là lúc sợi dây kết nối được hình thành. Sợi dây ấy sẽ được thắt chặt hơn nếu như cả hai có cùng quan điểm và cách giải thích về các sự kiện.

Nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu người Mỹ E. Tory Higgins đã đưa ra ý tưởng rằng “chia sẻ là tin tưởng” - mọi người không chỉ điều chỉnh những gì họ nói để phù hợp với thái độ của đối tác giao tiếp mà sau đó họ còn ghi nhớ những quan sát mà họ chia sẻ.

Để lắng nghe tốt, người quản lý có thể sử dụng những dụng cụ hỗ trợ như bút, giấy note để ghi chú. Một ví dụ như Larry Bossidy, cựu Giám đốc điều hành của Honeywell, đã sử dụng kỹ thuật chia một tờ giấy và viết nguệch ngoạc về những gì anh ấy nghe được ở một bên và suy nghĩ của anh ấy về vấn đề này ở bên kia. Việc lắng nghe thấu đáo thể hiện trong việc người nghe cần phải chủ động quan sát và điều chỉnh giọng điệu mô tả để phù hợp với thái độ của người đối thoại với họ. Những cái gật đầu hay những câu nói “Tôi cũng đồng ý với bạn” hoặc “Tôi có cùng quan điểm với bạn” sẽ giúp khẳng định được niềm tin và giúp cho đôi bên cảm thấy gần gũi nhau hơn.

3. Lắng nghe thử thách

Khi chúng ta gặp những điều đau buồn hoặc có cảm giác thất vọng về bản thân, những suy nghĩ tiêu cực sẽ hiện lên trong trí óc một cách tự nhiên. Những lúc như vậy, việc chỉ lắng nghe hời hợt qua loa sẽ chỉ làm kéo dài tình trạng chán nản và bực bội. Nếu người nghe có thể thấu hiểu và làm sáng tỏ những vấn đề mà người đối diện đang gặp, người đang nói sẽ nghiền ngẫm lại cảm xúc tiêu cực bên trong và sau đó họ sẽ có những hành động phản hồi đi theo chiều hướng lạc quan hơn. Công thức của việc lắng nghe mang tính xây dựng chính là sự tập trung quan sát cùng với sự khơi dậy niềm tin của người đối diện.

Những câu tư vấn nhẹ nhàng mang tính xác thực về cảm xúc hoặc những câu đánh giá về vấn đề được xem là phương thức hiệu quả nhất để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực. Cách tiếp cận như vậy có thể thúc đẩy mọi người nhìn lại phản ứng ban đầu của họ đối với vấn đề cũng như định vị lại bản thân về mặt nhận thức và cảm xúc.

Nguồn: Internet

Trong công sở hiện nay, việc lắng nghe một cách chủ tâm vẫn còn bị đánh giá thấp và còn được ví như một sự chấp nhận thụ động. Đây thực sự là một cách hiểu sai lầm. Lắng nghe thực chất không hề thụ động. Nó tạo ra một cuộc sống mang tính chất sẻ chia - một điều rất quan trọng đối với sự thấu hiểu, sự hợp tác và hành động. Lắng nghe chủ tâm giúp hiểu thêm về những đặc điểm khác của nhân viên mà họ có thể không thể hiện ra bên ngoài. Việc lắng nghe để khiến mọi người có thể cùng chia sẻ về những khó khăn xung quanh công việc và đời sống cá nhân yêu cầu cần phải có kỹ năng và tâm huyết của người nghe đối với người nói. Điều này không phải là một hành động ngẫu nhiên mà nó phải thực sự xuất phát từ chính sâu bên trong trái tim mỗi con người. Do đó, bằng sự kết hợp của việc lắng nghe để kết nối, lắng nghe khẳng định và lắng nghe thử thách, người biết lắng nghe sẽ xây dựng một bầu không khí cởi mở và quen thuộc cho đôi bên. Từ đó giúp định hình một không gian sống chia sẻ cảm thông trong công việc, cũng như đời sống cá nhân cho dù ở cơ quan hay ở nhà.

Lược dịch: Tiên An

Nguồn tham khảo: How 'deliberate listening' builds bonds between managers and workers (theconversation.com)

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2