Lợi ích và sự cần thiết của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho dữ liệu
Ngày nay, dữ liệu được sinh ra và lưu trữ ngày một tăng. Việc sử dụng và phân tích dữ liệu cũng dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhóm phát triển dữ liệu của The World Bank nhận thấy rằng nhiều quốc gia không áp dụng cùng tiêu chuẩn hay phương pháp luận cho dữ liệu kinh tế, dẫn đến các đánh giá, dự đoán thiếu chính xác, đồng bộ giữa các nước với nhau. Nhóm này cũng đưa ra các dẫn chứng thống kê cho thấy lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về dữ liệu.
Hiệu chỉnh chỉ số GDP theo tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế
Vào ngày 05/10/2010, trang REUTERS đăng tin Ghana (thuộc Tây Phi) lọt vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình GDP tăng lên 63% chỉ sau một đêm. Đây là kết quả của việc thay đổi tiêu chuẩn dữ liệu cho hệ thống tài khoản quốc gia (SNA, Systems of National Accounts) của họ.
Tờ FINANCIAL ngày 07/4/2014 cho hay, nhờ vào việc thay đổi năm gốc (Base Year) từ năm 1990 lên đến năm 2010 cho tính toán GDP, mức tăng trưởng GDP của Nigeria nhảy vọt gần gấp đôi. Qua đó, Nigeria được xem là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Châu Phi.
Qua những bài báo trên, Lucas Kitzmueller, nhà tư vấn của Nhóm phát triển dữ liệu tại The World Bank, nhận định: “Tiêu chuẩn và phương pháp luận quốc tế đóng vai trò quan trọng. Nó cung cấp nền tảng cho các chỉ số thống kê cốt lõi, như tỉ lệ tăng trưởng, tình trạng việc làm và phân loại các ngành công nghiệp (industry classifications) và đảm bảo khả năng so sánh giữa các quốc gia theo chỉ số đó”.
Gần đây, SPI (Statistical Performance Indicators), một hệ thống đo lường, tính điểm và theo dõi tiến trình thực hiện thống kê của một quốc gia, được The World Bank công bố thay thế cho hệ thống SCI (the World Bank’s Statistical Capacity Index) đã có từ năm 2004. SPI tính điểm qua 5 tiêu chí trụ cột: (1) Sử dụng dữ liệu; (2) Dịch vụ dữ liệu; (3) Sản phẩm dữ liệu; (4) Nguồn dữ liệu; (5) Cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Hình 1. Bảng các mục điểm thành phần trong các tiêu chí lớn của SPI (Nguồn: World Bank Group)
Hình 2. Bảng điểm SPI của Việt Nam tại các mục được quan tâm (Nguồn: World Bank Group)
Nhóm Luscas Kitzmueller tập trung phân tích, sử dụng điểm và các loại dữ liệu có trong mục "Chuẩn và phương pháp luận" (mục 5.2) của SPI để chỉ ra tình trạng không thống nhất trong việc áp dụng chuẩn dữ liệu quốc tế và đặc biệt là các nước nghèo. Phần lớn dữ liệu của mục này đến từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF, International Monetary Fund).
Thực trạng không thống nhất trong áp dụng chuẩn dữ liệu quốc tế
Ảnh bên dưới là các thành phần trong mục "Chuẩn và phương pháp luận" được nhóm của Lucas Kitzmueller thống kê từ dữ liệu của hệ thống SPI.
Hình 3. Kết quả khảo sát các quốc gia về các chuẩn dữ liệu được sử dụng
Chú thích: Màu xanh đậm biểu hiện quốc gia tuân thủ các tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế gần đây trong thành phần được thống kê. Màu xanh vừa là các quốc gia sử dụng tiêu chuẩn đã lỗi thời. Màu xanh nhạt là các quốc gia hoàn toàn không tuân thủ tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế.
Từ bảng thống kê, có thể thấy rằng: với nội dung Hệ thống tài khoản quốc gia có một nửa quốc gia áp dụng tiêu chuẩn mới nhất, hơn 1/3 số quốc gia dùng tiêu chuẩn cũ với năm gốc cũ hơn 10 năm; với nội dung Năm gốc của chỉ số giá tiêu dùng có 41% số quốc gia tuân thủ chuẩn dữ liệu, 45% số quốc gia hoàn toàn không tuân thủ; hay với nội dung Phân loại tình trạng việc làm có 65% số quốc gia không tuân thủ dữ liệu tương ứng.
Áp dụng tiêu chuẩn lỗi thời có thể dẫn đến những nhận định không chính xác các lĩnh vực kinh tế, đánh giá thấp quy mô của một nền kinh tế và không gian tài khóa (fiscal space), như trường hợp 2 quốc gia Ghana và Nigeria.
Tập trung quan sát điểm áp dụng chuẩn dữ liệu (mục 5.2) của các quốc gia không tuân thủ tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế, Lucas Kitzmueller thấy rằng các nước nghèo áp dụng ít tiêu chuẩn dữ liệu hơn các nước khác.
Tình trạng áp dụng ít tiêu chuẩn ở các nước nghèo
Hình 4. Điểm áp dụng tiêu chuẩn và phương pháp luận quốc tế theo từng năm của các mức thu nhập ở các quốc gia
Lucas Kitzmueller nhận thấy việc thiếu các tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt nghiêm trọng ở các nước nghèo. Trong khi khoảng 60% các quốc gia có mức thu nhập cao tuân thủ một nửa các tiêu chuẩn mới nhất, thì chỉ có 28% các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp và 7% các quốc gia có mức thu nhập thấp tuân thủ một nửa các tiêu chuẩn này.
Báo cáo “World Development Report 2021: Data for Better Lives” của The World Bank minh họa nhiều cách mà dữ liệu giúp thúc đẩy phát triển, từ trách nhiệm giải trình cao hơn đến hoạch định chính sách tốt hơn. Cải thiện tình hình kinh tế bằng cách đầu tư vào việc chuẩn hóa dữ liệu cũng đã được áp dụng ở các quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, đầu tư vào các tiêu chuẩn dữ liệu cũng tốn kém, đặc biệt trong tình trạng hạn chế về năng lực và thiếu kinh phí như các nước nghèo.
Chênh lệch lãi suất trái phiếu Chính phủ tương quan nghịch với việc áp dụng chuẩn dữ liệu quốc tế
Chênh lệch lãi suất trái phiếu Chính phủ là khoảng lãi suất thêm vào mà các nhà đầu tư nhận được từ khi đầu tư cho thị trường ngoài nước Mỹ. Lãi suất này thường được tính bằng đồng đô la vì Mỹ có thị trường ổn định. Nếu tăng độ tin cậy của dữ liệu, đặc biệt đối với dữ liệu của nền tảng kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chấp nhận việc thu mua trái phiếu với lãi suất thấp hơn kì vọng. Đây là kết quả nghiên cứu trước đó của nhóm Megumi Kubota và Albert Zeufack tại The World Bank. Kết quả này cũng là một tin tốt cho các nhà kêu gọi vốn cho tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế vì áp dụng tiêu chuẩn dữ liệu và phương pháp luận quốc tế cũng làm tăng độ tin cậy của dữ liệu. Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu của Lucas Kitzmueller chứng minh rằng: “Điểm áp dụng tiêu chuẩn dữ liệu và phương pháp luận quốc tế (SPI mục 5.2) sẽ tương quan nghịch với chênh lệch lãi suất trái phiếu do Chính phủ phát hành so với Mỹ trong kì hạn thấp hơn 10 năm”.
Hình 5. Tương quan giữa điểm áp dụng tiêu chuẩn dữ liệu và chênh lệch lãi suất trái phiếu Chính phủ so với Mỹ trong kì hạn 10 năm
Chú thích: Ở trục tung, dữ liệu chênh lệch lãi suất trái phiếu (Spread data) lấy từ Bloomberg – tập đoàn cung cấp tin tức, thông tin tài chính toàn cầu, gồm dữ liệu giá, thời gian hay dữ liệu tài chính, giao dịch, phân tích. Trục hoành là điểm áp dụng tiêu chuẩn và phương pháp luận quốc tế (mục 5.2).
Bên cạnh đó, mối tương quan nghịch với chênh lệch lãi suất trái phiếu cũng xảy ra khi khảo sát trên các yếu tố quyết định khác. Điều này được minh chứng trong nghiên cứu trước đó của nhóm Megumi Kubota và Albert Zeufack, họ khảo sát cho nhiều yếu tố “kìm hãm” của vốn quốc tế như: GDP đầu người, GDP tăng trưởng, nợ nước ngoài và lạm phát. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát các nhân tố “thúc đẩy” toàn cầu như: lãi suất liên bang Hoa Kỳ hay chỉ số VIX (kết quả của sự biến động kỳ vọng của thị trường chứng khoán) bao gồm các tác động cố định trong năm.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng dựa trên các nền tảng kinh tế vĩ mô và những thay đổi trong môi trường thị trường toàn cầu, việc tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để từ nhóm phân vị thứ 25 lên đến nhóm phân vị thứ 75 (phân vị thứ 25 nghĩa là xếp hạng cao hơn 25% quốc gia và phân vị 75% là xếp hạng cao hơn 75% quốc gia) của điểm áp dụng tiêu chuẩn và phương pháp luận quốc tế (mục 5.2) có tương quan với việc giảm chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ 169 điểm cơ bản. Điều này có thể tương đương với việc giảm lãi suất thế chấp của quốc gia từ 4% xuống 2,31%. Sự liên kết này mang ý nghĩa thống kê và chưa xác định được nguyên nhân tác động, tuy vậy nó phù hợp với thực tế rằng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đem lại sự tiết kiệm lớn về tài chính.
Dữ liệu hệ thống tài khoản quốc gia, năm cơ sở và phân loại ngành thường không khiến mọi người quan tâm, nhưng qua các thảo luận nêu trên, có thể phần nào thấy được các dữ liệu này cần được chú ý cập nhật hơn khi sản xuất. Những tiêu chuẩn như vậy không chỉ có vai trò quan trọng trong việc đánh giá chính xác về tình trạng nền kinh tế, tài chính của quốc gia mà hơn thế nữa, việc đầu tư vào tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế có thể làm giảm chi phí vay bên ngoài và thông qua đó gián tiếp tiết kiệm một phần chi phí đầu tư cho chính nó.
Lược dịch: Đặng Nhì
Tham khảo: Lucas Kitzmueller, Brian Stacy, Daniel Gerszon Mahler & Umar Serajuddin, The World Bank 01/09/2021. Not all data are created equal: Why the adoption of international data standards pays off.
https://blogs.worldbank.org/opendata/not-all-data-are-created-equal-why-adoption-international-data-standards-pays?cid=ECR_E_NewsletterWeekly_EN_EXT&deliveryName=DM114235.