Khi nào đại dịch COVID-19 kết thúc?
Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương mại, dịch vụ cũng như tâm lý của người dân trên toàn thế giới. Bao giờ đại dịch COVID-19 kết thúc là câu hỏi mà tất cả chúng ta muốn biết câu trả lời hơn cả.
Nguồn: Internet
Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và những quốc gia ở Tây Âu, đã thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 và dần chuyển đổi sang trạng thái bình thường từ quý hai năm nay, nhờ việc triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng. Hầu hết các quốc gia Tây Âu và Canada đã có sự khởi đầu chậm hơn trong quý đầu tiên của năm 2021 và vượt qua Mỹ về tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, biến thể Delta lây lan nhanh trong thời gian ngắn khiến số ca nhiễm, nhập viện và tử vong tăng cao, chẳng hạn như số ca bệnh gia tăng vào mùa hè tại Anh khiến các nhà chức trách trì hoãn việc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch và gần đây là ở Mỹ và các quốc gia khác.
Biến thể Delta được cho là nguyên nhân đẩy khả năng miễn dịch cộng đồng ra khỏi tầm với ở hầu hết các quốc gia vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Anh cho thấy rằng khi một quốc gia đã vượt qua được làn sóng ca nhiễm tăng cao do biến thể Delta, thì quốc gia đó có thể tiếp tục quá trình chuyển đổi theo hướng bình thường. Một tiêu chí dịch tễ học thực tế hơn được đưa ra là có thể xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu như bệnh cúm mùa. Bởi vì khả năng miễn dịch cộng đồng hiện nay là không thể đạt được do nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới trong tương lai.
Mặc dù các loại vắc xin được sử dụng ở các nước phương Tây đã được chứng minh là có khả năng ngừa COVID-19, nhưng dữ liệu gần đây từ Israel, Anh và Mỹ đặt ra mức độ hiệu quả của những loại vắc xin này trong việc ngăn chặn sự lây truyền của biến thể Delta. Các xét nghiệm máu hàng loạt cho thấy rằng khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian sau khi tiêm đủ 2 liều vắc xin. Điều này dẫn đến việc một số quốc gia thu nhập cao bắt đầu chiến dịch tiêm liều tăng cường cho nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc lên kế hoạch triển khai tiêm mũi thứ ba một cách hiệu quả. Những diễn biến và các dữ liệu chứng minh này đã đặt ra những câu hỏi mới về thời điểm khi nào đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt.
Chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới khi không thể miễn dịch cộng đồng
Quá trình chuyển đổi sẽ dần bình thường hóa các khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế, cùng với một số biện pháp hạn chế vẫn còn hiệu lực khi mọi người dần dần tiếp tục các hoạt động trước đại dịch. Theo phân tích, các nước Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng cho đến thời điểm này trong trường hợp nếu họ chỉ đối mặt với vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên và tỷ lệ cao những người đủ điều kiện tiêm vắc xin. Nhưng khi biến thể Delta càng làm lây lan trong cộng đồng thì càng nhiều người phải được tiêm vắc xin trước khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng (Hình 1).
Hình 1. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn để đạt miễn dịch cộng đồng nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Sự chần chừ về việc tiêm chủng vắc xin là khó khăn không nhỏ để tạo miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, việc khuyến khích và yêu cầu tiêm vắc xin dường như đang tăng lên tại nhiều quốc gia ở châu Âu bằng việc áp dụng thẻ vắc xin và nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ đang thực hiện quy định bắt buộc tiêm vắc xin.
Mặc dù hiện nay dường như các nước lớn không có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng hoàn toàn, nhưng sự phát triển ở Anh trong vài tháng qua đã tạo ra niềm tin cho các nước phương Tây triển khai kế hoạch chuyển sang trạng thái bình thường mới. Nước Anh đã phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra trong tháng 6 và vài tuần đầu tháng 7 và đã trì hoãn kế hoạch mở cửa, tuy nhiên các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ vào ngày 19/7/2021. Số ca nhiễm của Anh có thể tăng nhanh và các biện pháp y tế công cộng có thể được khôi phục, quá trình chuyển đổi mới của quốc gia này sang trạng thái bình thường có thể vẫn sẽ tiếp tục trừ khi xuất hiện các biến thể mới.
Mỹ, Canada và phần lớn Liên minh Châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng ca nhiễm tăng do biến thể Delta gây ra, buộc phải siết chặt lại các biện pháp hạn chế, tìm cách ứng phó phù hợp ngăn chặn sự lây lan. Nhưng theo kinh nghiệm và ước tính của Anh cho thấy rằng nhiều quốc gia trong số này sẽ đạt đỉnh dịch vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm 2021. Khi các ca nhiễm giảm, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu có thể bắt đầu lại quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường sớm nhất là vào quý 4 năm 2021, với điều kiện là vắc xin được sử dụng ở các quốc gia này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19.
Xem COVID-19 là bệnh đặc hữu là chiến lược thực tế hơn khả năng miễn dịch cộng đồng
Trước đây, việc phủ vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng là mục tiêu của nhiều quốc gia nhằm kiểm soát dịch COVID-19, tuy nhiên sự lây lan biến thể Delta đã ảnh hưởng đến tiêu chí này trong thời gian ngắn. Các quốc gia đang nhận định rằng COVID-19 có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu như bệnh cúm hoặc các bệnh khác để không còn là gánh nặng bệnh tật đe dọa toàn thế giới. Một bước tiến tới mục tiêu này là chuyển trọng tâm chiến lược như thay vì theo dõi số ca dương tính mỗi ngày thì sẽ tập trung vào các ca chuyển nặng và tử vong. Chính phủ Singapore đã áp dụng chiến lược thay đổi này và nhiều quốc gia có thể coi đó là hình mẫu áp dụng để tiến tới bình thường mới.
Một số chuyên gia đã so sánh gánh nặng của COVID-19 với gánh nặng của các bệnh khác, chẳng hạn như cúm để hiểu khi nào các bệnh đặc hữu có thể xảy ra. Tại Mỹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 trong tháng 6 và tháng 7 gần bằng tỷ lệ trung bình trong mười năm đối với bệnh cúm mùa. Hiện nay, các ca nhiễm do COVID-19 ở những người được tiêm chủng ở Mỹ tương đương hoặc thấp hơn các ca bệnh cúm mùa trung bình trong thập kỷ qua, trong khi số ca nhiễm COVID-19 ở những người không được tiêm chủng cao hơn đáng kể (Hình 2).
Hình 2: Tại Mỹ, tỷ lệ các ca mắc COVID-19 tương đương với tỷ lệ các ca mắc bệnh cúm mùa trong tháng 6 và tháng 7, nhưng tăng cao tại thời điểm hiện tại.
Các quốc gia đang trải qua làn sóng ca nhiễm do Delta gây ra có thể bắt đầu kế hoạch xem COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu sau khi qua đỉnh dịch. Ngày càng có nhiều quốc gia nghiên cứu và áp dụng chiến lược này với mong muốn đạt mức độ bảo vệ cao, giảm số ca nhập viện và tử vong bằng nỗ lực tiêm chủng và khả năng miễn dịch tự nhiên do nhiễm bệnh trước đó. Ngoài ra, họ cũng thúc đẩy việc tăng khả năng miễn dịch bằng cách thực hiện mũi tiêm tăng cường, phê duyệt đầy đủ vắc xin (thay vì cho phép sử dụng khẩn cấp), cho phép tiêm vắc xin cho trẻ em, tiếp tục duy trì quy định tiêm vắc xin bắt buộc của các doanh nghiệp và chính phủ và khuyến khích tiêm chủng.
Các quốc gia có nhiều triển vọng khác nhau để có thể kết thúc đại dịch
Các chuyên gia gợi ý rằng các quốc gia thuộc ba nhóm chung sau đây:
1. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao: Những quốc gia này, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Tây Âu, là những quốc gia đã được thảo luận ở trên.
2. Các quốc gia kiểm soát được dịch bệnh: Nhóm này bao gồm các quốc gia như Singapore đã thành công nhất trong việc hạn chế tử vong do COVID-19 cho đến nay. Họ duy trì các hạn chế biên giới chặt chẽ và các biện pháp nghiêm khắc đối với các trường hợp nhập cảnh. Hầu hết người dân Singapore đã được trở về trạng thái bình thường trong thời gian dài mà không có các hạn chế về sức khỏe cộng đồng, ngoại trừ các giới hạn về du lịch quốc tế. Việc mở lại biên giới có thể không bắt đầu cho đến năm 2022 vì phụ thuộc vào kết quả sức khỏe cộng đồng của các quốc gia trong các nhóm khác cũng như tốc độ phủ vắc xin khác nhau của các quốc gia. Việc chuyển mục tiêu từ hoàn toàn không có ca nhiễm COVID-19 sang xem COVID-19 là bệnh đặc hữu có thể là thách thức đối với một số quốc gia.
3. Các quốc gia chịu rủi ro: Nhóm này chủ yếu bao gồm hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, có phần lớn dân số chưa được tiếp cận với đủ liều vắc xin. Các dự báo nhận định phải đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 các quốc gia này mới có khả năng đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhưng chưa xác định được khoảng thời gian để họ có thể kiểm soát COVID-19 như một bệnh đặc hữu.
Nguồn: Internet
Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường do đó triển vọng bình thường hóa của mỗi nhóm quốc gia là không chắc chắn vì kết quả thực tế có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
+ Sự xuất hiện những biến thể mới (ví dụ, một biến thể có khả năng kháng vắc xin gây ra các ca nhiễm nặng ở người được tiêm chủng và lây truyền rộng rãi cho những người khác sẽ có tác động đáng kể đến hi vọng trong việc kết thúc đại dịch của bất kỳ quốc gia nào).
+ Nhiều nghiên cứu và dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên và hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian dẫn đến những thách thức về việc tiêm thêm mũi tăng cường một cách nhanh chóng nhằm tạo kháng thể mạnh để chống lại các biến thể mới của vi rút.
+ Những thách thức về việc sản xuất vắc xin hoặc triển khai toàn cầu.
+ Những thay đổi trong cách các quốc gia xác định chấp nhận gánh nặng bệnh tật như thế nào (ví dụ, đặt ra các mục tiêu khác nhau về gánh nặng bệnh tật ở các nhóm dân số đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng).
Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh do sự lây lan của biến thể Delta và sự chần chừ tiêm chủng vắc xin đã dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng, hy vọng tan vỡ cho quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường ở một số quốc gia. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì triển vọng chấm dứt đại dịch chủ yếu phụ thuộc vào các liều vắc xin sẵn có và viện trợ. Việc đẩy nhanh độ phủ vắc xin toàn cầu vẫn là điều nhất thiết và có thể sẽ giống như bệnh cúm nên cần phải tiêm nhắc lại thường xuyên để duy trì kháng thể đối phó khi có biến thể mới nhằm đạt được trạng thái bình thường sau đại dịch trên toàn thế giới.
Lược dịch: Tiên An
Tham khảo: Sarun Charumilind, Matt Craven, Jessica Lamb, Adam Sabow, Shubham Singhal, and Matt Wilson, 23 August 2021, When will the COVID-19 pandemic end?. https://www.mckinsey.com/industries/healthcare-systems-and-services/our-insights/when-will-the-covid-19-pandemic-end