Bản tin tháng TV2
Bức tranh năng lượng ASEAN và dự báo năm 2024
23/04/2024 14:56
- 545 lần đọc
Việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch hơn đang tạo ra nhu cầu ngày càng tăng cho các nguyên vật liệu chiến lược, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có lượng phát thải các bon thấp. Điều này không chỉ đặt ra thách thức mà còn mang lại cơ hội cho khu vực ASEAN. Trong năm 2024, ASEAN không chỉ tập trung vào vai trò của mình trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên vật liệu chiến lược một cách bền vững, mà còn xác định các biện pháp và chính sách cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng và tiếp cận năng lượng trong khu vực.

(Nguồn:[2])

Vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu chiến lược cho ngành năng lượng

Khái niệm về nguyên vật liệu chiến lược là những thành phần không thể thay thế và đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Các nguyên vật liệu chiến lược được sử dụng trong công nghệ sản xuất năng lượng sạch bao gồm coban, đồng, graphit, lithium, niken, thiếc, thép, mangan, crom, và kim loại hiếm… Đây là những nguyên vật liệu cần thiết cho việc sản xuất các công nghệ như tế bào nhiên liệu, pin lưu trữ, điện mặt trời, điện gió, xe điện, nhiên liệu hydro và thủy điện.

Trong năm 2020, ASEAN đã sản xuất hơn 47% niken và 35% thiếc so với khối lượng sản xuất toàn cầu. Trong đó, Indonesia và Philippines chiếm lần lượt khoảng 33% và 13% tỷ trọng sản xuất nguyên vật liệu chiến lược của khu vực ASEAN. Khoảng 70% tổng khối lượng sản xuất nguyên vật liệu chiến lược trong ngành năng lượng của ASEAN được sử dụng cho nhu cầu nội địa, trong đó tỷ trọng tiêu thụ nguyên vật liệu chiến lược của Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã chiếm khoảng 49% so với toàn khu vực. Khoảng 30% nguyên vật liệu chiến lược sản xuất từ khu vực ASEAN được xuất khẩu sang các nước ngoài khối. Trung Quốc là thị trường lớn nhất với nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu năng lượng sản xuất từ ASEAN chiếm khoảng 12%. Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc có nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu năng lượng sản xuất từ ASEAN lần lượt ở mức khoảng 8%, 5% và 4%.[1]

Trong năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và sự biến động về giá năng lượng đã là hai nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu nguyên vật liệu chiến lược cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhu cầu về nguyên vật liệu cho ngành năng lượng trên toàn thế giới trong năm 2022 đã tăng mạnh so với năm 2017 (khoảng 320 tỷ USD), do tốc độ sản xuất các loại xe điện (EV), pin năng lượng mặt trời (PV) và các công nghệ khác trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang ngày càng tăng. Dự kiến nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu chiến lược trên toàn cầu theo kịch bản phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 sẽ tăng khoảng 3,5 lần vào năm 2030 so với năm 2021.

Việc gia tăng tốc độ sản xuất niken, kim loại hiếm và các nguyên vật liệu khác trong khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tiềm năng thúc đẩy tốc độ sản xuất toàn cầu và đóng góp một tỷ trọng đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu chiến lược trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dự báo cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu chiến lược toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2030 khi nhu cầu sử dụng của thế giới tăng lên gấp 1,5 lần, bởi vì tốc độ cung ứng toàn cầu chậm hơn so với tốc độ tiêu thụ nguyên vật liệu chiến lược. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc quản lý nguồn cung và cần có các biện pháp hiệu quả để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu toàn cầu trong tương lai.

Ngành năng lượng ASEAN trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN đã và đang tăng cường các nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị ASEAN lần thứ 43 được tổ chức ở Jakarta vào các ngày 5-7/09/2023, các nước thành viên khối ASEAN đã nhắc lại tuyên bố chung của khu vực trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28). Tuyên bố đã nhấn mạnh cam kết đảm bảo đáp ứng các mục tiêu được đề ra trong kế hoạch hành động của ASEAN về hợp tác năng lượng. Cụ thể, các mục tiêu trong năm 2025 bao gồm việc đạt được 23% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp, 35% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện được lắp đặt, và giảm 32% cường độ năng lượng so với mức ở năm 2005.

Đồng thời, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đưa ra cơ chế giảm phát thải khí nhà kính mang tên Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM). Ban đầu, ETM hợp tác thí điểm với ba (03) quốc gia trong khối ASEAN bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam. ETM là một sáng kiến hợp tác và có thể mở rộng giữa các quốc gia thành viên đang phát triển nhằm nâng cao cách tiếp cận thị trường, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong khuôn khổ COP28, Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch Huy động Nguồn lực (JETP-RMP), nhấn mạnh tám (08) nhóm nhiệm vụ cho ngành năng lượng: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; (4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; (7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Bảo đảm công bằng.[3]

Những nỗ lực này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của ASEAN đối với việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải các bon, đồng thời góp phần tích cực vào nỗ lực toàn cầu về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra một tương lai bền vững.

Định hướng mục tiêu năng lượng khu vực ASEAN

Việc theo dõi chặt chẽ thay đổi của các chỉ tiêu năng lượng là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp khu vực ASEAN đề ra lộ trình phát triển năng lượng bền vững mà còn cho phép điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt để đáp ứng tình hình thực tế. Toàn cảnh năng lượng ASEAN và định hướng năm 2024, bao gồm cung cấp nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nguồn cung năng lượng, ngành điện, và một số chỉ tiêu khác được tóm tắt như sau:

  • Nhu cầu năng lượng: Dự kiến nhu cầu sẽ tăng 21% vào năm 2024 so với mức năm 2021 nếu không có sự can thiệp của các chính sách năng lượng. Với trường hợp áp dụng các nỗ lực mạnh mẽ hơn trong khu vực theo Kịch bản mục tiêu APAEC (APS), mức tiết kiệm năng lượng có thể đạt 11,3% vào năm 2024, so với Kịch bản cơ sở (BAS).
  • Nguồn cung năng lượng: Trong năm 2021, cơ cấu năng lượng sơ cấp chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch, tỷ trọng năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 15,4% trong nguồn cung năng lượng của ASEAN. Dự kiến trong năm 2024, nguồn cung năng lượng trong khu vực sẽ tăng khoảng 19% so với năm 2021 do nhu cầu năng lượng tăng.
  • Ngành điện: Trong năm 2022, công suất nguồn điện của khu vực ASEAN chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, với tỷ trọng từ điện than và khí đốt tự nhiên vào khoảng 67% tổng công suất. Đến năm 2024, công suất nguồn điện dự kiến sẽ tăng khoảng 18% - 19% trong BAS, kịch bản mục tiêu (ATS) và APS. Đến năm 2025, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ lớn hơn 8,2% trong APS nếu các quốc gia thành viên ASEAN đẩy nhanh việc khai thác công suất năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng của mỗi quốc gia. Thủy điện và năng lượng mặt trời vẫn chiếm ưu thế trong tỷ trọng năng lượng tái tạo, với tỷ trọng lần lượt khoảng 22,3% và 10,7%.
  • Mục tiêu năng lượng
  • Năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp

Sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 41, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp (TPES) của năm 2021 được cập nhật đạt 15,4%, tăng 7,1% so với năm 2020. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm tỷ lệ lớn nhất trong mức tăng này, lần lượt đạt 50% và 29%, trong đó Việt Nam là nước đóng góp tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn nhất trong khu vực. Với mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 23% trong TPES vào năm 2025, nên năm 2024 sẽ là thước đo quan trọng hướng tới tiến độ của mục tiêu này.

Ghi chú: BAS/ Baseline = Kịch bản cơ sở; ATS = Kịch bản mục tiêu các quốc gia thành viên ASEAN; APS = Kịch bản mục tiêu theo Kế hoạch hành động của ASEAN trong hợp tác năng lượng APAEC; LCO = Kịch bản tối ưu chi phí thấp nhất.

Hình 1. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của ASEAN giai đoạn 2005-2050 theo các kịch bản tính toán (Nguồn:[2])

  • Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất đặt

Năm 2022, tổng công suất năng lượng tái tạo tăng khoảng 3,8% so với năm 2021 và tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt khoảng 33,3% công suất đặt, trong đó, năng lượng gió và năng lượng sinh khối đóng góp mức tăng lớn nhất với tỷ trọng lần lượt 15% và 9%. Theo định hướng, ASEAN đang đề ra mục tiêu vào năm 2025 đạt tỷ trọng năng lượng tái tạo lần lượt theo BAS và APS là 35% và 41,5%.

Ghi chú: BAS/ Baseline = Kịch bản cơ sở; ATS = Kịch bản mục tiêu các quốc gia thành viên ASEAN; APS = Kịch bản mục tiêu theo Kế hoạch hành động của ASEAN trong hợp tác năng lượng APAEC; LCO = Kịch bản tối ưu chi phí thấp nhất.

Hình 2. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất đặt của ASEAN giai đoạn 2005-2050 theo các kịch bản tính toán (Nguồn:[2])

Các ưu tiên trong chính sách năng lượng của ASEAN giai đoạn 2023-2024

Trong giai đoạn 2023-2024, ASEAN đã xác định một số ưu tiên quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Những ưu tiên này không chỉ phản ánh cam kết của ASEAN đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng, mà còn là bước đánh dấu quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và tạo ra một tương lai năng lượng xanh, sạch, an toàn và hiệu quả cho khu vực. Trong giai đoạn này, một số công việc quan trọng sẽ thực hiện bao gồm:

  • Tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ về Lưới điện ASEAN (APG);
  • Hoàn tất thỏa thuận Hiệp định An ninh Dầu khí ASEAN (APSA);
  • Ký nghị định thư sửa đổi Biên bản ghi nhớ về Đường ống dẫn khí đốt xuyên ASEAN (TAGP);
  • Tăng cường các chính sách khu vực để hỗ trợ công nghệ CCS/CCUS;
  • Xây dựng lộ trình dài hạn về năng lượng tái tạo của ASEAN;
  • Triển khai xây dựng các Tiêu chuẩn và Hướng dẫn về Hiệu suất Năng lượng cho ngành công nghiệp;
  • Công bố Triển vọng Năng lượng ASEAN làm cơ sở cho Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) năm 2045;
  • Tăng cường giám sát Dự án Kết nối lưới điện ASEAN.

Do tỷ trọng đóng góp phát thải của ngành năng lượng chiếm phần lớn, khử các bon sẽ là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển dịch năng lượng của khu vực ASEAN. Với các chiến lược trung hòa các bon được tuyên bố gần đây, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ triển khai các hành động cụ thể hơn để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của khối.

Lược dịch và tổng hợp: Hồng Ngọc

Tài liệu tham khảo:

[1] ASEAN Centre for Energy (2024). ASEAN Energy in 2024.

[2] ASEAN Centre for Energy (2022). The 7th ASEAN Energy Outlook 2020-2050.

[3] Thanh Hương (2023). Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). https://baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-cong-bo-ke-hoach-huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-tuyen-bo-chinh-tri-thiet-lap-quan-he-doi-tac-chuyen-doi-nang-luong-cong-bang-jetp-366509.html

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2