Vi chứng nhận giúp bạn “nâng tầm” bản thân ra sao?
Trước sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế số, vi chứng nhận (Micro – credentials) đang là xu hướng cho việc nâng cao kỹ năng trong công việc đối với tất cả mọi người từ trường học, doanh nghiệp, tới các tổ chức phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, các chứng nhận này được chứng minh mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho mọi người ở mọi lứa tuổi, trình độ học vấn và ngành nghề tại nhiều quốc gia và nền kinh tế khác nhau. Bài lược dịch này sẽ giải đáp vi chứng nhận là gì và tại sao chúng lại trở nên quan trọng đối với các tổ chức.
Sơ lược về vi chứng nhận
Vi chứng nhận là những minh chứng thể hiện kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoặc khả năng nhất định. Chúng có phạm vi hẹp hơn so với các bằng cấp truyền thống như bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ đào tạo dài hạn. Ngày nay, vi chứng nhận được xem là công cụ mạnh mẽ để tạo dựng và phát triển kỹ năng của mỗi nhân viên trong công việc, bao gồm kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn. Ví dụ, chứng nhận quản lý, làm việc theo nhóm, tiếp thị kỹ thuật số và phân tích dữ liệu hoặc các lĩnh vực không giới hạn và tùy thuộc vào từng nhân viên, từ dịch vụ khách hàng, kỹ năng soạn email đến xây dựng và phát triển website.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể xem vi chứng nhận như những chiếc “huy hiệu số” và chúng ta là những nhà sưu tập. Các huy hiệu số này có thể được thu thập thông qua các ứng dụng trực tuyến, các trang web hay hệ thống dữ liệu một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, chúng ta không nhất thiết chỉ có thể học tập tại một học viện, một trung tâm đào tạo mà hoàn toàn có thể hoàn thành các chứng nhận đào tạo ngay tại môi trường làm việc hay từ những hoạt động cộng đồng.
Ngoài ra, theo một nhóm nghiên cứu chính sách mang tên Brooking, một trong những dạng huy hiệu số nói trên là “chứng chỉ nano” – những chương trình học tập, đào tạo ngắn hạn liên quan trực tiếp tới một ứng dụng, kỹ năng để phục vụ cho một công việc hay nhóm công việc cụ thể trong ngành.
Nguồn: Internet
Vi chứng nhận hoạt động như thế nào?
Vi chứng nhận là những chứng nhận dạng kỹ thuật số có thể được cấp một lần hoặc là một phần của chương trình đào tạo dành cho học viên/ nhân viên. Chúng là dạng dữ liệu mang các thông tin về thành tích học tập mà một học viên đã đạt được, bao gồm: thông tin về đơn vị đào tạo, mô tả chi tiết quá trình học tập, nơi cấp chứng chỉ và người nhận. Học viên có thể sử dụng những chứng nhận này để dễ dàng chia sẻ và xác minh việc học tập của mình trên các trang mạng xã hội, hồ sơ xin việc trực tuyến hay mô tả tại CV trực tuyến.
Khái niệm hình tượng hoá “ba-lô huy hiệu số” được dùng để miêu tả về một nơi mà các học viên/nhân viên có thể dùng để thu thập, tích luỹ các vi chứng nhận. Nói cách khác, các huy hiệu số này sẽ luôn thuộc về và được kết nối với chúng ta để sử dụng mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng.
Hình ảnh “giải phẫu” một chứng nhận kỹ thuật số/vi chứng nhận. (theo Class Hack – Tumblr).
Ưu và nhược điểm của vi chứng nhận
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của vi chứng nhận là việc học viên hay nhân viên hoàn toàn có thể sử dụng các chứng nhận này để bổ trợ và nâng cấp cho những kỹ năng, những bằng cấp mà họ đã được đào tạo trước đó.
Vi chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho cả nhân viên và người sử dụng lao động cũng như các tổ chức, doanh nghiệp. Chúng linh hoạt, tiết kiệm chi phí khi thực hiện, giúp thúc đẩy và hỗ trợ nhà tuyển dụng trong việc theo dõi chính xác sự phát triển của người lao động.
Bên cạnh đó, với thời gian đào tạo ngắn và có nhiều hình thức dạy - học không bị ràng buộc về địa điểm, thời gian, không gian; học trực tuyến khiến cho giá thành của các khoá học này rẻ hơn rất nhiều so với những chương trình đào tạo truyền thống. Đồng thời, học viên hoàn toàn là người chủ động trong việc sắp xếp thời gian học một cách linh động và phù hợp với quỹ thời gian cũng như công việc khác của bản thân.
Tuy nhiên, vi chứng nhận có thể tạo ra những trở ngại mới cho việc học tập và bất bình đẳng khi không phải chứng nhận nào cũng có giá trị như nhau đối với những nền kinh tế - chính trị khác nhau. Do đó, bản thân học viên cần tìm hiểu kỹ về các chương trình đào tạo và điều kiện quan trọng là các chứng nhận đó có được chấp nhận tại quốc gia, nền kinh tế mà bạn sẽ sử dụng trước khi theo học.
Vai trò của vi chứng nhận trong tương lai của công việc
Trong báo cáo “Tương lai của nghề nghiệp năm 2020”, Diễn đàn kinh tế Thế giới chỉ ra rằng Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự hình thành những công việc của tương lai mà điển hình ta có thể nói tới những công việc thuộc ngành Tự động hoá và ứng dụng Công nghệ mới.
Cũng theo báo cáo trên, các nhà tuyển dụng dự kiến 4/10 người lao động sẽ phải được đào tạo lại các kỹ năng trong vòng 6 tháng để có thể bắt nhịp với những thay đổi của nền kinh tế nói chung giữa đại dịch. Đồng thời, 90% doanh nghiệp mong muốn rằng nhân viên của mình có thêm kỹ năng mới trong công việc, tăng 65% theo báo cáo cùng kỳ năm 2018.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 50 diễn ra vào tháng 1 năm 2020, diễn đàn đã khởi động Chương trình về tái đào tạo kỹ năng lao động – một sáng kiến nhằm cung cấp kiến thức cho khoảng một tỷ lao động để đạt được những kỹ năng, kinh nghiệm cho công việc tới năm 2030.
Diễn đàn tiếp tục thúc đẩy các liên minh hiện nay và các sáng kiến từ doanh nghiệp hàng đầu để thay đổi tư duy về hệ thống giáo dục và đào tạo đương thời.
Đồng thời, hội nghị cũng đề cập tới sáng kiến Giáo dục 4.0 - xác định và đề xuất các cải cách đối với giáo dục bậc tiểu học và trung học, và mạng lưới các quốc gia đang phát triển để thúc đẩy đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Phù hợp với xu thế đó, vi chứng nhận được coi là chìa khóa quan trọng cho tương lai của công việc, học tập và đảm bảo việc thích ứng kịp thời với tốc độ phát triển của lực lượng lao động trong tương lai.
Lược dịch: Nguyễn Huyền Trang
Tham khảo:
https://www.weforum.org/agenda/2022/04/get-ahead-with-micro-credentials/
https://www.deakinco.com/resource/what-are-micro-credentials-and-how-can-they-benefit-both-businesses-and-employees/
https://teachonline.ca/tools-trends/ten-facts-you-need-know-about-micro-credentials