Bản tin tháng TV2
Đổi mới sáng tạo công nghệ và hàm ý cho ngành Điện Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng
30/12/2022 10:59
- 570 lần đọc
Việt Nam đang trên lộ trình chuyển dịch năng lượng với rất nhiều thách thức ở các khía cạnh công nghệ, nhân lực, chính sách, nguồn vốn, và phối hợp, điều hành cho chuyển dịch năng lượng. Ở phạm vi ngành Điện Việt Nam, việc thay đổi, thích nghi và đón đầu chuyển dịch năng lượng cũng phải đối diện với những thách thức như vậy trong điều kiện tương ứng. Đổi mới sáng tạo công nghệ là một cách thức tiếp cận phù hợp và cần xem xét để thực thi, góp phần giải quyết những thách thức như vậy.

Sơ lược về Đổi mới sáng tạo

Hiểu đúng về Đổi mới sáng tạo (Innovation)

Theo Hướng dẫn Oslo 2018 [1] của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới và Văn phòng thống kê của Ủy ban Châu Âu, đổi mới sáng tạo đã được định nghĩa như sau:

“Một đổi mới sáng tạo là một sản phẩm hoặc một quy trình được làm mới hoặc được cải tiến có sự khác biệt đáng kể so với sản phẩm, quy trình trước đó của đơn vị/tổ chức, và sản phẩm, quy trình này đã được làm ra (sản phẩm) cho người dùng tiềm năng hoặc đã được mang ra áp dụng (quy trình) trong đơn vị/tổ chức”.

Theo tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO), đổi mới sáng tạo được giải thích là “thực thể mới hay một thực thể được thay đổi nhằm tạo ra giá trị hay phân bổ lại giá trị” [2]. ISO cũng chú thích thêm về đổi mới sáng tạo, có thể được hiểu như sau:

  • Tính mới và giá trị tạo ra được của đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn của tổ chức, vì thế chúng cũng phụ thuộc đặc trưng của tổ chức. Chẳng hạn, một ý tưởng có thể là không mới với tổ chức này, nhưng có thể là mới và có khả năng đem lại giá trị cho tổ chức khác.
  • Đối tượng (thực thể) của đổi mới sáng tạo trong tổ chức có thể là một sản phẩm, một quy trình, một phương pháp, một mô hình… đổi mới sáng tạo không nhất thiết chỉ gắn với lĩnh vực công nghệ, mặc dù đây là lĩnh vực có tính sáng tạo rất cao.
  • Khác với sáng tạo thuần túy hoặc các phát minh, đổi mới sáng tạo phải gắn với kết quả chứ không chỉ là một sự khởi đầu.

Tại Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ, số văn bản 29/2013/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2013 đã nêu định nghĩa về đổi mới sáng tạo như sau: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Có thể thấy các định nghĩa trên tuy có khác nhau về cách sử dụng từ ngữ, nhưng đều chỉ đến các lớp đối tượng tương tự nhau của đổi mới sáng tạo, và đều nhấn mạnh đến việc gắn liền hiệu quả, giá trị cho đổi mới sáng tạo.

Bộ tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo

Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã ban hành các bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về đổi mới sáng tạo nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ, vận dụng và quản lý đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và hiệu quả. Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có nhiều tiêu chuẩn thành phần, trong đó các tiêu chuẩn sau đây đã được ban hành: ISO 56000:2020: Quản lý đổi mới sáng tạo - Các nguyên tắc cơ bản và từ vựng; ISO 56002:2019:  Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo - Hướng dẫn; ISO 56003:2019: Các công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo - Hướng dẫn; ISO/TR 56004:2019: Đánh giá Quản lý đổi mới sáng tạo - Hướng dẫn; ISO 56005:2020:  Các công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ - Hướng dẫn.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đưa ra các hướng dẫn đổi mới sáng tạo dựa trên các yếu tố cơ bản sau đây: bối cảnh của tổ chức, vai trò của lãnh đạo, việc hoạch định mục tiêu và danh mục đổi mới, các yếu tố hỗ trợ, kiểm soát thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện, và các hành động cải tiến.

Các giai đoạn trong quá trình thực thi đổi mới sáng tạo công nghệ

Sản phẩm công nghệ, kỹ thuật được xem là một loại đối tượng đặc biệt của đổi mới sáng tạo, vì chúng có tính thay đổi tự nhiên theo các tiến bộ khoa học kỹ thuật, và thường là một trong những động lực nền tảng cho các đổi mới sáng tạo khác. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các giai đoạn của đổi mới sáng tạo đối với một công nghệ cụ thể, hay được gọi là các mức độ sẵn sàng về công nghệ, thường bao gồm các khâu sau: Khâu phát triển ý tưởng và xây dựng hình mẫu đầu tiên; Khâu giới thiệu, trình bày sản phẩm, mô hình; Khâu thích nghi sớm; Khâu trưởng thành về thương mại hóa sản phẩm [3]. Hình 1 và 2 trình bày mối liên hệ giữa 4 khâu của đổi mới sáng tạo công nghệ với 11 mức độ sẵn sàng về công nghệ và mối liên hệ phản hồi công nghệ, lan tỏa thị trường giữa các thế hệ sản phẩm công nghệ trong 4 khâu trên.

Hình 1. Các giai đoạn của đổi mới sáng tạo công nghệ [3]

Hình 2. Quá trình cải tiến các thế hệ sản phẩm công nghệ nhờ các phản hồi và hiệu ứng lan tỏa [3]

Có thể thấy rằng đổi mới sáng tạo về công nghệ là quá trình bao trùm và mở rộng của nghiên cứu phát triển (R&D), là con đường hoàn chỉnh để R&D tạo ra giá trị.

Chuyển dịch năng lượng và các thách thức với ngành Điện Việt Nam

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và khan hiếm nhiên liệu, từ nhiều năm trước, trên thế giới đã bắt đầu diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và chú trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Quá trình chuyển dịch năng lượng thế giới hiện nay có thể được phân thành ba nhóm hoạt động và ba định hướng lớn [4] như sau:

3 nhóm hoạt động của chuyển dịch năng lượng bao gồm nhóm hoạt động sạch hóa hạ tầng hiện tại, nhóm hoạt động tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng, và nhóm hoạt động mở rộng phạm vi chuyển dịch năng lượng, như được mô tả trên hình 3 cùng với một số công nghệ điển hình.

3 định hướng lớn của chuyển dịch năng lượng bao gồm trung hòa cacbon, phân tán hóa, và chuyển đổi số.

Hình 3. Ba giai đoạn của chuyển dịch năng lượng – Nguồn: Accenture Analysis

Với nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu cần đạt được trong ngành năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng. Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc đối phó với tình hình khan hiếm nhiên liệu và biến đổi khí hậu thế giới qua những tuyên bố và những cam kết tại COP26. Theo đó, Việt Nam sẽ từng bước giảm điện than, giảm 30% phát thải metan vào năm 2030 (so với 2020), đạt trung hòa các-bon vào năm 2050, đồng thời phải đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công, đáp ứng các cam kết tại COP26, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế và đồng thời cũng cần rất nhiều nỗ lực, trong đó bước đầu là việc xây dựng một lộ trình chuyển dịch năng lượng, hướng đến việc đổi mới cơ chế chính sách năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, làm sạch hạ tầng năng lượng hiện tại, huy động các nguồn lực công và tư, phát triển nhân lực và công nghệ cho việc chuyển đổi và tích hợp công nghệ mới, phát triển các chuỗi cung ứng tương ứng với các loại hình công nghệ và sản phẩm năng lượng mới.

Trong bối cảnh thực hiện cam kết quốc tế và thực thi hiệu quả quá trình chuyển dịch năng lượng Việt Nam một cách bền vững, ngành Điện đối diện với các thách thức sau đây:

  • Yêu cầu phải thay đổi cơ cấu nguồn điện và ưu tiên đầu tư các nguồn điện theo hướng sạch hơn;
  • Yêu cầu huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải đáp ứng nhu cầu điện và khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo;  
  • Yêu cầu trang bị, tích hợp các giải pháp, công nghệ mới trong vận hành, quản lý hệ thống truyền tải và phân phối, nhằm đáp ứng sự biến thiên của năng lượng tái tạo;
  • Yêu cầu về thay đổi mô hình kinh doanh điện năng phù hợp với xu hướng phân tán và chuyển đổi số trong ngành Điện;
  • Yêu cầu về thay đổi mô hình quản lý và nâng cao năng lực quản lý để phù hợp đối với các dự án, công trình điện ứng dụng công nghệ mới, cũng như mô hình lưới điện phân tán và lưới điện thông minh;
  • Yêu cầu về trình độ đội ngũ nhân lực đủ khả năng nắm bắt, phát triển và làm chủ các công nghệ mới trong việc điều độ, vận hành các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối.

Tiếp cận đổi mới sáng tạo công nghệ là giải pháp phù hợp cho ngành điện trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng Việt Nam

Việc sử dụng tiếp cận đổi mới sáng tạo công nghệ là cần thiết cho việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, thể hiện ở các khía cạnh sau:

  • Việc hiểu biết về các công nghệ và trạng thái/khâu hiện tại của công nghệ có thể giúp thiết kế lộ trình chuyển dịch năng lượng một cách phù hợp. Có nhiều công nghệ đã được phát triển trên thế giới, nhưng không phải công nghệ nào cũng sẵn sàng hoặc phù hợp để được áp dụng ngay ở Việt Nam.

Hình 4. Trạng thái của các công nghệ liên quan trong chuyển dịch năng lượng – Nguồn: IEA 2021

  • Cách tiếp cận của đổi mới sáng tạo công nghệ giúp các cơ quan chức năng và các tổ chức hình dung được các thách thức cần vượt qua ở mỗi khâu trong quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ và có sự chuẩn bị phù hợp cũng như các nỗ lực thích đáng. Chẳng hạn, trong các khâu của quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ, khâu thích nghi sớm được đánh giá là khâu có nhiều thử thách, cần nhiều nỗ lực và thời gian để vượt qua một cách thành công.
  • Thông qua cách tiếp cận đổi mới sáng tạo công nghệ, các bên tham gia nhận thức rõ được sự cần thiết phải đổi mới chính sách sớm, tăng tốc khâu thích nghi sớm, và tận dụng chu kỳ tái đầu tư công nghệ như một cách hiệu quả để giảm tải huy động nguồn vốn cho chuyển dịch năng lượng.
  • Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo công nghệ cũng nêu rõ sự cần thiết của sự hỗ trợ của chính phủ, sự hợp tác công – tư và hợp tác đa phương, đặc biệt ở các thách thức công nghệ có tính toàn cầu, cũng như sự linh hoạt trong huy động nguồn vốn tư nhân vào đầu tư, phát triển công nghệ mới. 

Thực hiện: Trần Huỳnh Ngọc

Tham khảo

[1] OECD/Eurostat, Oslo Manual 2018: Guidelines for Collecting, Reporting and Using Data on Innovation, 4th Edition, The Measurement of Scientific, Technological and Innovation Activities, Paris/Eurostat, Luxembourg: OECD Publishing, 2018.
[2] ISO, "ISO 56000:2020(en) Innovation management — Fundamentals and vocabulary," 2020. [Online]. Available: https://www.iso.org/obp/ui/#iso:std:iso:56000:ed-1:v1:en.
[3] IEA, "Special report on Clean Energy Innovation: Accelerating technology progress for a sustainable future," 2020.
[4] PECC2, 2022. [Online]. Available: https://nangluongvietnam.vn/xu-huong-chuyen-dich-nang-luong-va-tac-dong-den-viet-nam-28823.html.

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2