Hội thảo mở rộng PECC2 lần II: Bắt nhịp xu thế phát triển công trình đường dây – cáp ngầm vượt biển
Sau thành công của hội thảo mở rộng “Phát triển năng lượng sạch Việt Nam”, nằm trong chuỗi hoạt động kết nối và lan tỏa tri thức vì sự phát triển bền vững của ngành năng lượng, PECC2 tiếp tục mở ra một diễn đàn mới trong tháng 11 với chủ đề “Công trình đường dây – cáp ngầm vượt biển: Xu thế và thách thức”. Đây cũng là cơ hội để PECC2 được chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công các công trình đường dây và cáp ngầm nói chung cũng như công trình đường dây và cáp ngầm vượt biển nói riêng.
Còn nhớ vào giai đoạn những năm 2010, khi ngành điện bắt đầu tính đến việc cung cấp điện cho các đảo từ lưới điện quốc gia và các tuyến cáp ngầm xuyên biển đã được xây dựng, PECC2 đã vinh dự trở thành đơn vị tư vấn chính cho các dự án cáp ngầm xuyên biển 22 kV tổng chiều dài khoảng 25 km cấp điện cho huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và đặc biệt phải kể đến dự án cáp ngầm xuyên biển 110 kV cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với chiều dài khoảng 56 km, được đánh giá là chiều dài kỷ lục ở khu vực Đông Nam Á thời điểm bấy giờ.
Trong thời gian qua, cáp ngầm xuyên biển ở Việt Nam chỉ xuất hiện một số ít công trình cấp điện cho các đảo gần bờ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với chủ trương phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo như đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, điện gió ngoài khơi có thể phát triển mạnh ở ven biển nước ta. Đi cùng với đó là nhu cầu xây dựng nhiều tuyến cáp ngầm xuyên biển để gom công suất từ các tuabin gió và truyền tải vào bờ. Bắt nhịp với xu thế đó, PECC2 đăng cai tổ chức hội thảo mở rộng trong tháng 11 với mong muốn tạo ra diễn đàn để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khảo sát, thiết kế và thi công đường dây và cáp ngầm vượt biển. Hội thảo dự kiến được tổ chức trên cả nền tảng trực tuyến với 3 bài tham luận chính bao gồm các chia sẻ của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của PECC2 về công tác khảo sát, thiết kế và thi công đường dây và cáp ngầm vượt biển.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để PECC2 giới thiệu và chia sẻ thêm về kiến thức về công tác thiết kế, lắp đặt và vận hành cáp ngầm cao áp thông qua ấn bản sách do chính PECC2 tổng hợp và biên soạn với tựa đề “Hướng dẫn thiết kế, lắp đặt và vận hành cáp ngầm cao áp”. Cuốn sách được trình bày thành bảy chương, gồm các nội dung giới thiệu sơ lược về lịch sử cáp ngầm, các phần tử liên quan để xây dựng một đường dây cáp ngầm cao áp hoàn chỉnh. Chương 3 giới thiệu thiết kế cáp ngầm và các hiện tượng vật lý liên quan cũng như tính toán khả năng tải của cáp và một số tính toán khác về thiết kế cáp kèm các bảng tra ở cuối sách để có thể áp dụng được vào thực tiễn. Một nội dung quan trọng khác trong thiết kế đường dây cáp ngầm cao áp được trình bày ở Chương 4, bao gồm thiết kế nối đất, bảo vệ vỏ chống ăn mòn cáp và bảo vệ quá điện áp khí quyển cho cáp ngầm cao áp. Chương 5 giới thiệu phương pháp lắp đặt cáp ngầm phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và Chương 6 trình bày một số thử nghiệm chính để đưa công trình cáp ngầm vào vận hành. Một số vấn đề sơ lược về vận hành đường dây cáp ngầm cao áp cũng được trình bày ở Chương 7. Cuốn sách cũng trình bày sơ lược về cáp ngầm xuyên biển, đặc biệt về giáp bảo vệ cơ học cho cáp và cách lắp đặt cáp biển cũng được trình bày ở Chương 1. Với những kiến thức thực tiễn được đúc kết dựa trên bề dày kinh nghiệm và quá trình nghiên cứu sâu sắc, PECC2 hy vọng cuốn sách có thể trở thành tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các kỹ sư thế hệ tiếp nối trong những lần điều chỉnh Quy phạm trang bị điện và ban hành các quy định liên quan đến hệ thống cáp ngầm cao áp trong thời gian tới.
Thực hiện: Quỳnh Anh