Mùa mưa bão Miền Trung đang đến, nghĩ về thế đất “lưng tựa núi, mặt hướng sông”
Người Việt từ xưa đến nay khi chọn vị trí để xây nhà ở thường chọn thế đất “lưng tựa núi, mặt hướng sông’’. Đây là sự lựa chọn hợp phong thủy của người Á Đông: “Sơn quản nhân đinh, thuỷ quản tài”. Hơn nữa, thế “tựa núi nhìn sông” mang lại cảm giác được núi che chở, được sông mở ra với thế giới bên ngoài. Các làng xã vùng rừng núi thuộc các tỉnh Trung Trung Bộ đều chọn thế đất này để xây nhà, sinh sống. Thế nhưng, họ đâu biết rằng luôn tiềm ẩn một thảm họa treo lơ lửng trên đầu!
Phong thủy “Sơn quản nhân đinh, thủy quản tài” của người Á Đông mang ý nghĩa núi quản về số lượng, sức khỏe của những người trong gia đình, nước tượng trưng cho tài vận, tài lộc của con người khi sống trong căn nhà trên mảnh đất ấy.
Tổ tiên chúng ta không sai. Thời xưa ấy, ông bà của chúng ta chỉ cần chiếc rựa trong tay vào rừng kiếm vài thân cây nhỏ để làm cột nhà, kiếm mớ thân tre để làm vách, ít rơm rạ để lợp mái. Họ sống thuận thiên, rừng vẫn còn nguyên, đất còn nguyên. Người và núi rừng, sông suối cùng nhau sống hòa hợp.
Những năm tháng đi khảo sát địa chất cho các dự án thủy điện tại vùng rừng núi thuộc các tỉnh Trung Trung Bộ, tôi thấy ở các làng xã heo hút, hầu như cư dân đều xây nhà “lưng tựa núi, mặt hướng sông”. Chưa chắc họ đã dựa vào phong thủy mà thực sự là họ khó có sự lựa chọn nào khác. Trên cao là núi đồi trùng điệp, bên dưới là vực sâu với sông suối thác ghềnh. Tìm được một chỗ bằng phẳng để quần tụ dựng nhà thành làng xã thật là khó. Nên những thềm sông, bãi bồi ở thế “lưng tựa núi, mặt hướng sông” là sự lựa chọn tốt nhất. Họ yên tâm vì ông cha hồi xưa cũng ở như vậy và tồn tại. Họ đâu biết rằng họ đang sống với một thảm họa treo lơ lửng trên đầu!
Vỏ trái đất của chúng ta luôn luôn vận động nâng lên, sụt xuống, tạo ra một bề mặt rất lởm chởm. Nhưng rồi ông Trời đã cho mưa để tạo ra sông, suối làm phẳng đi cái lởm chởm ấy. Sông suối xói mòn núi, chở phù sa lấp chỗ trũng tạo ra những đồng bằng trù phú cho con người. Tất nhiên trong hàng triệu, hàng ngàn năm ấy cũng đã có muôn lần trượt lở đất xảy ra ở các triền núi. Đây là quy luật của tự nhiên để tái lập trạng thái cân bằng trọng lực mới trong quá trình xâm thực-xói mòn. Người xưa chân yếu tay mềm, biết sợ để tránh, biết quý để giữ gìn thiên nhiên vì thiên nhiên cho họ cuộc sống có cơm ăn, áo mặc, nhà ở.
Chúng ta ngày nay hơn hẳn tổ tiên. Chúng ta có đầy đủ các phương tiện hiện đại để cải tạo thiên nhiên. Cạo trọc cả quả núi hay đào bay chân núi để làm đường, làm nhà quá dễ dàng. Nhưng chúng ta tham lam quá, không biết giữ gìn những gì thiên nhiên đã cho và phải trả giá.
Nếu có dịp ra các vùng cao từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, chúng ta sẽ thấy rừng nguyên sinh mất rất nhiều. Rừng nguyên sinh, lớp áo giáp che chở mặt đất đã mất là vĩnh viễn mất. Sườn núi thiếu các tầng thực vật dày che phủ, chỉ còn là rừng thưa tái sinh hoặc nương rẫy. Chân núi bị cắt đi để làm đường, làm nhà. Khi mưa lớn đất không còn lớp thảm thực vật để giữ và cản nước, sinh ra lũ. Mùa mưa kéo dài đất sẽ bão hòa nước, suy giảm lực dính kết, tải trọng gia tăng đến mức vượt qua sự cân bằng giữa thế năng với sức chống cắt của đất, sinh ra trượt lở.
Mùa mưa lũ năm 2020, ở vùng này đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất lớn làm thiệt mạng rất nhiều người. Sạt lở gây lũ bùn chôn vùi một phần doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vùi lấp 22 quân nhân; sạt lở tại Trạm bảo vệ rừng 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm thiệt mạng 13 quân nhân và cán bộ địa phương, trong đó có Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu 4 và ông Chủ tịch UBND huyện Phong Điền; sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ) vùi lấp 17 công nhân; sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) làm thiệt mạng 19 dân làng. Tôi đã xem kỹ các tài liệu, bài báo liên quan đến 4 vụ sạt lở này và đều thấy thế đất mà họ làm doanh trại, trạm kiểm lâm, nhà ở đều là thế “lưng tựa núi, mặt hướng sông”.
Doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 sau vụ sạt lở (Nguồn: Internet)
Tôi cũng rà xem trên Google Earth thì ước đoán có khoảng 60% thôn làng ở vùng cao, vùng xa trong khu vực này đều ở trên thế đất “lưng tựa núi, mặt hướng sông”.
Các nhà địa chất chỉ có thể chỉ ra các vùng có nguy cơ chứ khó có thể dự đoán được thời điểm sạt lở. Bạt mái giảm tải, giảm độ dốc, gia tải chân bằng tường chắn thì khá bảo đảm nhưng cũng chỉ có thể làm ở vài vị trí trọng yếu như bệnh viện, trường học,... chứ không thể làm đại trà do kinh phí quá lớn. Di dời dân thì càng khó do rất phức tạp và kinh phí cũng không hề nhỏ. Trồng lại rừng thì rất tốt nhưng phải có thời gian cho rừng phát triển mạnh về thân và rễ. Khó giải bài toán này cho ổn. Tôi nghĩ trước mắt cần chọn một vài vị trí an toàn (xa sườn núi dốc, nền cao hơn đường thoát lũ) xây nhà tạm trú cho dân tránh mùa mưa bão.
Nghĩ thế mà lo, mà thương! Còn biết bao nhiêu là mùa mưa nữa sẽ đến với đồng bào trong các thôn làng “lưng tựa núi, mặt hướng sông” heo hút giữa núi rừng Miền Trung?
Một số hình ảnh về các vụ sạt lở:
Lưỡi bùn đất vùi lấp doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 khiến 22 quân nhân thiệt mạng (Nguồn: Internet)
Vụ sạt lở tại Trạm bảo vệ rừng 67 làm thiệt mạng 13 quân nhân và cán bộ địa phương (Nguồn: Internet)
Sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ) vùi lấp 17 công nhân (Nguồn: Internet)
Sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) làm thiệt mạng 19 dân làng (Nguồn: Dân Trí)
Xã Trà Leng chụp từ Google Earth (Nguồn: Google Earth)
Thực hiện: Phạm Văn Phúc Tín