Kết nối và nâng cao nhận thức quản lý các dự án năng lượng phức hợp
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của các dự án năng lượng đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhằm tạo diễn đàn kết nối và và chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong quản lý thực hiện các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, phức tạp, PECC2 đã chủ trì cùng Trung tâm Quốc tế về Quản lý dự án phức hợp (ICCPM) của Australia tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Quản lý các dự án năng lượng phức hợp: Thách thức và giải pháp” vào ngày 24/6/2024 tại Tòa nhà PECC2 Innovation Hub.
Hình 1. Hội thảo quốc tế “Quản lý các dự án năng lượng phức hợp: Thách thức và giải pháp” được tổ chức vào ngày 24/6/2024 tại Tòa nhà PECC2 Innovation Hub
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các khách mời, đối tác và đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và từ nhiều tổ chức, trường đại học, công ty khác trong cả nước. Hội thảo có sự tham gia trình bày của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Nội dung trình bày xoay quanh các vấn đề thực tiễn quản lý dự án ở Việt Nam, giới thiệu tiêu chuẩn quốc tế về năng lực lãnh đạo dự án phức hợp và khám phá một số giải pháp công nghệ số để đưa ra quyết định sáng suốt trong quản lý dự án phức hợp.
Với vai trò “chủ nhà”, PECC2 mở đầu hội thảo với bài trình bày về thực tiễn và những thách thức đối với công tác quản lý các dự án năng lượng tại Việt Nam do ông Trương Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển, PECC2 chia sẻ. Thông qua bài trình bày, khán giả có cơ hội cùng nhìn nhận lại thực tiễn công tác quản lý các dự án năng lượng ở Việt Nam, lắng nghe các phân tích về tính chất phức hợp của các dự án năng lượng, về các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một số dự án năng lượng. Từ việc nhìn nhận thực tiễn quản lý dự án, bài trình bày đã giới thiệu cách tiếp cận mới về cách tư duy quản lý dự án, ứng dụng tư duy hệ thống trong giải quyết các vấn đề phức hợp, các giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án phức hợp thông qua các hoạt động học hỏi, phát triển, kết nối mạng lưới nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu,...), và gợi ý một số định hướng công tác quản trị và tổ chức quản lý dự án thích ứng và phù hợp với môi trường phức hợp.
Hình 2. Ông Trương Văn Thiện trình bày bài tham luận tại hội thảo
Tiếp nối buổi hội thảo, ông Collin Smith - Giám đốc điều hành ICCPM (International Centre for Complex Project Management) đã có bài giới thiệu về các tiêu chuẩn năng lực lãnh đạo dự án phức hợp của ICCPM (tổ chức phi lợi nhuận được Chính phủ Australia thành lập vào năm 2007 nhằm xây dựng tiêu chuẩn, phương pháp và phát triển năng lực của các tổ chức và năng lực lãnh đạo các dự án phức hợp). Các tiêu chuẩn năng lực lãnh đạo dự án phức hợp của ICCPM được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi từ "quản lý" sang "lãnh đạo" trong các dự án phức hợp. Quá trình phát triển các tiêu chuẩn này kéo dài 5 năm, với sự đóng góp của hơn 172 chuyên gia từ 26 quốc gia. ICCPM khuyến khích tất cả các lãnh đạo dự án phức hợp coi các tiêu chuẩn này như một nguồn tài nguyên và hướng dẫn có giá trị trên hành trình quản lý dự án của mình.
Hình 3. Ông Collin Smith trình bày bài tham luận tại hội thảo
Bên cạnh việc nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, thì việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang trở nên phổ biến hơn, giúp tạo ra các kế hoạch phù hợp, tối ưu hóa quy trình dự án, và tự động hóa các hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu suất dự án. Tại phiên tham luận, PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình - Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã trình bày về sự cần thiết và những lợi ích cụ thể của việc áp dụng công nghệ AI trong quản lý các dự án phức hợp. Ông cho biết, AI có khả năng tự học, tự động thích nghi và thực hiện các nhiệm vụ thông minh, thay thế các phương pháp quản lý thủ công truyền thống vốn gặp nhiều hạn chế trong việc theo dõi tiến độ, phân bổ nguồn lực, kiểm soát chi phí và quản lý rủi ro. Các ứng dụng cụ thể của AI trong quản lý dự án bao gồm: tự động hóa các tác vụ, hỗ trợ ra quyết định, nâng cao năng suất, quản lý ngân sách, theo dõi thời gian, quản lý tài liệu và dự báo cho dự án. Về tổng thể, AI không chỉ giúp giảm gánh nặng quản lý mà còn mang lại sự chính xác và hiệu quả cao hơn cho các dự án năng lượng phức hợp.
Hình 4. PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình trình bày bài tham luận tại hội thảo
Ở bài trình bày cuối cùng của phiên tham luận, TS. Naomi Mathers - Giám đốc, Liên lạc Ngành và Dịch vụ Thành viên ICCPM đã giới thiệu báo cáo gần đây của ICCPM về “Phân tích dữ liệu để ra quyết định sáng suốt trong các dự án phức hợp: Khám phá mối quan hệ giữa con người và dữ liệu”. TS. Naomi đã chia sẻ về vai trò của phân tích dữ liệu trong việc nâng cao khả năng ra quyết định cho các dự án phức hợp. Bà nhấn mạnh rằng phân tích dữ liệu có thể cung cấp những thông tin quan trọng về hiệu suất và hiệu quả của dự án, giúp tối ưu hóa phân bổ tài nguyên và quản lý rủi ro và cơ hội một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu có thể loại bỏ sự bất định và thiên kiến. Máy móc và trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ đáng kể trong việc cung cấp thông tin và tự động hóa quy trình, nhưng con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, đặc biệt là khi phải xử lý các vấn đề bất định và phức hợp. Việc kết hợp giữa khả năng của con người và công nghệ, cùng với việc tạo ra môi trường làm việc hợp tác và có đạo đức, sẽ giúp các nhà lãnh đạo dự án tận dụng tối đa lợi ích của cả ”người và máy” để đạt được kết quả tốt nhất.
Hình 5. TS. Naomi Mathers trình bày bài tham luận tại hội thảo
Sau khi phiên tham luận kết thúc, phiên thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi dành cho các diễn giả đến từ các khách mời, đại biểu tham dự hội thảo. Thông qua phần hỏi đáp và thảo luận, nhiều nội dung liên quan đến các bài tham luận được làm rõ thêm, những giải pháp cho việc phát triển năng lực quản lý dự án phức hợp tại Việt Nam cũng được các bên tham gia cùng nhau mổ xẻ và phân tích.
Hình 6. Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm, trả lời các câu hỏi từ người tham dự
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Võ Văn Bình – Tổng Giám đốc PECC2 bày tỏ niềm vui mừng với sự thành công của hội thảo và gửi lời cảm ơn đến diễn giả, các khách mời và đại biểu đã dành thời gian quý báu tham gia hội thảo. Ông khẳng định thêm, là một đơn vị tư vấn hàng đầu trong ngành năng lượng Việt Nam, PECC2 nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc quản lý các dự án năng lượng có tính chất phức hợp. PECC2 đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện các hoạt động nâng cao hiệu quả trong việc quản lý các dự án năng lượng thông qua đầu tư cho đội ngũ nhân sự và quyết liệt thực hiện chiến lược phát triển năng lực số, ứng dụng các công nghệ số vào quản lý dự án, đem đến những giá trị khác biệt cho đối tác và khách hàng.
Hình 7. Ông Võ Văn Bình - Tổng Giám đốc PECC2 phát biểu bế mạc hội thảo
Hội thảo quốc tế “Quản lý các dự án năng lượng phức hợp: Thách thức và giải pháp” kết thúc và để lại nhiều ấn tượng tích cực với người tham dự. Thông qua hội thảo các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý dự án đã có cơ hội giao lưu, kết nối và chia sẻ về các kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và năng lực quản lý dự án năng lượng phức hợp, vì một hệ thống năng lượng Việt Nam bền vững.
Thực hiện: Nhi Đỗ