Bản tin tháng TV2
Chiến lược xây dựng hạ tầng thông minh data center tại ASEAN
23/06/2024 09:07
- 2176 lần đọc
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan rộng, việc xây dựng hạ tầng thông minh Data Center (trung tâm dữ liệu) trở thành một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ tại các quốc gia ASEAN. Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh thông tin, các quốc gia trong khu vực này đang đẩy mạnh đầu tư vào các trung tâm dữ liệu thông minh. Những trung tâm này không chỉ cung cấp khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn mà còn ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây để tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu chi phí.

Nguồn: Internet

Định nghĩa Data Center

Data Center là một cơ sở dữ liệu tập trung gồm các thiết bị tính toán và viễn thông nhằm phục vụ công tác thu thập, lưu trữ và phân phối một lượng lớn dữ liệu. Ngoài ra, đây còn là nơi chứa các máy chủ, hệ thống và các thành phần hạ tầng khác để đảm bảo cung cấp môi trường hoạt động công nghệ thông tin an toàn và bảo mật cho các tổ chức, đặc biệt là xử lý và lưu trữ thông tin nội bộ quan trọng. Do đó, Data Center phải có tính ổn định liên tục hàng ngày nhằm duy trì hiệu suất cao cho các ứng dụng, dịch vụ và đem lại uy tín cho tổ chức.

Các loại hình thức Data Center

Data Center tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu của tổ chức [1]:

  • Data Center của tổ chức doanh nghiệp được sở hữu và vận hành bởi chính tổ chức doanh nghiệp đó. Các cơ sở này được điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp trong từng ngành công nghiệp khác nhau.
  • Cloud Data Center cung cấp dịch vụ đám mây cho các doanh nghiệp hoặc người dùng cuối. Dịch vụ này được lưu trữ trên đám mây và có thể được công khai, riêng tư hoặc kết hợp cả hai (hybrid).
  • Colocation Data Center đặc biệt hơn khi các thiết bị từ Công nghệ thông tin đến cơ sở cung cấp điện và làm mát đều thuộc sở hữu khách hàng. Người dùng hoàn toàn điều khiển được các thiết bị của họ nhưng việc quản lý hàng ngày tại trung tâm được giám sát bởi nhà cung cấp dịch vụ trên.
  • High-Performance Computing (HPC) Data Center sử dụng siêu máy tính và cụm máy tính để giải quyết các bài toán phức tạp song song với việc lưu trữ và xử lý dữ liệu như sử dụng Trí tuệ nhân tạo và Học máy.

Yếu tố thúc đẩy phát triển Data Center tại ASEAN

Đầu tiên, ta cần phải kể đến sự gia nhập Internet từ các nước thành viên trong khối đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các Data Center tại ASEAN. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và am hiểu công nghệ.

Hình 1: Sự thâm nhập Internet và mạng xã hội từ các nước thành viên ASEAN trong đầu năm 2024 (Nguồn: Datareportal)

Tại Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập internet đã đạt 79,1% vào năm 2024, với mật độ người dùng cao thuộc nhóm dân cư thành thị và có trình độ [2]. Facebook chiếm ưu thế trong vai trò là mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử. Các ứng dụng nhắn tin nội địa như Zalo đã trở thành tiêu chuẩn, vượt qua SMS truyền thống về mức độ phổ biến và sử dụng [2].

Ngoài ra, việc phát triển các lĩnh vực khác như ngân hàng kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng cần sự mở rộng các Data Center trong khu vực ASEAN. Sự xâm nhập các công nghệ tiên tiến khác như AI, IOT, Edge Computing và mạng 5G cũng là những yếu tố không kém phần quan trọng để thúc đẩy sự gia tăng Data Center.

Thực trạng Data Center ở ASEAN

Tại ASEAN, thị trường phát triển Data Center đã bùng nổ và dần trở nên sôi động từ đầu những năm 2000, với Singapore là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Đến hiện tại, tình hình Data Center của các nước thành viên ASEAN đã đạt quy mô tổng cộng 1.5GW được đưa vào vận hành, ngoài ra còn có 500MW Data Center đang được xây dựng, và gần 2GW đang trong giai đoạn lên kế hoạch [1].

Hình 2: Quy mô Data Center ở một vài nước thành viên ASEAN (nguồn: Asia Pacific Data Center Update H22023, Cushman & Wakefiled [3])

Các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu và luật sở hữu trí tuệ tại Singapore đã thu hút các công ty đa quốc gia đến lưu trữ dữ liệu tại đây. Một hệ sinh thái số đã được thiết lập từ các tổ chức khai thác trung tâm dữ liệu, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và các dịch vụ liên quan càng làm tăng sức hấp dẫn của quốc gia này như một trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, Singapore đang đối mặt với các thách thức như khan hiếm đất đai, chi phí điện cao, và các mối lo ngại về môi trường, dẫn đến việc tạm dừng phát triển trung tâm dữ liệu mới vào năm 2019 [1]. Điều này đã dẫn đến việc các nhà khai thác trung tâm dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang tìm kiếm các địa điểm thay thế trong khu vực cận kề [4].

Tận dụng ưu thế về vị trí địa lý gần với Singapore, Malaysia đang trở thành điểm đến thay thế hấp dẫn với các nhà khai thác trung tâm dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Các dự án lớn đang được triển khai ở các khu vực như Cyberjaya, Johor, và vùng Iskandar ở miền nam Malaysia, gần biên giới Singapore. Những địa điểm này là khu vực lý tưởng tận dụng vị trí địa lý gần Singapore, cho phép kết nối với độ trễ thấp (low-latency), và đồng thời cung cấp nhiều không gian hơn cho việc mở rộng trung tâm dữ liệu [5].

Indonesia đang nổi lên như một quốc gia hấp dẫn cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu. Với ưu thế là số dân đông và nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, Jakarta và các khu vực xung quanh đã chứng kiến sự thâm nhập từ các tập đoàn lớn. Sự gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, sự phát triển thương mại điện tử và các sáng kiến chuyển đổi số của quốc gia này thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ trung tâm dữ liệu [1].

Thái Lan cũng là một thị trường Data Center đầy hứa hẹn tại Đông Nam Á, bao gồm Bangkok, Chonburi và các thành phố khác. Quốc gia này có một lượng lớn người dùng internet tiêu thụ nội dung và dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, Thái Lan đã triển khai kế hoạch Digital Thailand và dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (Eastern Economic Corridor) nhằm thúc đẩy nền kinh tế số và hạ tầng cơ sở [1].

Nhu cầu về xây dựng dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng đang gia tăng tại Philippines. Nhu cầu này bắt nguồn từ việc quốc gia này đẩy mạnh phát triển các tổ chức thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO – Business process outsourcing), lĩnh vực chiếm 7% GPD của Philippines [1].

Việt Nam là một trong những thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, trải rộng khắp Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố khác. Dân số trẻ cùng với việc am hiểu công nghệ đã góp phần thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ số trong nước như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội. Nước ta còn có lợi thế về chi phí thấp, thu hút các nhà đầu tư và nhà khai thác nước ngoài [1].

Vai trò của Data Center tại ASEAN

Đầu tiên, ta phải kể đến sự thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo từ ASEAN và Huawei [1], tính đến năm 2022, ASEAN đã có 460 triệu người dùng Internet, trong đó có 100 triệu người dùng mới tham gia chỉ trong 3 năm gần đây. Ước tính tổng quy mô giá trị của hệ sinh thái số của khu vực này có thể tăng từ 300 tỷ USD lên gần 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế số của khu vực đã chiếm khoảng 45% GDP vào năm 2022. Dự kiến đến năm 2027, nền kinh tế số của khu vực sẽ đóng góp khoảng 56% vào GDP của khu vực, trong đó ví điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng với tỷ lệ đóng góp là 61.5%. Ngoài ra, hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (DEFA) đang được đàm phán và là hiệp định kinh tế số khu vực (DEA) đầu tiên trên Thế Giới. Hiệp định DEFA có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030, tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng như tăng cường thương mại số, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, và áp dụng các phương thức thanh toán số. Các cuộc đàm phán đang diễn ra tập trung vào 9 lĩnh vực chính của nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cả luồng dữ liệu xuyên biên giới, ID kỹ thuật số, và trí tuệ nhân tạo [6].

Khi mười quốc gia ASEAN cùng phát triển trên lĩnh vực số, sự chuyển đổi này đang được định hình và ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp một cách trực tiếp lẫn gián tiếp. Từ các thị trường thương mại điện tử sôi động đến các dịch vụ chính phủ điện tử hiện đại, sự thay đổi này đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự hội nhập công cuộc chuyển đổi số của khối thành viên này. Đóng góp quan trọng của sự chuyển đổi này là các trung tâm dữ liệu, nơi cung cấp năng lượng cho cuộc sống số. Tuy nhiên, khi các trung tâm dữ liệu mở rộng khắp khu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, việc đảm bảo vận hành hiệu quả về năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tiêu thụ năng lượng lớn của các trung tâm dữ liệu đang đặt ra một thách thức lớn đối với hạ tầng số bền vững của khu vực.

Ngoài ra, sự phát triển Data Center tại ASEAN là một cơ hội tiềm năng thúc đẩy các cơ hội việc làm khác nhau của khu vực. Trong mảng xây dựng và vận hành Data Center, các tổ chức doanh nghiệp cần phải có một đội ngũ xây dựng kinh nghiệm và chuyên nghiệp từ lĩnh vực điện, hệ thống điều hòa không khí (HVAC) đến các kỹ thuật viên và chuyên gia công nghệ thông tin. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, Data Center luôn yêu cầu những kỹ sư có khả năng phát triển phần mềm, quản lý hạ tầng số, giám sát hiệu năng, và tự động hóa các tác vụ doanh nghiệp. Ở mảng dữ liệu, Data Center là nơi tích lũy một khối lượng lớn dữ liệu và cần đến một đội ngũ làm việc về dữ liệu gồm phân tích dữ liệu, nghiên cứu khoa học dữ liệu và kỹ sư dữ liệu nhằm phân tích các chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa hiệu năng và cải thiện hiệu suất.

Thị trường Data Center tại khu vực ASEAN có tiềm năng lớn để phát triển trong tương lai, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế số của khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, khu vực cần vượt qua các thách thức về hạ tầng, năng lượng, và quy định, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến bền vững và hiệu quả.

Thực hiện: Nguyễn Hữu Khoa Minh

Tham khảo:

[1] Rio Jon Piter Silitonga, Rika Safrina, Vu Trong Duc Anh, Marc Benjamin Kusno, Zahra Aninda Pradiva, Wang Junfei, Li Baoyu, He Songyan, Zhao Junpeng, Luo Long, Yang Wu, Zhang Nengjie, Wu Dabiao, Zeng Zhili (2024). Building Next Generation Data Center Facility in ASEAN. ASEAN Center for Energy and Huawei

[2] Hattie. Social Media Penetration in Vietnam | Digital Business Lab Hong Kong, Singapore. https://digital-business-lab.com/2022/07/2-social-media-penetration-vietnam-research/

[3] Asia Pacific Data Centre Advisory. https://cushwake.cld.bz/ASIA-PACIFIC-DATA-CENTRE-CAP-DECK

[4] Written reply to PQ on new data centres. https://www.mti.gov.sg/Newsroom/Parliamentary-Replies/2021/01/Written-reply-to-PQ-on-new-data-centres

[5] Nikkei Asia. Singapore data centers look to Malaysia, Indonesia to satisfy demand. https://theaseanmagazine.asean.org/article/asean-goes-full-throttle-on-digital-transition/

[6] Báo Công Thương. Hiệp định kinh tế số ASEAN mở đường lưu thông thương mại và dữ liệu số trị giá 2 nghìn tỷ USD. https://congthuong.vn/hiep-dinh-kinh-te-so-asean-mo-duong-luu-thong-thuong-mai-va-du-lieu-so-tri-gia-2-nghin-ty-usd-306869.html

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2