Chiến lược dịch chuyển mô hình tổ chức trong thời đại AI: tổ chức dựa trên kỹ năng
Ngày nay, sự bùng nổ của những sáng kiến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và học máy (machine learning) đã đem lại những thay đổi vượt bậc trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Cùng với sự phát triển đó, theo Báo cáo “Future of Jobs” của Diễn đàn kinh tế thế giới 2023, dự kiến 44% kỹ năng của người lao động có tay nghề có thể sẽ bị thay thế bằng công nghệ máy móc hoặc trí tuệ nhân tạo trong năm năm tới. Phương án giải quyết vấn đề về sự thiếu hụt kỹ năng tại công sở là các tổ chức cần có những thay đổi về cách quản lý nhân sự. Họ cần tìm hiểu rõ những kỹ năng cần thiết trong hiện tại và tương lai để từ đó tìm ra cách thức, phương án nhằm thu hút, phát triển và giữ chân các nhân tài phù hợp. Để làm được việc này, các tổ chức cần thay đổi mô hình hoạt động, lực lượng lao động và văn hóa công sở để biến nơi làm việc trở thành nơi tổ chức hoạt động dựa trên kỹ năng, linh hoạt và tiêu chí hướng tới tương lai. Bài viết sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về những lý do tại sao cần sử dụng và tiếp cận các yếu tố kỹ năng, lợi ích và cách thức để xây dựng nên một tổ chức với giá trị cốt lõi dựa trên kỹ năng.
Nguồn: Internet
Tại sao kỹ năng cần được ưu tiên
Hiện nay rất nhiều công việc từ những công việc được lặp đi lăp lại đến các công việc sáng tạo nội dung hoặc cần tư duy phản biện đều có thể được hỗ trợ nhờ sự tự động hóa và AI. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về vai trò của công nghệ trong vận hành, dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng kỹ sư và nhân viên phân tích kinh doanh. Để bắt kịp sự chuyển đổi số này, các tổ chức cần hiểu rõ các kỹ năng nào cần thiết và phù hợp cho sự thay đổi tính chất của công việc. Ví dụ: các quản lý kho sẽ cần nhân sự có thể quản lý chuỗi robot được sử dụng để đóng gói trong nhà máy. Các quản lý kinh doanh cần đưa ra các đề xuất triển khai chatbots và biết cách đánh giá hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, các công ty ngày nay vẫn tìm kiếm ứng viên với các tiêu chí truyền thống cho những vị trí theo chức danh hoặc ứng tuyển dựa trên mô tả công việc đang cần. Đây chính là rào cản cho các nhà tuyển dụng để tìm kiếm nhân viên phù hợp, vì thường sẽ rất khó để tìm một người có kinh nghiệm hoàn toàn giống với vị trí mới mà công ty đang ứng tuyển. Chẳng hạn, một công nhân bảo trì tại một lò đốt trong nhà máy ô tô sẽ có nhiệm vụ và công việc khác với công nhân bảo trì tại nhà máy ô tô chạy bằng pin. Hơn nữa, nguồn nhân lực bị thu hẹp hơn khi một số nhà tuyển dụng yêu cầu bằng cấp cao trong khi điều này không chứng minh được người lao động có kỹ năng lãnh đạo hay không. Ở Thung lũng Silicon, chỉ có khoảng 10% người sáng lập ở vị trí cấp cao có bằng cấp liên quan đến khoa học máy tính. Vì vậy, có thể chứng minh bằng cấp không phải là yếu tố cốt lõi để tạo nên sự thành công.
Chính vì vậy, mô hình dựa vào kỹ năng có cách tiếp cận mới giúp tìm kiếm tài năng hiệu quả hơn bằng cách mở rộng lĩnh vực làm việc của các ứng viên và nhắm đến các kỹ năng và năng lực cụ thể. Công ty cần xác định nhu cầu hiện tại và chiến lược tương lai, định rõ các kỹ năng và yếu tố cần thiết rồi điều chỉnh mô tả công việc thành danh sách các kỹ năng cho mỗi vị trí tuyển dụng. Danh sách kỹ năng này sẽ được cập nhật thường xuyên và là yếu tố quan trọng cho các quyết định tuyển dụng, tập huấn và thăng chức.
Lợi ích của việc xây dựng lực lượng lao động dựa trên kỹ năng
Nếu được thực hiện đúng cách, mô hình dựa trên kỹ năng sẽ đem lại vô số lợi ích trong chiến lược và kinh tế cho cả tổ chức và người lao động, cụ thể như sau:
Đối với người sử dụng lao động
|
Đối với người lao động
|
Tăng khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân viên
|
Tăng sự minh bạch trong quy trình tuyển dụng
|
Tăng hiệu suất và tính nhạy bén của lực lượng lao động
|
Mở rộng cơ hội nghề nghiệp
|
Phát triển và triển khai nhân tài hiệu quả hơn
|
Cải thiện khả năng tiếp cận để đào tạo các kỹ năng cần có trên thị trường
|
Tối ưu hóa chi phí lao động
|
Gia tăng sự gắn kết với tập thể lao động
|
Một vài tổ chức đã chia sẻ rằng việc thay đổi tiêu chí tuyển dụng từ “có bằng cử nhân” thành “có kỹ năng tương tự” giúp họ mở ra nhiều cơ hội để tìm ra những ứng viên phù hợp hơn. Ngoài ra, họ cũng có thể nâng cao kỹ năng cho các nhân viên hiện tại, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo nhân viên mới. Việc phát triển năng lực cho lực lượng lao động hiện tại là sự chuẩn bị tốt để công ty có thể thuyên chuyển nhân sự giữa các dự án dễ dàng hơn, tạo cơ hội cho nhân viên được khai phá các con đường sự nghiệp mới, dẫn đến gia tăng sự hài lòng và gắn bó của nhân viên đối với tổ chức.
Cách thức để xây dựng một tổ chức dựa trên kỹ năng
Thay đổi quan điểm tuyển dụng
Để trở thành một tổ chức dựa trên kỹ năng, tổ chức đó cần thay đổi góc nhìn về vị trí công việc – không chỉ dựa trên hai tiêu chí: chức danh và ngân sách tuyển dụng nữa. Các trưởng phòng nên nhìn nhận các nhân viên là tài sản của công ty và tạo cơ hội cho các thành viên phát triển các kỹ năng mới thay vì chỉ tập trung vào năng suất và hiệu suất kinh doanh.
Việc thay đổi quan điểm chắc chắn là một thách thức đối với lãnh đạo công ty vì điều này cần nhiều thời gian và sự cân nhắc. Công ty nên xác định mục tiêu và xây dựng sơ đồ phát triển cho việc tuyển dụng, thăng tiến và đào tạo. Sau đó, họ có thể chọn thí nghiệm một vài vị trí khó tuyển dụng, ghi nhận các kết quả tốt và chưa tốt để điều chỉnh quy trình. Các kết quả cần được đánh giá dựa trên thước đo cụ thể để dễ dàng cải thiện và bên cạnh đó cũng cần nhận được hỗ trợ từ phía ban lãnh đạo cấp cao. Do đó, sự tham gia của người quản lý nhân sự và lãnh đạo cấp trung là rất quan trọng trong chiến lược thay đổi này. Mặc dù có nhiều e ngại về rủi ro khi thay đổi ví dụ như việc loại bỏ yêu cầu “Bằng cử nhân” trong yêu cầu tuyển dụng; thực tế thì tuyển dụng luôn có rủi ro, nhưng người tuyển dụng có thể đặt ra những yêu cầu cụ thể trong quá trình tìm kiếm nhân viên mới.
Chuyển đổi lực lượng nhân sự hiện tại
Ngoài việc thu hút thêm nhân tài, tổ chức dựa trên kỹ năng khi điều hành cần chú trọng việc đào tạo tập huấn. Các nhân viên hiện tại cần được dễ dàng tiếp cận các chương trình phát triển kỹ năng và đảm bảo kỹ năng được cập nhật thường xuyên để đáp ứng với thay đổi của công nghệ và tổ chức.
Tổ chức cần nói rõ với nhân viên rằng họ kì vọng các nhân viên sẽ tận dụng cơ hội nâng cao kỹ năng và hướng dẫn nhân viên lựa chọn đúng khóa đào tạo theo định hướng của công ty. Hơn nữa, chiến lược phát triển nguồn lực lao động của công ty cần được xây dựng dựa trên sự thống nhất của các nhà lãnh đạo và nhu cầu của tổ chức.
Một ví dụ thực tế chứng minh cho sự thành công khi áp dụng cách thức này là Standard Chartered Bank – một ngân hàng có trụ sở tại London nhưng đa phần thị trường mục tiêu là các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông. Họ nhận ra hàng nghìn nhân viên đang làm những công việc không cần thiết vì có thể được thay thế bằng công nghệ ví dụ như nhân viên trung tâm chăm sóc khách hàng. Ngược lại, các công việc về quản lý dữ liệu, thiết kế trải nghiệm người dùng hoặc an toàn mạng ngày càng cần nhiều nhân sự, phát sinh chi phí khổng lồ. Thay vì tuyển dụng người mới, họ đã đào tạo những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động hiện tại, ước tính tiết kiệm $49.000 cho mỗi nhân sự. Vào năm 2021, công ty triển khai một dự án cải thiện trải nghiệm cho người dùng khiếm thính tại Ấn Độ. Họ không bắt đầu dự án bằng việc xây dựng một đội ngũ mới như những dự án trước đó mà bằng việc chiêu mộ các nhân viên ở bất cứ phòng ban nào, miễn là đáp ứng các tiêu chí về kỹ năng phân tích dữ liệu và có chuyên môn về thiết kế ứng dụng. Kết quả là một đội dự án nhanh chóng được thành lập và làm việc hiệu quả, gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Những công việc cần thiết khi xây dựng tổ chức dựa trên kỹ năng
Dưới đây là các bước giúp quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức dựa trên kỹ năng được nhanh chóng và hiệu quả:
-
Thiết lập khuôn khổ mới cho việc chuyển đổi mô hình: xác định mục tiêu, các yếu tố đo lường sự thành công, đạt được sự đồng thuận của cấp lãnh đạo và phát triển đường lối thay đổi.
-
Chọn lựa những công nghệ cần thiết để hỗ trợ cho sự phát triển của nhân sự.
-
Thiết lập các nhóm kỹ năng cần thiết: Tổ chức cần hiểu rõ nhu cầu thay đổi, nhận biết những loại kỹ năng và sự thiếu hụt hiện tại.
-
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng và đào tạo kỹ năng mới: Khuyến khích nhân viên bằng cách tạo cơ hội cho việc cải thiện kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng đang có sự gia tăng nhu cầu và được ưu tiên.
-
Xác định kết quả then chốt đáp ứng mong muốn của các bên liên quan: cấp lãnh đạo, cấp quản lý, nhân viên. Phát triển hệ thống đo lường tiến độ thực hiện và thành công.
-
Phát triển hệ thống quản lý để cập nhật các thay đổi trong công việc: Thiết lập phương thức theo tiêu chí giao tiếp và phản hồi, tổ chức các buổi thảo luận định kỳ với các bên liên quan.
-
Bắt đầu từng bước một: Triển khai một dự án thí điểm với mục tiêu xác định có thể hoàn thành được từ ban đầu. Dự án thành công sẽ là tiền đề để phát triển rộng rãi cho các dự án tương lai.
-
Ghi nhận quá trình thực hiện: Tại mỗi giai đoạn cần ghi nhận các công việc đạt và chưa đạt. Sau đó thì tiếp tục thử nghiệm và cải thiện công việc ở những giai đoạn tiếp theo.
-
Phát triển quy mô: Khi việc chuyển đổi có những tín hiệu tích cực, cần mở rộng việc thí điểm cho nhiều lĩnh vực khác.
-
Tích hợp vào mô hình kinh doanh: Chính thức áp dụng mô hình dựa trên kỹ năng cho chiến lược kinh doanh và mô hình vận hành.
Việc dịch chuyển mô hình tổ chức trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời đại kỹ thuật số và thay đổi nhân khẩu học hiện nay. Tuy nhiên, những tổ chức có quy mô lớn có thể gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong việc chuyển đổi nếu không có kế hoạch rõ ràng. Một chiến lược với mục tiêu có thể đạt được và thiết lập được phương thức giao tiếp hiệu quả sẽ thúc đẩy tổ chức có thể đưa ra chiến lược tốt hơn, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của tương lai.
Thực hiện: An Phạm
Tham khảo
Strategic shift: Skills-Powered Organizations in the Age of AI, MIT SMR Connections – Strategy guide.