Bản tin tháng TV2
Các con số nổi bật của ngành năng lượng ASEAN
26/11/2023 10:33
- 1690 lần đọc
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang tồn tại nhiều biến động về địa chính trị và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, định hướng phát triển ngành năng lượng của mỗi nước nói riêng và toàn khối ASEAN nói chung là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Do đó việc nắm bắt thông tin về tình hình phát triển năng lượng của các nước trong khu vực ASEAN trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là về cách khu vực ASEAN đang đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch và bền vững.

Nguồn: ACE

1. Các thông tin tổng quan về năng lượng và điện năng của Hiệp hội

Theo số liệu thống kê chính thức năm 2023 từ Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE – ASEAN Centre for Energy), trong đó dữ liệu được cập nhật đến năm 2021, bức tranh tổng quát về năng lượng của các nước trong Hiệp hội như sau:

Hình 1. Số liệu thống kê chung về tình hình năng lượng tại ASEAN (Nguồn: ACE)

Các điểm nổi bật trong bức tranh năng lượng ASEAN:

  • Về năng lượng sơ cấp: Trong giai đoạn 2005-2021, tổng năng lượng sơ cấp đã tăng gần 1,6 lần, từ 422,1 Mtoe lên 665,9 Mtoe.
  • Về tiêu thụ năng lượng: Trong giai đoạn 2005-2021, tổng nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng đã tăng gần 1,5 lần, từ 259,3 Mtoe lên 379,1 Mtoe.
  • Về nguồn điện: Trong giai đoạn 2005-2021, với mức tăng trưởng trung bình đạt 6,7%/năm, tổng công suất nguồn lắp đặt đã có sự tăng trưởng mạnh từ 109,7 GW lên đến 297,4 GW.
  • Về điện năng sản xuất: Trong giai đoạn 2005-2021, với mức tăng trưởng trung bình đạt 5,0%/năm, tổng công suất nguồn lắp đặt đã có sự tăng trưởng từ 513,1 TWh lên đến 1241,8 TWh GW.

Các điểm đáng chú ý của số liệu thống kê năng lượng ASEAN trong 10 năm gần nhất như sau:

  • Tăng trưởng cung ứng năng lượng sơ cấp khoảng 27% giai đoạn 2011 – 2021, tương đương với 140,5 Mtoe.
  • Tăng trưởng tiêu thụ năng lượng khoảng 18% giai đoạn 2011 – 2021, tương đương với 57,5 Mtoe.
  • Năng lượng tái tạo (thủy điện, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời và năng lượng gió) chiếm 14,4% tổng cung ứng năng lượng sơ cấp của Hiệp hội vào năm 2021, tương đương với 95,9 Mtoe.
  • Năng lượng tái tạo (thủy điện, địa nhiệt, điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo khác) có công suất đặt 100,8 GW năm 2021, chiếm 33,8% công suất đặt của toàn bộ hệ thống điện.
  • Tiêu thụ dầu năm 2021 chiếm 44% tổng tiêu thụ năng lượng, tương đương 166,5 Mtoe.
  • Sản lượng của điện mặt trời năm 2021 tăng trưởng 5 lần so với năm 2016, đạt 20,7 tỷ kWh.

(TOE: Ton of Oil Equivant, tấn dầu tương đương)

2. Nguồn cung năng lượng tái tạo sơ cấp

Tính đến năm 2021, nguồn cung năng lượng tái tạo đã đạt 95,9 Mtoe (tương đương 14,4% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp). Trong đó, phần lớn nguồn cung đến từ năng lượng sinh khối (42,6 Mtoe – 44,4%) và năng lượng địa nhiệt (22,9 Mtoe – 23,8%).

Hình 2. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng của Hiệp hội giai đoạn 2005 – 2021 và sản lượng năng lượng tái tạo của Hiệp hội năm 2021 (Nguồn: ACE)

3. Cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp

Trong cơ cấu cung cấp năng lượng sơ cấp Hiệp hội, nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 82,9% vào năm 2021. Cụ thể:

  • Năng lượng cung cấp từ dầu mỏ chiếm 215,9 Mtoe (tương đương 32%), và có mức tăng trưởng 22,8% so với năm 2005.
  • Năng lượng cung cấp từ than đá chiếm 191,6 Mtoe (tương đương 28,8%), tăng 3 lần so với năm 2005.
  • Năng lượng cung cấp từ khí đốt chiếm 144,7 Mtoe (tương đương 21,7%), và có mức tăng trưởng 44,1% so với năm 2005 (100,5 Mtoe).
  • Năng lượng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 96 Mtoe (tương đương 14,4%), tăng 2 lần so với năm 2005 (46,8 Mtoe).

Hình 3. Cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp (Nguồn: ACE)

4. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng

Hình 4. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng (Nguồn: ACE)

Tổng năng lượng tiêu thụ bao gồm toàn bộ năng lượng cho các lĩnh vực nhưng không bao gồm năng lượng sử dụng cho các mục đích phi năng lượng và xuất khẩu quốc tế. Tiêu thụ các loại năng lượng giai đoạn 2005 – 2021 có các điểm đáng lưu ý như sau:

  • Tiêu thụ năng lượng hóa thạch tăng 47,6%, từ 160,5 (2005) lên 236,9 Mtoe (2021).
  • Tiêu thụ nhiên liệu sinh học tăng 66,2%, từ 21,6 lên 35,2 Mtoe.
  • Tiêu thụ điện năng tăng 2 lần trong cùng thời kỳ, từ 37,8 lên 89,1 Mtoe.
  • Nhiên liệu cho công nghiệp và giao thông vận tải tăng 64,6%, từ 168,4 lên 276,8 Mtoe.
  • Trong ngành giao thông vận tải, tiêu thụ xăng dầu chiếm tỷ trọng chi phối lớn, khoảng 44% mặc dù có sự gia tăng của nhiên liêu sinh học.

5. Công suất lắp đặt nguồn điện của ASEAN

Với mức độ tăng trưởng bình quân đạt 6,7%, tổng công suất nguồn lắp đặt trong khu vực ASEAN đã tăng từ 110 GW lên 297 GW trong giai đoạn 2005-2021. Cụ thể:

  • Đến năm 2021, các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than và khí vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn, với công suất lần lượt là 95,4 GW (32,1%) và 89,4 GW (30,1%).
  • Công suất các nhà máy sử dụng nhiên liệu dầu giảm từ 14,5 GW xuống còn 11,8 GW năm 2021.
  • Giai đoạn 2017-2021 ghi nhận sự gia tăng mạnh nhất của các loại hình điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, với mức tăng trưởng lần lượt đạt 84%, 53% và 27%.
  • Đến năm 2021, tổng công suất các nhà máy NLTT đạt 100,8 GW (chiếm 34% trong tổng công suất lắp đặt), phần lớn đến từ thủy điện (59,9 GW) và điện mặt trời (23,6 GW).

Hình 5. Công suất lắp đặt nguồn khu vực ASEAN (Nguồn: ACE)

Hình 6. Công suất lắp đặt nguồn NLTT năm 2021 (Nguồn: ACE)

6. Tình hình sản xuất điện năng

Về tình hình sản xuất điện năng, số liệu thống kê cho thấy:

  • Điện năng sản xuất tiếp tục tăng với tốc độ trung bình, khoảng 5% giai đoạn 2016 – 2021 và nhiên liệu chính để sản xuất điện là than đá và khí đốt.
  • Than đá tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại nhiên liệu sử dụng để phát điện, khoảng 42% lượng điện năng sản xuất năm 2021.
  • Trong khi điện năng sản xuất từ khí đốt tiếp tục biến động mạnh thì điện năng sản xuất từ dầu đã có bước nhảy vọt, tăng 16% vào năm 2021 sau khi giảm 26% vào năm 2020.
  • Thủy điện tiếp tục giữ vững vị trí là nguồn năng lượng tái tạo có tỷ trọng lớn nhất sau các nhịp giảm vào năm 2019 và 2020.
  • Nhiên liệu sinh học và năng lượng gió tiếp tục tăng trưởng cao, 13% và 9% tương ứng vào năm 2021.

Hình 7. Thống kê tình hình sản xuất điện năng (Nguồn: ACE)

7. Các thông tin bổ sung

Hình 8. Tăng trưởng nguồn cung năng lượng, công suất đặt nguồn điện và tỷ trọng nguồn cung năng lượng tái tạo của các nước khu vực ASEAN (Nguồn: ACE)

Hình 9. Các chỉ số năng lượng của ASEAN (Nguồn: ACE)

Thực hiện: Thanh Nghị, Minh Lộc

Nguồn tham khảo:

1. ASEAN Energy Statistic Leaflet, https://aseanenergy.org/asean-energy-statistics-leaflet-2023.

2. ASEAN Power Updates 2023, https://aseanenergy.org/asean-power-updates-2023.

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2