Hội thảo về Hệ thống điện và Công nghệ tạo lưới tại PECC2
Nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường hiểu biết của đội ngũ kỹ sư công ty về hệ thống điện tích hợp năng lượng tái tạo và công nghệ tạo lưới, vào ngày 29/10/2024, PECC2 đã tổ chức buổi Hội thảo nội bộ với chủ đề “Ứng dụng của công nghệ tạo lưới và Tiềm năng cho Hệ thống điện Việt Nam”, với sự tham gia trình bày của các diễn giả đến từ PECC2, Liên đoàn Điện lực Trung Quốc, Viện Khoa học Điện lực Trung Quốc, và HUAWEI Digital Power. Buổi Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều thông điệp ý nghĩa và kiến thức hữu ích được trao đổi.
Hội Thảo tại PECC2 về Ứng dụng Công nghệ GFM và Tiềm năng cho Hệ Thống Điện Việt Nam
Các diễn giả của buổi hội thảo đã trình bày các nội dung về sự phát triển của hệ thống điện Việt Nam và Trung Quốc, sự cần thiết của việc phát triển và áp dụng công nghệ tạo lưới (Grid-Forming Technology - GFM) trong hệ thống điện tích hợp năng lượng tái tạo (NLTT) với tỷ lệ cao, các đặc điểm cốt lõi làm nên công nghệ GFM, các tác dụng vượt trội và các trường hợp ứng dụng, cùng một số thông tin về các dự án trên thế giới đang áp dụng công nghệ này. Trên cơ sở các nội dung ấy, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về cách thức triển khai của công nghệ GFM trong hệ thống điện, và đặt ra việc hợp tác giữa PECC2 và HUAWEI trong việc phát triển áp dụng công nghệ GFM tại Việt Nam.
Hội thảo bao gồm bốn bài trình bày và một phiên thảo luận chung, với sự tham gia trình bày, trao đổi của các diễn giả:
-
Th.S. Nguyễn Hoàng Bảo, Kỹ sư phòng Nghiên cứu Hệ thống điện, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển, PECC2.
-
TS. Xin Yaozhong, Chuyên gia trưởng của Hội đồng Điện lực Trung Quốc, nguyên Phó giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia Trung Quốc.
-
TS. Hui Dong, Chuyên gia trưởng của Học viện Khoa học Điện lực Trung Quốc.
-
Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Quản lý Giải pháp Cấp cao của Huawei Digital Power SEAMC.
-
TS. Trần Huỳnh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển, PECC2 (điều phối phiên thảo luận).
Ông Hoàng Bảo khởi đầu các bài trình bày với cái nhìn tổng quan về hệ thống điện Việt Nam, nhấn mạnh vào sự bùng nổ của các nguồn NLTT biến đổi cũng như sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu tiêu thụ điện trong vòng một thập kỷ qua và trong tương lai. Từ đó, ông Bảo nêu bật những thách thức hiện hữu và sự cần thiết phải nâng cao dự phòng và khả năng ổn định của hệ thống điện trong bối cảnh tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng.
Hình 1. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, Kỹ sư phòng Nghiên cứu Hệ thống điện đang trình bày tổng quan về hệ thống điện Việt Nam.
Ở bài trình bày tiếp theo, tiến sĩ Xin Yaozhong chia sẻ về các khái niệm, chiến lược và các biện pháp thực tiễn trong điều khiển vận hành hệ thống điện kiểu mới nhằm giải quyết các thách thức đã và đang xảy ra trong hệ thống điện Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây, khi năng lượng tái tạo và các đường dây HVDC trên lưới bùng nổ quá nhanh. Qua bài trình bày, ông cũng chia sẻ nhiều thông điệp sâu sắc và ý nghĩa về vận hành và điều khiển hệ thống điện từ kinh nghiệm hơn 40 năm làm công tác điều độ điện lực tại Trung Quốc. Phần cuối bài trình bày, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ GFM, đặc biệt ở khả năng cải thiện tính ổn định của hệ thống điện thông qua việc cung cấp các đáp ứng nhanh chóng đối với các biến động về tần số và điện áp.
Hình 2. Tiến sĩ Xin Yaozhong, Chuyên gia trưởng của Hội đồng Điện lực Trung Quốc chia sẻ về chiến lược điều khiển mới của hệ thống điện Trung Quốc.
Trong bài trình bày thứ ba của buổi hội thảo, tiến sĩ Hui Dong đã giới thiệu sâu hơn về công nghệ GFM, từ các mô tả công nghệ cho đến các phạm vi ứng dụng phù hợp, và các ví dụ ứng dụng thực tiễn của GFM tại một số quốc gia. Mặc dù cho rằng cần đến thời gian vận hành thực tế đủ lâu để có thể đảm bảo chắc chắn tiềm năng vượt trội của công nghệ GFM, nhưng những kết quả tích cực từ các dự án thử nghiệm hiện tại giúp ông Hui Dong tự tin khẳng định rằng công nghệ này là một giải pháp tiềm năng cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc phát triển bền vững lưới điện.
Ỏ bài trình bày thứ tư, ông Hữu Đoàn đã giới thiệu về Smart String ESS 2.0 (Hệ thống lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh 2.0) tích hợp công nghệ GFM đến từ Huawei. Các đặc tính, năng lực công nghệ GFM của sản phẩm, cũng như thông tin về các dự án công nghệ GFM ở Trung Quốc và thế giới sử dụng sản phẩm cũng được ông Đoàn chia sẻ một cách cụ thể.
Hình 3. Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Quản lý Giải pháp Cấp cao của Huawei Digital Power SEAMC giới thiệu công nghệ mới từ Huawei.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả Hội thảo đã trao đổi về các thách thức và lời giải trong việc triển khai các biện pháp điều khiển mới trong hệ thống điện, và trong việc ứng dụng công nghệ GFM. Việc kiểm thử sản phẩm công nghệ GFM cũng được đề cập và làm rõ hơn. Bên cạnh đó, nhằm hướng tới tính thuyết phục của dự án thử nghiệm công nghệ GFM tại Việt Nam, việc lựa chọn phạm vi ứng dụng ưu tiên cho các dự án thử nghiệm sử dụng công nghệ GFM cũng được đặt ra và thảo luận cụ thể.
Hình 4. Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận về các thách thức và tiềm năng ứng dụng công nghệ Grid Forming tại Việt Nam.
Cuối buổi hội thảo, ông Trần Huỳnh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển, PECC2 và ông Liuyuchen, General Manager of Huawei Digital Power Vietnam đã cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong công tác đào tạo và nghiên cứu nhằm giúp PECC2 làm chủ công nghệ GFM từ vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế, triển khai thực hiện các dự án năng lượng, cũng như quản lý vận hành các nguồn điện. Hai bên đã thống nhất việc tổ chức các buổi hội thảo, khóa đào tạo chuyên sâu hơn trong tương lai, cũng như việc trao đổi các dữ liệu, mô hình mô phỏng công nghệ GFM để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các kỹ sư PECC2.
Hình 5. Tập thể chuyên gia, kỹ sư PECC2 và Huawei chụp hình kỷ niệm tại buổi hội thảo.
Hội thảo đã kết thúc trong không khí tích cực, để lại nhiều hy vọng về một tương lai bền vững cho hệ thống điện Việt Nam, nơi công nghệ tiên tiến như GFM sẽ góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Thực hiện: Hoàng Bảo