Bản tin tháng TV2
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP: Sự tiên phong và cam kết của Việt Nam hướng đến tương lai năng lượng sạch
25/12/2023 10:43
- 3364 lần đọc
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, vào ngày 1 tháng 12 năm 2023 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là cột mốc quan trọng thể hiện nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững.

Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

JETP (Just Energy Transition Partnerships) là cơ chế hợp tác tài chính được hình thành trong những năm gần đây nhằm hỗ trợ một số nền kinh tế mới nổi đang lệ thuộc nhiều vào than đá thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng. Mục đích là hỗ trợ các nước này tự xác định lộ trình từ bỏ sản xuất và tiêu thụ than đá để chuyển sang năng lượng sạch, có chú trọng đến giải quyết các tác động xã hội do quá trình chuyển dịch năng lượng, chẳng hạn như đào tạo và tạo công ăn việc làm thay thế cho các lực lượng lao động chịu ảnh hưởng và mang lại các cơ hội kinh tế mới cho các cộng đồng bị tác động.

Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng đầu tiên được thiết lập vào tháng 11 năm 2021 giữa Nam Phi và nhóm các đối tác quốc tế gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Liên minh Châu Âu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Anh. Theo đó, các đối tác quốc tế hứa cung cấp gói tài chính 8,5 tỷ USD cho Nam Phi.

Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng thứ hai là giữa Indonesia và các đối tác gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Na Uy, Vương quốc Anh, được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 năm 2022 tại Bali, Indonesia, với gói tài chính 20 tỷ USD.

Việt Nam là nước thứ 3 thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng vào tháng 12/2022 với các đối tác quốc tế (IPG) gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia, Canada, Đan Mạch và Na Uy, với gói tài chính 15,5 tỷ USD.

Hình 1. Các đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện JETP

Trên cơ sở Tuyên bố chính trị về việc thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng ký giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế (JETP), vào tháng 8 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị về việc thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023).

Thực hiện theo Đề án được duyệt, các Bộ ngành liên quan của Việt Nam đã phối hợp với Nhóm đối tác quốc tế xây dựng và hoàn thiện bản Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện JETP.

Sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là vào ngày 01 tháng 12 năm 2023, trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, Thủ tướng Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) này.

Hình 2. Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (Nguồn: vov.vn)

Kế hoạch RMP đưa ra thông tin chi tiết về khoản tài chính 15,8 tỷ USD (cao hơn so với mức 15,5 tỷ USD được cam kết tại JETP), trong đó IPG cung cấp 8,08 tỷ USD (cao hơn so với mức 7,75 tỷ USD nêu tại JETP) và Liên minh Tài chính Glasgow vì Net Zero (GFANZ) cung cấp 7,75 tỷ USD. Nguồn vốn công của IPG sẽ được cung cấp thông qua các công cụ và cơ chế tài chính khác nhau (các khoản tài trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi và các công cụ chia sẻ rủi ro,…). Các nguồn tài chính quốc tế này sẽ giúp khai thông và huy động thêm lượng tài chính lớn hơn từ khối tư nhân trong nước và khối tư nhân quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư rất lớn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Kế hoạch RMP tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ về cơ chế chính sách: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Tăng cường mức độ linh hoạt, hiệu suất và tối ưu hóa vận hành các nhà máy điện than hiện hữu; (4) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đẩy mạnh điện khí hóa; (7) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; (8) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (9) Bảo đảm chuyển đổi năng lượng công bằng.

Kế hoạch RMP đặc biệt chú trọng khía cạnh “công bằng” trong chuyển đổi năng lượng (Hình 3).

Hình 3. Khuôn khổ chuyển đổi năng lượng công bằng [1]

Kế hoạch RMP đưa ra danh mục các dự án hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư phù hợp với các mục tiêu nêu tại JETP. Điều đặc biệt là ngoài danh mục các dự án đầu tư được tổng hợp từ Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Kế hoạch RMP còn đưa ra danh mục 181 dự án đầu tư (thuộc các lĩnh vực: chuyển đổi điện than; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; truyền tải điện và lưu trữ năng lượng; hiệu suất năng lượng; chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải; và đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ), được Nhóm đối tác quốc tế, các ngân hàng và các tổ chức phát triển đề xuất bổ sung để đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. 

Kế hoạch RMP là văn kiện “sống”, sẽ được cập nhật thường xuyên trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng. Chính phủ Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế IPG sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác nhằm thực hiện RMP.

Ban Thư ký JETP và bốn Nhóm công tác, bao gồm: Nhóm Điều phối (chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư (chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhóm Công nghệ và Năng lượng (chủ trì: Bộ Công Thương), Nhóm Huy động Tài chính (chủ trì: Bộ Tài chính), đã được thành lập để triển khai thực hiện Kế hoạch RMP. 

Phát biểu của các nhà lãnh đạo trên thế giới đối với việc công bố Kế hoạch huy động nguồn lực của Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen: "Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện JETP, thể hiện sự tiên phong của Việt Nam trong việc mở đường cho một tương lai năng lượng sạch. EU tự hào là một phần của JETP và chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ những cải cách cần thiết nhằm đẩy nhanh đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo và nền kinh tế xanh”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak: “Kế hoạch huy động nguồn lực sẽ khai mở nguồn tài chính quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của Việt Nam từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế và khí hậu tham vọng, đồng thời đảm bảo rằng các cộng đồng và người lao động không bị bỏ lại phía sau – nhằm đem lại quá trình chuyển dịch phát thải ròng bằng 0 công bằng và công lý. Anh Quốc tự hào là một đối tác hỗ trợ quá trình chuyển dịch này”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau: “Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP của Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch của thế kỷ 21. Canada tiếp tục hỗ trợ vì năng lượng sạch hơn và sự xóa bỏ dần than đá ở Việt Nam và hướng đến tương lai nơi mà JETP sẽ đóng góp như một di sản toàn cầu về thực thi năng lượng có trách nhiệm và thịnh vượng được chia sẻ”.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen: “Xin chúc mừng Thủ tướng Chính và Chính phủ Việt Nam về bước đi quan trọng ngày hôm nay để thực thi JETP. Tại thời khắc quan trọng này của quá trình chuyển dịch của Việt Nam, Đan Mạch và Nhóm đối tác quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện theo lộ trình hướng đến mục tiêu đầy tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đan Mạch có hơn 40 năm kinh nghiệm thực hiện quá trình chuyển dịch xanh và đã minh chứng rằng chuyển dịch xanh là động lực tăng trưởng kinh tế xanh và việc làm. Chúng tôi cam kết chia sẻ các kinh nghiệm và phương pháp của mình để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam”.  

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực là cột mốc quan trọng mở ra con đường chuyển đổi năng lượng công bằng mà không ai bị bỏ lại phía sau. Nó thể hiện nỗ lực tập thể của chúng ta giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và tăng tốc sự dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch. Pháp sẵn sàng là một phần của đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng này nhằm đảm bảo tương lai bền bỉ và thịnh vượng cho người dân Việt Nam, thông qua giảm thiểu các hậu quả ô nhiễm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm; và tham chiếu nguyên tắc được soi rọi trong Hiệp ước Paris về Con người và Hành tinh, đó là không một đất nước nào cần phải lựa chọn giữa cuộc chiến chống đói nghèo và cuộc chiến vì hành tinh”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP hôm nay đánh dấu một bước đi quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và công bằng ở Việt Nam. Đức đánh giá cao các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và cam kết của Việt Nam về việc gia tăng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng khuôn khổ thích hợp và để thực hiện Kế hoạch một cách nhanh chóng. Đức cam kết cung cấp nguồn tài chính đáng kể để thực thi đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành làm việc với chính phủ, xã hội dân sự và khối tư nhân để đảm bảo quá trình công bằng và minh bạch nhằm đạt được các mục đích chung của chúng ta”.  

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực tập thể của chúng ta nhằm hỗ trợ và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vì một tương lai bền vững. Italy tự hào tham gia vào sáng kiến đầy tham vọng này và cam kết tiếp tục làm việc cùng đối tác”.

Thủ tướng Na Uy Jonas Ghar Støre: “Chúng tôi vui mừng về sự hoàn thành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP với Việt Nam. Bây giờ chúng ta có thể tập trung vào sự thực thi. Na Uy sẵn sàng đóng góp thông qua các khoản đầu tư và chia sẻ tri thức và kinh nghiệm”.  

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực hôm nay thể hiện một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và cam kết của Việt Nam trong việc đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải và đạt các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong sự nỗ lực quan trọng này nhằm tạo nền tảng và môi trường đầu tư cho một nền kinh tế xanh, năng động và công bằng, vì tương lai sạch hơn cho người dân Việt Nam”.

Thực hiện: Nhi Đỗ

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Socialist Republic of Viet Nam. Resource Mobilization Plan Implementing Viet Nam’s Just Energy Transition Partnership (JETP), November 2023. (Download: RMP_Viet Nam_Eng_(Final to publication).pdf (europa.eu))

[2] Launch of Resource Mobilisation Plan for JETP with Viet Nam (europa.eu)

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2