Hội nghị khí hậu thế giới COP28 kết thúc với những kết quả mang tính đột phá
Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã được tổ chức từ ngày 30/11 dến 13/12 tại Dubai, UAE nhằm đánh giá tổng thể các tiến bộ đạt được kể từ khi Thoả thuận Paris được thông qua vào năm 2015. Hội nghị đã kết thúc với những kết quả mang tính đột phá và lịch sử nhằm hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng công bằng; tăng cường tài chính khí hậu.
Hình 1. Hội nghị COP28 được tổ chức tại thành phố Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (Nguồn: Internet)
Những bước tiến quan trọng xây dựng hệ thống tài chính khí hậu
Một trong những kết quả đầu tiên của COP28 là việc các quốc gia đã đưa ra cam kết tài trợ cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại với tổng trị giá khoảng 660 triệu USD nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng và mất đa dạng sinh học.
Cụ thể, các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp cho quỹ 225 triệu EUR; Anh cam kết 60 triệu bảng Anh; Hoa Kỳ 17,5 triệu USD; Nhật Bản 10 triệu USD; nước chủ nhà UAE cam kết 100 triệu USD [1]. Việc các quốc gia nhất trí đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại chính thức đi vào hoạt động từ COP28 dưới sự điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) được xem là một tín hiệu đáng mừng cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, số tiền mà các quốc gia cam kết vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thiệt hại ước tính hàng năm, dao động từ 100 tỷ USD đến 580 tỷ USD [2].
Vai trò của khu vực tư nhân
COP28 cũng đã cho ra mắt Quỹ thị trường khí hậu tư nhân trị giá 30 tỷ USD. Quỹ này sẽ huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án phát thải cacbon thấp và chống chịu khí hậu, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nguồn vốn này sẽ tận dụng chuyên môn và nguồn lực của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Tài chính Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và nhiều tổ chức khác.
Xây dựng hệ thống năng lượng của tương lai
Nước chủ nhà của COP28 là UAE đã cho ra mắt Sáng kiến tăng tốc khử cacbon toàn cầu (The Global Decarbonization Accelerator). Sáng kiến này hoạt động như một kế hoạch hành động toàn diện nhằm khử cacbon trong hệ thống năng lượng hiện tại và xây dựng hệ thống năng lượng của tương lai. Một số hoạt động nổi bật trong GDA bao gồm:
Tăng gấp ba lần công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. 118 quốc gia thành viên đã cam kết các mục tiêu này nhằm giúp ngành năng lượng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hydro là một dạng năng lượng mới có thể giúp khử cacbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu. Nước chủ nhà UAE đã đưa ra tuyên bố về ý định hydro (UAE Hydrogen Declaration of Intent), với 39 quốc gia tán thành tiêu chuẩn chứng nhận hydro toàn cầu.
Cam kết làm mát toàn cầu (The Global Cooling Pledge) được hơn 60 quốc gia ký kết nhằm mục đích giảm 68% lượng khí thải từ các hoạt động làm mát vào năm 2050. Với việc các thiết bị làm mát hiện chiếm 20% lượng điện tiêu thụ trong các tòa nhà, cần có các hành động tiết kiệm cũng như các thiết bị làm mát thế hệ mới có hiệu suất cao hơn. Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết.
Hiến chương khử cacbon trong khai thác dầu và khí đốt cũng đã được đồng thuận bởi 50 công ty chiếm hơn 40% sản lượng dầu khí toàn cầu. Các bên ký kết cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đối với phát thải Phạm vi 1 và 2 (nghĩa là tập trung vào phát thải từ sản xuất chứ không phải từ sử dụng).
Hình 2. Đại diện các quốc gia tham gia Cam kết làm mát toàn cầu tại COP28 (Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/)
Cắt giảm phát thải khí mêtan
Khí mêtan là nguyên nhân của khoảng 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra kể từ Cách mạng Công nghiệp. Khí thải mêtan có nguồn gốc từ các ngành công nghiệp như dầu mỏ và khí đốt; từ các hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi; từ rác thải sinh hoạt. Với tốc độ hiện nay, tổng lượng khí thải mêtan từ các hoạt động của con người có thể tăng tới 13% trong khi thực tế cần giảm từ 30% đến 60% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2030 để đạt các mục tiêu khí hậu.
150 quốc gia đã tham gia ký kết Cam kết mêtan toàn cầu nhằm mục đích giảm ít nhất 30% lượng khí thải mêtan so với mức năm 2020 vào năm 2030. Hơn 1 tỷ USD tài trợ đã được công bố để hỗ trợ cắt giảm khí mêtan và các loại khí nhà kính không phải CO2 ở các nước đang phát triển.
Hướng sự chú ý đến năng lượng hạt nhân
Lần đầu tiên năng lượng hạt nhân được chính thức xác định là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong một Thỏa thuận COP. Tại COP28 năm nay, 24 quốc gia đã ủng hộ Tuyên bố cấp Bộ trưởng kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050.
Tuyên bố cho biết các quốc gia thừa nhận sự cần thiết phải tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân để đạt được "mức trung hòa cacbon/khí thải nhà kính toàn cầu vào khoảng giữa thế kỷ này và duy trì giới hạn tăng nhiệt độ 1,5 độ C ". Tuyên bố cũng công nhận rằng các công nghệ hạt nhân mới có nhiều ưu điểm như chiếm diện tích đất nhỏ; có thể được bố trí ở những nơi cần thiết; kết hợp giúp đảm bảo ổn định cho các nguồn năng lượng tái tạo và có thể linh hoạt hỗ trợ các ngành công nghiệp khó đạt được mức khử cacbon.
Cam kết đạt mục tiêu tăng ít nhất ba lần công suất điện từ năng lượng hạt nhân vào năm 2050 cũng đã được công bố sau đó bởi các công ty từ hơn 140 quốc gia phù hợp với Tuyên bố cấp Bộ trưởng.
Hình 3. Lãnh đạo các quốc gia trong phiên họp chung về tăng công suất năng lượng hạt nhân lên gấp 3 lần vào năm 2050 (Nguồn: Emmanuel Macron/X)
Thỏa thuận lịch sử trong đàm phán về khí hậu
Kéo dài hơn gần một ngày so với lịch trình ban đầu, các cuộc đàm phán căng thẳng tại COP28 đã kết thúc với việc đạt được thỏa thuận cuối cùng của gần 200 quốc gia trên thế giới về “sự chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Đây là lần đầu tiên cộng đồng thế giới thông qua một văn bản rõ ràng về sự cần thiết phải loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bằng cách đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, công bằng, Thỏa thuận COP28 được coi là báo hiệu cho “sự khởi đầu của kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch”.
Thỏa thuận COP28 đã nêu ra một số biện pháp chính nhằm chuyển đổi công bằng, theo trình tự và bình đẳng khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050; đặt mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030; khuyến khích các quốc gia giảm sử dụng nhiên liệu than, áp dụng các nguồn năng lượng thay thế sạch hơn và hỗ trợ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thu hồi và lưu trữ cacbon (CCS).
Hình 4. Phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị COP28 (Nguồn: UN)
Hoạt động của Việt Nam tại COP28
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị và dự Lễ khai mạc COP28. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kể từ Hội nghị COP26 đến nay, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng Quy hoạch Điện VIII hướng đến tương lai năng lượng sạch; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); ban hành và thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng luật pháp theo hướng hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, v.v..
Hình 5. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP28 (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả và cố gắng hơn nữa vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, sự mát lành của Trái Đất và vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên thế giới.
Các hành động cần thiết sau COP28
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 đã kết thúc với một thỏa thuận chưa từng có nhằm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, đánh dấu một bước quan trọng trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu. Cam kết chuyển đổi khỏi dầu, khí đốt và than đá cũng như nhấn mạnh vào năng lượng tái tạo và công nghệ CCS thể hiện quyết tâm chung nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về tính bền vững. Mặc dù có những thách thức và sự phản đối, các kết quả đạt được tại Hội nghị COP28 phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng về tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính. Giờ đây, trọng tâm chuyển sang biến thỏa thuận này thành những hành động cụ thể nhằm định hình một tương lai xanh hơn, bền vững hơn cho các thế hệ mai sau. Các hành động hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng có thể kể đến như mở rộng quy mô đổi mới với các công nghệ xanh; thu hẹp khoảng cách trong đầu tư năng lượng sạch giữa các quốc gia; tăng cường hợp tác và tiếp cận các giải pháp khử cacbon một cách toàn diện; tăng tốc phát triển, cấp phép và cung ứng năng lượng mới.
Lược dịch và tổng hợp: Phạm Đức Trung
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo điện tử Tài Nguyên và Môi Trường. COP28: Những bước tiến về tài chính khí hậu. https://baotainguyenmoitruong.vn/cop28-nhung-buoc-tien-ve-tai-chinh-khi-hau-367776.html
[2] McKinsey. COP28: Wrap-up. https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/sustainability-blog/cop28-wrap-up
[3] McKinsey. COP28: Energy. https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/sustainability-blog/cop28-energy
[4] Tunley Environmental. COP28 Summary. https://www.tunley-environmental.com/en/insights/cop28-summary
[5] DFGE. COP28 – Results, Key Findings and Summary. https://dfge.de/cop28-results-key-findings-and-summary/
[6] United Nations. COP28 ends with call to ‘transition away’ from fossil fuels; UN’s Guterres says phaseout is inevitable. https://news.un.org/en/story/2023/12/1144742