Bản tin tháng TV2
Biến đổi Thái độ và Hành động: Chiến lược giúp lãnh đạo cấp cao xây dựng thành công văn hóa công ty
22/12/2023 10:10
- 4264 lần đọc
Một văn hóa công ty vững mạnh là yếu tố quan trọng tạo dựng nên thành công trong thị trường cạnh trạnh khốc liệt, ngược lại văn hóa yếu kém sẽ là hồi chuông báo tử cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong quản lý công ty, bởi đó là công cụ triển khai chiến lược, tạo động lực cho người nhân viên và sức mạnh đoàn kết của tổ chức.

Sự khác biệt trong ý thức

Trong những năm gần đây, sự thành công hoặc thất bại của một công ty thường được lý giải một cách ngắn gọn "đó là do văn hóa công ty họ". Văn hóa doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng định hình cho việc chiến thắng trong thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, hiểu đúng văn hóa không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì nó phản ánh những giá trị, tư duy, hành động có ý thức và hành vi hàng ngày của các thành viên công ty đó.

Nền văn hóa không thể được đánh giá là đúng hay sai, mà cần được đánh giá trong bối cảnh công ty hoạt động. Các nhà lãnh đạo cần nhận biết được khi một phần văn hóa của họ trở nên không còn phù hợp với thách thức hiện tại hoặc tương lai và cần thực hiện các biện pháp cải thiện.

Theo kết quả khảo sát văn hóa doanh nghiệp của Dale Carnegie & Associates với những nhà lãnh đạo cấp cao ở bốn quốc gia (Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và Indonesia) để đánh giá nhận thức của họ về sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp và thái độ của họ về tầm quan trọng và ảnh hưởng của văn hóa, cũng như những hành động mà họ thực hiện để cải thiện văn hóa. Chỉ có 21% nhân sự được khảo sát mô tả công ty của họ có nền văn hóa mạnh. Trong số đó, Dale Carnegie & Associates thực hiện đánh giá bổ sung và tìm ra những công ty được xem là “quán quân văn hóa” là những công ty có kết quả tài chính vượt trội, tỷ lệ nghỉ việc thấp và mức độ gắn kết của nhân viên cao hơn so với các công ty cùng ngành.

Nguồn: Internet

Thách thức đối với việc kiến tạo một nền văn hóa mạnh

Nghiên cứu cho thấy rằng nhân viên đến từ các phòng ban khác nhau thường có nhận thức khác nhau về văn hóa công ty. Thêm vào đó, vì văn hóa thường ăn sâu bám rễ và quen thuộc nên gây khó khăn cho những người trong tổ chức nhìn nhận nó một cách rõ ràng.

Thậm chí ngay cả khi các nhà lãnh đạo có được tầm nhìn toàn diện về văn hóa doanh nghiệp của mình thì cũng không đơn giản để thực hiện thay đổi. Văn hóa doanh nghiệp có chiều sâu và liên quan đến mọi khía cạnh của tổ chức nên rất khó để chuyển đổi. Thêm vào đó, thành công của công ty tự nó có thể thành rào cản đối với sự đổi thay: các thành tố văn hóa doanh nghiệp giúp cho công ty tăng trưởng trước đây có thể trở thành các trở ngại khi môi trường kinh doanh tiến triển.

Sự tiến bộ của công nghệ và các cách thức làm việc mới cũng làm phức tạp thêm việc quản lý văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp thường xuất phát từ sự tương tác và học hỏi chung, nhưng trong môi trường làm việc hiện đại, mối quan hệ công việc trở nên tạm thời và thiếu sự kết nối trực tiếp. Các kênh truyền thông mạng xã hội là nguồn thông tin mà công ty khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến cách nhân viên nhìn nhận về công ty.

Các nhà lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh rằng minh bạch tại nơi làm việc là một thách thức để duy trì văn hóa hiệu quả cao. Áp lực nâng cao năng suất và giữ chân nhân viên cũng là những thách thức quan trọng đối với việc tạo lập và duy trì một văn hóa doanh nghiệp tích cực.

Sự phát triển tại nơi làm việc là những thách thức trong việc tạo dựng nền văn hóa hiệu quả (1)

Trước những thách thức này, quản lý văn hóa hiệu quả phụ thuộc chủ yếu vào thái độ và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao.

Thái độ

Phù hợp với câu nói của Dale Carnegie “Suy nghĩ của chúng ta tạo nên bản thân chúng ta”, tư duy cùng với thái độ của những người lãnh đạo doanh nghiệp quán quân văn hóa là khác biệt so với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác về văn hóa doanh nghiệp.

Các nhà lãnh đạo tin rằng văn hóa ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh và là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu kinh doanh. Có 92% các lãnh đạo từ các công ty thành công tin điều này.

Thái độ của lãnh đạo cấp cao với tác động của văn hóa doanh nghiệp (1)

Nền văn hóa tích cực và lành mạnh thúc đẩy hiệu quả kinh doanh bằng cách tạo ra môi trường làm việc gắn kết, nơi nhân viên được động viên và truyền cảm hứng.

Khác biệt về thái độ cũng tác động đến sự gắn kết đội ngũ. 92% giám đốc điều hành của nhóm các nhà quán quân văn hóa tin rằng có được những nhân viên gắn kết cao tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh doanh hoặc đạt được các mục tiêu kinh doanh.

Các nhà lãnh đạo quán quân văn hóa xác định việc đào tạo nhân viên, chú trọng vào khách hàng, tin tưởng vào lãnh đạo cấp cao, chiến lược và mục tiêu rõ ràng và khuyến khích mối quan hệ bền chặt giữa nhân viên và người quản lý là những lĩnh vực trọng tâm.

Các lĩnh vực trọng tâm quan trọng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả theo các nhà lãnh đạo quán quân văn hóa (1)

Việc kiến tạo và duy trì một văn hóa doanh nghiệp mong muốn là một quá trình thường xuyên và liên tục. Kể cả những nhà lãnh đạo quán quân văn hóa cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp họ vẫn còn rất nhiều điểm cần cải thiện.

Hành động

Các hành động cần theo sau thái độ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo quán quân văn hóa không chỉ hiểu rõ về tầm quan trọng của văn hóa mà còn hành động nhằm cải thiện văn hóa của họ. Điều này cũng phù hợp câu nói nổi tiếng của Dale Carnegie: “Kiến thức không phải là sức mạnh cho đến khi nó được áp dụng”.

Khoảng 84% nhà lãnh đạo quán quân văn hóa chủ động hành động nhằm hoàn thiện văn hóa công ty họ, so với chỉ 66% lãnh đạo khác. Những người ủng hộ văn hóa hiệu quả liên tục củng cố các yếu tố đang giúp tổ chức thành công và thay đổi những yếu tố không còn hiệu quả khi môi trường cạnh tranh thay đổi.

Nhằm thực hiện gắn kết nhân viên, theo các lãnh đạo, ba điều hàng đầu mà họ đang làm là đào tạo phát triển (43%), cải thiện điều kiện làm việc (37%) và xây dựng lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng (30%).

Những người ủng hộ văn hóa hiệu quả nhận ra rằng để củng cố nền văn hóa, họ không thể làm điều đó một mình. Các nhà lãnh đạo cấp cao có tác động thông qua lời nói và hành động, trong khi những nhà lãnh đạo khác trong tổ chức cũng đóng góp vào việc củng cố văn hóa. Khi lãnh đạo ở các cấp thấp hơn đi chệch hướng cũng là một trong những rào cản của văn hóa. Kết quả khảo sát, cho thấy các nhà lãnh đạo cấp trung hoặc các nhân sự quản lý trực tiếp có ảnh hưởng nhiều nhất đến văn hóa công ty. Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc tham gia củng cố văn hóa tổ chức của các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ.

Việc tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp hiệu quả và gắn kết là không dễ dàng và là vấn đề thời sự thường được đề cập trong giới doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có tác động đến mọi thứ, từ chiến lược đến sự gắn kết của nhân viên và hiệu quả tài chính nên các nhà lãnh đạo cấp cao cần có sự quan tâm đúng mức. Mỗi công ty cần dành cho văn hóa sự ưu tiên và xác định rõ hướng đi của mình về một nền văn hóa vượt trội, trước hết bằng thái độ đúng đắn và cầu thị học hỏi từ những câu chuyện xây dựng văn hóa thành công.

Lược dịch: Quỳnh Sa

Nguồn tham khảo: (1) https://www.dalecarnegie.com/en/resources/transforming-attitudes-and-actions "Transforming Attitudes and Actions: How Senior Leaders Create Successful Workplace Cultures" của Dale Carnegie Research Institute.

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2