Bản tin tháng TV2
Bí quyết của nhà nữ chính trị và ngoại giao về 7 nguyên tắc đàm phán hiệu quả
21/12/2023 14:53
- 2786 lần đọc
Đàm phán được xem là một kỹ năng đặc biệt quan trọng trong công việc và cuộc sống hàng ngày và được nhắc đến như là một phương pháp giải quyết vấn đề có xung đột, mâu thuẫn nhằm đạt được đồng thuận và đáp ứng được mong muốn của các bên. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá 7 nguyên tắc đàm phám đạt được hiệu quả do Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập chia sẻ tại cuộc Gặp gỡ nhà lãnh đạo thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới.

Tiến sĩ Rania Al-Mashat, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập, là một nhà kinh tế và chính trị gia thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Với vai trò của Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập đòi hỏi bà phải làm việc với nhiều tổ chức và nhóm trên khắp thế giới (bao gồm các tổ chức quốc tế đa phương như Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, cũng như các tổ chức song phương như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) trong nỗ lực tạo ra những thay đổi trong nhiều lĩnh vực, bà khẳng định kỹ năng đàm phán hiệu quả là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

Trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc hay công cuộc giải quyết khủng hoảng khí hậu trên thế giới luôn đối diện với nhiều  rủi ro cao với các giải pháp đề xuất đều phức tạp và ngay cả khi các bên tham gia đàm phán cùng đồng ý về các thỏa thuận cuối cùng nhưng giữa họ lại luôn có những định hướng khác nhau - những con đường khác nhau để đi đến đích.

Gần đây, trong chuỗi chương trình phỏng vấn Gặp gỡ nhà lãnh đạo của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF) tại New York khi đang tham dự các Cuộc họp về tác động phát triển bền vững năm 2023, bà Al-Mashat đã chia sẻ cách tiếp cận của mình để đàm phán hiệu quả và giải thích những yếu tố chung mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng có thể thực hiện nhằm giúp cuộc đàm phán đi đến kết quả tốt đẹp.

Hình 1. Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Rania Al-Mashat chia sẻ. (Nguồn: World Economic Forum)

1. Biết các ưu tiên của mình - và của đối phương

Chìa khóa mấu chốt của bất kỳ cuộc đàm phán nào là các bên hiểu được điều mà mình (và đối phương) mong muốn đạt được bằng cách hãy tự hỏi "mục tiêu của mình là gì và mình kỳ vọng đạt được gì sau cuộc thảo luận này?"

Luôn ghi nhớ rằng khi đàm phán, hãy đảm bảo rằng những ưu tiên của các bên liên quan phải được xác định và cùng đạt được mục đích mà mỗi bên muốn hướng đến, điều này có thể đóng vai trò quyết định - và giúp chúng ta định hình các cuộc thảo luận của mình về sau.

2. Tìm điểm chung kết nối

Tiếp theo, hãy thiết lập điểm chung giữa bạn và các bên đối tác.

Ví dụ, là một Bộ chịu trách nhiệm về SDGs, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Al-Mashat lưu ý rằng bà thúc đẩy các dự án có ảnh hưởng đến toàn thế giới và từ đó rút ra những điểm tương đồng với các tổ chức khác. Bà cũng gợi ý nên tự hỏi bản thân: “Cả hai chúng ta đều đồng ý về điều gì? Mẫu số chung ở đâu?”

3. Sử dụng các cụm từ mang tính xây dựng mối quan hệ

Hãy luôn chú trọng ngôn từ của bạn và sử dụng chúng một cách cẩn thận. Các cụm từ như "sự liên kết", "một ví dụ cần nhân rộng" hoặc "khối hợp nhất" thể hiện cho thấy rằng bạn đang chủ động cùng tìm ra giải pháp phù hợp và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đối tác chứ không phải chỉ mang tính chất giao dịch, trao đổi có lợi từ một phía. Điều này cũng có thể ứng dụng trong thảo luận của một dự án hoặc sáng kiến cụ thể.

Ngôn ngữ có thể giúp các bên lấy lại tinh thần thoải mái và tập trung hơn vào cuộc đàm phán trong những tình huống căng thẳng áp lực. Bà Al-Mashat dành lời khuyên cho các bên khi đàm phán cần "bổ sung" cho nhau bằng việc đề cập đến những hợp tác mang lại kết quả tích cực trong quá khứ để giúp thúc đẩy cuộc đàm phán tiến triển theo hướng tốt đẹp.

4. Xây dựng dựa trên niềm tin

Sự tin tưởng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong đàm phán. Bạn cần lưu ý những việc đối thoại hoặc tương tác với đối phương diễn ra trước khi cuộc đàm phán bắt đầu có thể có lợi nhưng hoàn toàn cũng có thể gây bất lợi trong suốt cuộc đàm phán xảy ra sau đó.

Trong vấn đề này, bà Al-Mashat nhấn mạnh sự nhất quán của chúng ta rất quan trọng - hãy là người mà mọi người có thể tin cậy, người mà mọi người có thể tin tưởng để làm những gì bạn nói bạn sẽ thực hiện.

Bà giải thích thêm: “Giả sử rằng hôm nay tôi đang đàm phán với một đối tác phát triển nào đó, việc đề cập tới các dự án trước đây của chúng tôi hoặc các cuộc đàm phán trước đó đã mang lại kết quả tốt đẹp sẽ tạo tiền đề cho sự tin tưởng, phản ánh tích cực tổ chức của tôi cũng như gây dựng lòng tin cho đối tác”.

5. Tạo dựng mối quan hệ đối tác đáng tự hào

Đối với Tiến sĩ Al-Mashat, sứ mệnh của Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế là làm những điều tích cực bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, những mục tiêu này là điều đáng tự hào và bản thân thành tích này cũng là một công cụ hữu dụng trong đàm phán.

“Hãy thử và suy nghĩ một cách sáng tạo về việc tìm ra điểm chung và khiến đối tác mà bạn đang đàm phán cảm thấy tự hào về mối quan hệ hợp tác của họ với bạn. Điều này chắc chắn mang lại kết quả tích cực”, bà nói.

Tạo dựng niềm tự hào về mối quan hệ đối tác bằng tư duy đổi mới là trọng tâm của chiến lược xây dựng các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Ai Cập hiện nay. Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Al-Mashat cho biết, việc xây dựng một công cụ đổi mới để thể hiện giá trị của nguồn tài trợ bằng cách hoạch định chi tiết việc mỗi đô la đầu tư liên quan đến SDGs của Liên hợp quốc như thế nào đã mang đến sự rõ ràng và minh bạch để đảm bảo Chương trình Nghị sự 2030 đạt được thành công.

Hình 2. 17 mục tiêu phát triển bền vững (Nguồn: Internet)

6. Hãy để sự tò mò dẫn dắt bạn

Những cuộc đàm phán thành công có thể được thúc đẩy bởi cảm giác khám phá và tìm kiếm những sự liên kết các mục tiêu. Bà Al-Mashat cho rằng niềm yêu thích học tập đã giúp ích cho bà trong vai trò hiện tại. Bà chia sẻ: “Việc giáo dục bản thân là vô cùng quan trọng. Cộng tác, lắng nghe, trao đổi ý tưởng… trong các hội nghị, cũng như với đồng nghiệp và với các nhóm mà tôi làm việc cùng giúp tôi luôn nảy ra những ý tưởng mới.”

Việc tương tác với mọi người và luôn tỏ ra cầu thị với tinh thần khiêm tốn, sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng đổi mới giúp triển khai đúng lúc và nắm bắt cơ hội trong đàm phán.

7. Kiên nhẫn và tự tin

Cuối cùng, Bộ trưởng Al-Mashat cho rằng sự kiên nhẫn cũng là một công cụ đàm phán quan trọng - một công cụ có thể giúp chúng ta tiếp cận sự thay đổi và đẩy nhanh các cuộc đàm phán đi đến thỏa thuận cuối cùng theo đúng định hướng ban đầu.

Một cuộc đàm phán có thể là nền tảng cho các dự án trong tương lai, vì thế bạn cần có tư duy nhìn xa trông rộng bằng việc tạo dựng mối quan hệ đối tác dài hạn nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển.

Bà Al-Mashat cho rằng: “Bạn cần cố gắng thúc đẩy, nỗ lực truyền cảm hứng, nhưng đồng thời, bạn cũng luôn phải chú ý đến những người xung quanh mình”.

Và chiến thuật số một mà mọi người có thể sử dụng trong đời sống công việc hàng ngày để nâng cao hiệu quả là gì? Đó chính là sự tự tin. Bạn đừng bao giờ tự đánh giá thấp những đóng góp mà bản thân đã thực hiện bởi vì tất cả những đóng góp đều có giá trị, từ những việc nhỏ nhất – ví dụ như việc đề cập đến một số liệu thống kê trong cuộc họp cho đến việc thực sự cố gắng thay đổi chính sách.”

Hiểu rõ và ứng dụng những nguyên tắc này trong các cuộc đàm phán có thể giúp chúng ta tìm ra những giải pháp phù hợp và đạt được mục tiêu kỳ vọng của mình trong quá trình đàm phán với đối tác.

Quý độc giả có thể nghe trực tuyến phần chia sẻ của Tiến sĩ Rania Al-Mashat dưới đây:

                                                                                            Lược dịch: An Phạm

Tham khảo:

7 traits effective negotiations share: A diplomat shares her approach | World Economic Forum (weforum.org)

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2