Bản tin tháng TV2
Cần hiểu đúng các khái niệm, thuật ngữ và các thỏa thuận trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
24/09/2023 13:29
- 2930 lần đọc
Thế giới đang chứng kiến diễn biến nhanh chóng và ngày càng khốc liệt của quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã cùng thống nhất các mục tiêu chung và định kỳ hàng năm rà soát lại các tiến bộ đạt được cũng như đề ra các kế hoạch hành động phù hợp. Bài viết giới thiệu về các khái niệm, thuật ngữ và các thỏa thuận giữa các nước để chúng ta có cách hiểu đúng và cùng hành động trong cuộc chiến lâu dài và đầy thách thức này.

COP là gì?

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là hội nghị thường niên được tổ chức giữa các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đánh giá tiến bộ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và lập kế hoạch hành động theo hướng dẫn của UNFCCC. Do đó các hội nghị này được gọi tên chính thức là Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP - Conference of the Parties). Tham gia Hội nghị gồm có các quốc gia thành viên, các tổ chức, quan sát viên, các học giả môi trường và xã hội.

Hội nghị đầu tiên (COP1) được tổ chức tại Berlin, CHLB Đức vào năm 1995. Từ đó đến nay đã có thêm 26 kỳ Hội nghị được tổ chức với lần gần nhất là COP27 được tổ chức tại Sharm El Sheikh, Ai Cập vào năm 2022.

Các kỳ hội nghị COP đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình. Các quyết định của COP chỉ được đưa ra với sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên.

Một số thành tựu lớn đạt được tại các COP:

Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris

Nghị định thư Kyoto được ký kết năm 1997, là một hiệp ước quốc tế mang tính bước ngoặt trong đó các bên ký kết đồng ý cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hiệp ước là kết quả của Hội nghị COP3 tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản. Năm 2012, Nghị định này đã được thống nhất gia hạn đến năm 2020.

Thỏa thuận chung Paris, còn được gọi là Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết vào năm 2015 tại COP21. Tại đây, các quốc gia thành viên đã thông qua mục tiêu chính của thỏa thuận là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Mỗi quốc gia phải theo dõi, ghi chép và báo cáo lượng khí thải cacbon cũng như nỗ lực giảm thiểu và bù trừ chúng.

Tính đến nay, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris là những thành tựu quan trọng nhất thể hiện sự chung tay của các quốc gia trên thế giới trong quá trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nghị định thư về Phát triển bền vững của khí nhà kính (KNK) của Viện Tài nguyên Thế giới & Hội đồng Kinh doanh Thế giới là tiêu chuẩn ban đầu cho việc thống kê khí nhà kính, cung cấp một khuôn khổ để đo lường và báo cáo lượng phát thải. Nghị định thư này bao gồm ba phạm vi chính:

  • Phạm vi 1 (scope 1) - tất cả lượng phát thải KNK phát sinh trực tiếp từ các nhà máy, hoạt động của một tổ chức, lượng khí thải này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổ chức.
  • Phạm vi 2 (scope 2) - Phát thải gián tiếp phát sinh từ việc tổ chức mua điện, năng lượng để sử dụng cho hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đây là lượng phát thải được tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng của các đơn vị cung cấp năng lượng, nhưng được tổ chức mua lại để sử dụng cho hoạt động, sản xuất.
  • Phạm vi 3 (scope 3) - Tất cả các phát thải gián tiếp khác phát sinh từ các hoạt động có liên quan từ chuỗi giá trị, xuất phát từ các nguồn mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát.

Kết quả thỏa thuận đạt được giữa các bên tại COP gần nhất

Hội nghị COP27 là hội nghị gần đây nhất được tổ chức tại Ai Cập cho thấy thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đạt được mục tiêu 1,5 độ C. Để giảm lượng khí thải đến mức cần thiết, các quốc gia sẽ cần phải thực hiện các hành động bổ sung khẩn cấp nhằm giảm thiểu và loại bỏ khí thải.

COP27 đã thông qua điều khoản các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Theo thỏa thuận, các nước phát triển có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Điều này nhằm tăng cường khả năng phục hồi cho hàng tỷ người sống ở những khu vực địa lý dễ bị tổn thương hơn trước các hiểm họa khí hậu.

Các nước tham gia COP27 cũng nhất trí tiếp tục cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C cũng như cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Sau COP27 có thêm khoảng 50 quốc gia tham gia vào cam kết này. Lượng phát thải ròng bằng 0 vẫn là mục tiêu chính nhưng an ninh năng lượng, khả năng phục hồi và khả năng chi trả cũng quan trọng không kém.

Hình 1. Logo Hội nghị COP28 (Nguồn: Reuters)

Các hoạt động được mong chờ tại COP28

COP28 được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đăng cai tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Dubai sẽ thực hiện “kiểm kê toàn cầu” lần đầu tiên. Hoạt động này được thực hiện trong vòng 2 năm nhằm cung cấp đánh giá toàn diện về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ Thỏa thuận Paris. Mục tiêu là để điều chỉnh các nỗ lực hành động vì khí hậu, bao gồm các biện pháp nhằm thu hẹp và giải quyết các thách thực hiện hữu.

COP28 cũng sẽ nêu bật các sáng kiến thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thuộc bốn chủ đề chính: sức khỏe, nước, thực phẩm và thiên nhiên. Đây cũng sẽ là hội nghị đầu tiên mở rộng sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm các lĩnh vực phát thải cao và các tổ chức dầu khí tư nhân. Lượng khí nhà kính từ ngành dầu khí hiện chiếm khoảng 15% tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng trên toàn cầu.

Hình 2. Phát thải khí nhà kính (Nguồn: Internet)

Khí nhà kính là gì?

Khí nhà kính (greenhouse gas) là các loại khí ngăn cản sự phản xạ nhiệt từ Trái Đất ra ngoài vũ trụ và gây tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất, giống như trong các nhà kính để trồng thực vật. Lượng khí nhà kính trong khí quyển càng nhiều sẽ dẫn tới tốc độ nóng lên và nhiệt độ trung bình trên toàn cầu càng cao. Các loại khí nhà kính có thể kể đến như cacbon dioxit (CO2), khí metan và sulfur dioxit (SO2). Trong đó CO2 là nguyên nhân gây ra khoảng 3/4 hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo NASA, nếu không có khí nhà kính nhiệt độ trung bình trên Trái Đất sẽ là khoảng –18 độ C thay vì ở mức 15 độ C như hiện nay.

Khoảng giữa những năm 1700, khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất,  con người khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch với quy mô lớn, làm thải ra các loại khí nhà kính vào khí quyển.

Tại sao giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C?

Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 1,2 độ C. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng mức tăng 1,5 độ C là ngưỡng mà nếu bị vượt qua, tác động của biến đổi khí hậu sẽ là rất nghiêm trọng đối với con người, động vật hoang dã, hệ sinh thái. Các tác động này là không thể đảo ngược và đòi hỏi mọi bộ phận của nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng chung tay cắt giảm khí thải nhà kính.

Tại COP26 vào năm 2021, các chính phủ đã đồng ý sẽ tập trung vào lộ trình giới hạn mức tăng 1,5 độ C thay vì lộ trình mục tiêu 2 độ C của Thỏa thuận Paris. Nhiều quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp đã cam kết cắt giảm phát thải cacbon hoặc đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong những năm tới nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức này.

Trung hòa cacbon (Carbon Neutral)

Trung hòa cacbon là một thuật ngữ đã được sử dụng trong một thời gian dài. Trung hòa cacbon bao gồm việc đánh giá lượng cacbon thải ra, đồng thời tìm cách giảm lượng cacbon thải ra cũng như bù đắp lượng khí thải này bằng cách loại bỏ một lượng CO2 tương đương khỏi khí quyển. Trung hòa cacbon thường chỉ sử dụng để đánh giá lượng phát thải cacbon thay vì bao gồm cả các loại khí nhà kính khác như metan, sulfur dioxit v.v.

Các hoạt động trên còn được gọi là bù đắp carbon (carbon offset) và thực hiện thông qua việc trồng rừng, đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc sử dụng các công nghệ thu hồi và lưu trữ cacbon (CCS).

Vì không có mức giảm phát thải cụ thể nào phải đạt được nên việc trung hòa cacbon vẫn có nghĩa là có thể tạo ra lượng khí thải đáng kể. Cacbon neutral chỉ bao gồm phát thải khí nhà kính ở Phạm vi 1 và 2.

Phát thải ròng bằng 0 (Net zero)

Rộng hơn so với trung hòa cacbon, net zero hay mức phát thải ròng bằng 0 đạt được khi lượng phát thải khí nhà kính bằng với lượng khí nhà kính được loại bỏ hoặc hấp thụ hàng năm. Các loại khí nhà kính được loại bỏ (khử) khỏi bầu khí quyển bằng cách giảm sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Để đạt được Net zero, việc loại bỏ khí nhà kính cần phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm xây dựng, vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và sử dụng đất.

Net zero bao gồm các Phạm vi khí nhà kính 1, 2 và 3. Trong đó, phạm vi 3 bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị của công ty, từ nguồn cung cấp được mua cho đến quá trình xử lý cuối vòng đời sản phẩm, đây là một cam kết lớn hơn nhiều để tính toán. Phát thải phạm vi 3 đôi khi được gọi là phát thải chuỗi giá trị và thường có thể là chìa khóa để giúp một công ty đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Lộ trình đạt đến Net zero được xác định bởi Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Rất nhiều quốc gia đã cam kết đạt được Net zero vào giữa thế kỷ này. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2021 cho thấy nếu thế giới đạt được Net zero vào năm 2050, thì sự nóng lên toàn cầu có thể được kiềm chế ở mức khoảng 1,5  độ C.

Hình 3. COP27 và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (nguồn: internet)

10 nội dung chính liên quan đến COP27 mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý

Dựa trên các cuộc trò chuyện với lãnh đạo các chính phủ, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và các đại biểu chính thức tại COP27, hãng tư vấn McKinsey đã đưa ra 10 điểm chính cần chú ý để đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu net zero và sự bền vững về năng lượng:

  1. Khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
  2. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tập trung vào các mục tiêu dài hạn đồng thời điều chỉnh theo thực tế, cân bằng khả năng hồi phục của doanh nghiệp với các cam kết net zero.
  3. Khu vực công và tư nhân nên đặt niềm tin và tiếp tục đầu tư quy mô lớn vào năng lượng xanh.
  4. Các công nghệ xanh mới đầy hứa hẹn cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, các công nghệ này bao gồm thu hồi carbon và hỗ trợ đẩy mạnh nông nghiệp bền vững.
  5. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch cho đợt tái phân bổ vốn lớn nhất trong lịch sử. McKinsey ước tính rằng chi tiêu vốn cho tài sản trong quá trình chuyển đổi sang net zero sẽ cần tăng thêm 3,5 nghìn tỷ USD hàng năm cho đến năm 2050.
  6. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên như trồng rừng và cải thiện đa dạng sinh học có thể giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu và suy giảm tự nhiên.
  7. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên hợp tác giữa các hệ sinh thái, thu hút sự tham gia của cộng đồng tư nhân, công chúng và các tổ chức từ thiện trong các nỗ lực bền vững.
  8. Các nhà lãnh đạo nên tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi công bằng tại các quốc gia có thu nhập thấp, những quốc gia này nhìn chung có nhiều khả năng phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu.
  9. Châu Phi sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Quá trình chuyển đổi năng lượng tuần tự ở châu Phi có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế quan trọng trong khu vực.

10. Lãnh đạo các doanh nghiệp và chính phủ nên chuyển từ cam kết sang hành động thực tế tại hội nghị COP28. Hội nghị được tổ chức vào năm nay được dự đoán sẽ có nhiều cam kết hơn từ các doanh nghiệp, quốc gia và các liên minh.

Lược dịch và tổng hợp: Phạm Đức Trung

Tài liệu tham khảo:

[1] McKinsey & Company. What is COP?. https://www.mckinsey.com/featured-insights/mckinsey-explainers/what-is-cop

[2] World Economic Forum. Carbon neutral and net zero – what do they mean? https://www.weforum.org/agenda/2022/08/carbon-neutral-net-zero-sustainability-climate-change/

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2