Bản tin tháng TV2
Vai trò và đóng góp của PECC2 vào phát triển các nguồn nhiệt điện khí thiên nhiên và LNG
26/09/2023 14:15
- 1848 lần đọc
Trải qua 30 năm kể từ khi loại hình nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) được bắt đầu thiết kế và xây dựng tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) vinh dự là đơn vị đồng hành và đóng góp cho sự phát triển các trung tâm điện lực TBKHH quy mô lớn của cả nước như: Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, Cụm Khí Điện Đạm Cà Mau và Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch. Đặc biệt đáng tự hào là ngay từ năm 2002, PECC2 đã được chủ đầu tư tin tưởng giao vai trò là nhà tư vấn chính thực hiện quản lý toàn bộ dự án Nhà máy điện TBKHH Phú Mỹ 4 công suất 450 MW và PECC2 đã hoàn thành tốt trọng trách này, góp phần đem lại sự thành công cho dự án. Phát huy năng lực và thế mạnh đó, PECC2 tiếp tục tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch, phát triển thiết kế và quản lý các dự án nhà máy điện TBKHH mới sử dụng khí thiên nhiên và LNG theo Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt.

Trung tâm điện lực Phú Mỹ (Nguồn: EVN)

Từ những ngày đầu làm quen công nghệ mới …

Vào đầu thập niên 1990 PECC2 tiến hành khảo sát các địa điểm khả thi để lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy nhiệt điện miền Nam.

Trong số các địa điểm được khảo sát và đánh giá, khu vực Phú Mỹ thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được lựa chọn.

Khảo sát lựa chọn địa điểm ở miền Nam

Khảo sát địa điểm Phú Mỹ

Hình 1. PECC2 khảo sát lựa chọn địa điểm từ những năm 1990

Theo định hướng ban đầu, nhà máy nhiệt điện miền Nam dự kiến đốt nhiên liệu than. Tuy nhiên, khi nguồn khí cung cấp từ mỏ Bạch Hổ và bể Nam Côn Sơn được khẳng định tính khả thi, PECC2 đã nhanh chóng nghiên cứu, tìm hiểu và nắm bắt công nghệ nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp là công nghệ phát điện mới và tiên tiến trên thế giới ở thời điểm đó để điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Từ đó, từng dự án thành phần được xây dựng, đưa vào vận hành và hình thành nên Trung tâm điện lực Phú Mỹ với quy mô công suất 3.705 MW như hiện nay.

Vai trò nổi bật của PECC2 được thể hiện tại dự án nhà máy điện TBKHH Phú Mỹ 4. Đó là lần đầu tiên một đơn vị tư vấn trong nước được giao làm và đã thực hiện thành công vai trò của nhà tư vấn chính quản lý toàn bộ dự án đó. Sự thành công ở dự án Phú Mỹ 4 là minh chứng cụ thể về hệ giá trị cốt lõi của PECC2 “Tinh thần phụng sự - Đam mê nghề nghiệp – Đổi mới sáng tạo” được đội ngũ nhân sự PECC2 vận dụng vào quá trình quản lý thực hiện dự án.

Và dấu ấn đậm nét của PECC2 trên bản đồ phát triển nguồn nhiệt điện khí và LNG của Việt Nam

Tiếp theo dấu ấn thành công tại Trung tâm điện lực Phú Mỹ, PECC2 tiếp tục được lựa chọn tham gia lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công tại các dự án thuộc Trung tâm điện lực Cà Mau và Trung tâm điện lực Nhơn Trạch.

Các dự án nhà máy điện tại các Trung tâm điện lực nêu trên đều được thực hiện thành công và được các chủ đầu tư đưa vào hoạt động hiệu quả, góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hình 2. Trung tâm điện lực Cà Mau (Nguồn: PVN)

Theo Tổng sơ đồ VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, các dự án nhiệt điện sử dụng các nguồn khí trong nước như Lô B, Cá Voi Xanh … cần được đẩy nhanh thực hiện; và các dự án nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu cần được phát triển với quy mô phù hợp, dự kiến đến năm 2030 đạt công suất tối đa 22.400 MW.

Phù hợp với định hướng phát triển các nguồn nhiệt điện nêu tại Tổng sơ đồ VIII, phát huy kinh nghiệm, năng lực và thế mạnh của mình, PECC2 chủ động làm việc, trao đổi, thống nhất với các đối tác về phạm vi công việc tham gia phát triển các dự án nhiệt điện mới, điển hình như: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 & 4 công suất khoảng 1.760MW, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn công suất 1.500MW, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Long An I & II LNG công suất 2 x 1.500MW, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Cà Ná công suất 1.500MW, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Hải Phòng công suất 1.600MW, dự án nhà máy nhiệt điện LNG BOT Sơn Mỹ I công suất 2.250MW, dự án Trung tâm điện khí LNG Tân Phước – Tiền Giang công suất 3.000MW

Và qua đó, dấu ấn của PECC2 tham gia vào các nguồn nhiệt điện khí và LNG có sự hiện diện khắp mọi miền đất nước như thể hiện trên bản đồ phát triển các nguồn nhiệt điện khí và LNG của Việt Nam.

Hình 3. Bản đồ phát triển các nguồn nhiệt điện khí và LNG của Việt Nam

Đam mê nghề nghiệp, nắm bắt công nghệ mới, kiến tạo giải pháp tối ưu

Với xu thế chuyển dịch năng lượng, nhằm tiếp tục củng cố vai trò của nhà máy điện TBKHH trong các hệ thống điện, các nhà chế tạo tuabin khí (OEM) không ngừng nghiên cứu phát triển công nghệ và ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào thiết kế, chế tạo, vận hành và bảo trì nhà máy điện TBKHH nhằm đáp ứng các mục tiêu:

  • Nâng cao hiệu suất vận hành phát điện;
  • Tăng khả năng tương thích với tỷ trọng tăng cao của các nguồn năng lượng tái tạo;
  • Thích ứng với dải nhiên liệu vận hành mở rộng;
  • Giảm phát thải khí CO2;
  • Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số;
  • Giảm chi phí sản xuất điện quy đổi.     

Thêm vào đó, đối với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG, nhiều giải pháp thiết kế và công nghệ được nghiên cứu và ứng dụng trong chuỗi cung ứng LNG như: công nghệ tồn trữ LNG, công nghệ nhà máy hóa lỏng LNG quy mô nhỏ có công suất dưới 1 triệu tấn LNG/ năm, công nghệ tàu nổi chứa và tái hóa khí LNG (FSRU), công nghệ thu hồi và lưu giữ các-bon (CCUS), giải pháp LNG trung hòa các-bon.

Vì vậy, với vị thế là nhà tư vấn hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực nhiệt điện khí và LNG, PECC2 xác định rõ sự cần thiết phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi và nắm rõ các các giải pháp kỹ thuật và công nghệ được nhà chế tạo OEM áp dụng, để tư vấn cho các chủ đầu tư dự án về các tiêu chí đánh giá phù hợp và các giải pháp thiết kế hiệu quả nhằm triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện TBKHH có độ tin cậy và linh hoạt vận hành cao và đem lại giá thành sản xuất điện quy đổi thấp nhất.

Trong quá trình đúc kết kiến thức và kinh nghiệm, PECC2 đã đầu tư và cho “ra mắt” cuốn sách chuyên khảo nội bộ “Công nghệ Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp”, làm nguồn thông tin hữu ích cho các bên liên quan tham khảo trong quá trình thiết kế và đầu tư xây dựng các dự án nhà máy nhiệt điện khí và LNG.

Hình 4. Sách chuyên khảo của PECC2 về công nghệ nhà máy điện Tuabin khí chu trình hỗn hợp

Một điểm khác biệt nữa được PECC2 mang đến cho các đối tác đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện khí và LNG là năng lực ứng dụng các công nghệ số như BIM, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo vào quá trình lập dự án, khảo sát, thiết kế, quản lý dự án và vận hành và bảo trì các công trình nhà máy nhiệt điện khí và LNG, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư và khai thác vận hành các nhà máy nhiệt điện này.

Hình 5. Dịch vụ ứng dụng BIM của PECC2

Thực hiện: Vũ Huy Bích, Phạm Đức Trung

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2