Công suất năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3 lần vào năm 2030 để đạt mục tiêu Net Zero
Hình ảnh về những đợt sóng nhiệt với sức nóng kỷ lục trong những tuần gần đây trên toàn thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C nhằm ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc tăng công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới lên gấp 3 lần được coi là hành động cần thiết để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero).

Nguồn: IEA
Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015 là một trong những thoả thuận lịch sử về hành động chung của các quốc gia trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu hạn chế phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Một trong các cam kết quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và hướng tới mục tiêu 1,5°C. Các nhà khoa học cho biết việc vượt qua ngưỡng 1,5 °C có nguy cơ gây ra các tác động biến đổi khí hậu nghiêm trọng đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái. Để ngăn chặn điều này đòi hỏi phải giảm gần một nửa lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010 và cắt giảm xuống mức bằng 0 vào năm 2050.
Cơ quan năng lượng quốc tế IEA vào năm 2021 đã xuất bản ấn phẩm Lộ trình toàn cầu cho ngành năng lượng hướng tới Net Zero vào năm 2050 (Net Zero by 2050: A Roadmap for the Global Energy Sector) nhắm đến mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Lộ trình này nêu rõ, song song với việc tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, cần mở rộng quy mô công suất năng lượng tái tạo lên gấp ba lần hiện nay vào năm 2030 [1]. Đây là mục tiêu quan trọng để giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí carbon dioxide (CO2) phát thải ra môi trường.
Cùng chung hướng đi đó, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức vào cuối năm nay cũng sẽ xây dựng chương trình nghị sự tập trung vào các mục tiêu về sử dụng năng lượng hiệu quả và đặc biệt là tăng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thành viên đưa ra các cam kết và hành động rõ ràng nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải thông qua phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Hình 1. Lộ trình toàn cầu hướng tới Net Zero vào năm 2050 của IEA [2]
Tăng công suất năng lượng tái tạo gấp 3 lần đồng nghĩa với mức tăng trưởng sản xuất điện tái tạo sẽ vượt xa tổng nhu cầu sử dụng điện đã được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới do nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển và sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Quan trọng hơn, việc mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo sẽ góp phần giảm 7 tỷ tấn CO2 thải ra môi trường trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030 [1]. Công suất năng lượng tái tạo tăng gấp ba lần vào cuối thập kỷ này cũng giúp việc sản xuất điện đốt than giảm một nửa từ năm 2022 đến năm 2030.
Thế giới đã đạt được những bước tiến lớn trong việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Công suất năng lượng tái tạo bổ sung trên toàn cầu đã tăng gần 13% vào năm 2022 và có thể vượt qua nhiên liệu than đá vào đầu năm 2024 tùy thuộc vào các điều kiện về môi trường [1]. Vào năm 2023, con số này được dự kiến tăng kỷ lục trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và các chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió được thúc đẩy mạnh mẽ do những lo ngại về an ninh năng lượng.

Hình 2. Công suất năng lượng tái tạo cần tăng gấp ba lần vào năm 2030. [2]
Điện mặt trời và điện gió là động lực chính để đạt được mục tiêu khí hậu
Tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Công suất năng lượng tái tạo tăng trung bình khoảng 11% mỗi năm và đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn từ 2015 đến 2022 [1]. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm cần cao hơn nữa để có thể đáp ứng mục tiêu công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Điều này đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải có hành động và chính sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đảm bảo chuỗi cung ứng công nghệ, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện một cách an toàn và hiệu quả về chi phí.
Thủy điện đã là nguồn phát thải thấp hàng đầu trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên việc tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng hơn 8 lần vào năm 2050 sẽ dựa trên động lực chính là sự tăng trưởng điện gió và điện mặt trời. Điện mặt trời đang trên đà chiếm 2/3 mức tăng công suất điện tái tạo toàn cầu trong năm nay và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa vào năm 2024. Đồng thời, năng lực sản xuất chuỗi cung ứng điện mặt trời dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 1.000GW/năm vào năm 2024 [1]. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Châu Âu là các khu vực đang dẫn đầu về năng lực cung ứng này. Với tốc độ phát triển điện mặt trời như hiện nay, thế giới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu hàng năm được tính toán trong lộ trình của IEA.
Điện gió dự kiến sẽ phát triển mạnh trong năm 2023. Tuy nhiên trái ngược với điện mặt trời, chuỗi cung ứng tuabin gió chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các dự án trong trung hạn. Điều này chủ yếu từ những thách thức trong chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí của các nhà sản xuất. Mức tăng trưởng điện gió trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để giải quyết các thách thức về cấp phép thiết kế và đấu thầu của các quốc gia.
Tăng trưởng năng lượng tái tạo nhanh chóng là trọng tâm của Lộ trình Net Zero toàn diện
Bên cạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, cần thực hiện một số giải pháp khác để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sự tăng tốc trong tiến trình cải thiện hiệu quả năng lượng trên toàn cầu là một trụ cột quan trọng khác của việc giảm phát thải từ nay đến năm 2030. Hội nghị toàn cầu về Hiệu quả Năng lượng của IEA với sự tham gia của Chính phủ đến từ 45 quốc gia được tổ chức vào tháng Sáu đã ủng hộ mục tiêu tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng hàng năm từ khoảng 2% lên hơn 4% vào cuối thập kỷ này.

Hình 3. Các mốc dự báo về năng lượng tái tạo trên lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. [2]
Năng lượng hạt nhân cũng là một loại công nghệ năng lượng sạch cần được mở rộng hơn nữa trên thế giới thông qua công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và việc khởi động lại các chương trình điện hạt nhân ở các nền kinh tế tiên tiến. Xu hướng sử dụng phương tiện giao thông chạy điện cũng cần tiếp tục được mở rộng nhanh chóng, vượt ra ngoài các thị trường hiện nay như Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại nhiên liệu phát thải thấp như hydro và amoniac trong sản xuất điện cũng góp phần giảm phát thải từ các nhà máy điện chạy nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, ngành dầu khí cũng cần tham gia mạnh mẽ vào việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là bằng cách cam kết và giảm đáng kể các hoạt động phát thải. Lượng khí nhà kính từ ngành dầu khí hiện chiếm khoảng 15% tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cải thiện hiệu quả năng lượng, mở rộng ứng dụng năng lượng hạt nhân, sử dụng nhiên liệu sạch và tất cả các lĩnh vực khác sẽ là chưa đủ để có thể đạt được các mục tiêu về giảm phát thải. Gia tăng công suất năng lượng tái tạo trên thế giới lên 3 lần vào năm 2030 vẫn giữ vai trò trọng tâm trong Lộ trình Net Zero. Mặc dù còn nhiều thách thức hiện hữu, nhưng mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai, UAE vào cuối năm nay chính là thời điểm quyết định đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu - một thách thức lớn của thời đại chúng ta.
Lược dịch và tổng hợp: Phạm Đức Trung
Tài liệu tham khảo:
[1] IEA. Tripling renewable power capacity by 2030 is vital to keep the 1.5°C goal within reach. https://www.iea.org/commentaries/tripling-renewable-power-capacity-by-2030-is-vital-to-keep-the-150c-goal-within-reach
[2]. IEA. Net Zero by 2050: A Roadmap for the Global Energy Sector. October 2021.