Bản tin tháng TV2
Cùng tìm hiểu về khái niệm “An toàn tâm lý” trong môi trường làm việc
22/08/2023 12:27
- 6728 lần đọc
Khi nói về sự an toàn ở nơi làm việc, đa số chúng ta chỉ nghĩ về vấn đề an toàn vật lý như không xảy ra hoặc hạn chế tối đa tai nạn lao động. Tuy nhiên, an toàn tâm lý (Psychological safety) cũng quan trọng không kém, nhất là trong xã hội hiện nay với rất nhiều áp lực, nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc của người lao động.

Nguồn: Internet

An toàn tâm lý là gì?

An toàn tâm lý (Psychological safety) là cảm thấy an toàn khi chấp nhận rủi ro trong mối quan hệ giữa các cá nhân trong tập thể, là cảm giác không sợ những hậu quả tiêu cực khi mỗi người có thể lên tiếng bày tỏ ý kiến cá nhân một cách cởi mở. Sự an toàn tâm lý tạo ra một môi trường cho phép mọi người cảm thấy được khuyến khích để chia sẻ những ý tưởng sáng tạo mà không sợ bị phán xét, hay cảm thấy an toàn khi trao đổi thông tin với những người khác, kể cả các ý kiến phản đối lãnh đạo.

Theo hệ thống phân cấp của Maslow, con người cần đáp ứng một số nhu cầu tối thiểu để tồn tại, theo sau là nhu cầu đóng góp cho cộng đồng và cuối cùng là nhu cầu khẳng định bản thân. Các nhà khoa học xã hội hiện nay tin rằng sự an toàn về tâm lý là một trong những nhu cầu cơ bản, là một trong những điều kiện tiên quyết để con người đạt được trạng thái tốt nhất trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm ở nhà, trường học và nơi làm việc…

Tại công sở, an toàn tâm lý biểu hiện khi nhân viên dám thể hiện ý kiến và quan điểm của mình trước các vấn đề xảy ra trong công việc và trong cách vận hành công ty. Chúng còn được thể hiện ở việc người lao động cảm thấy thoải mái, tự tin là chính mình, có trách nhiệm, dám đưa ra câu hỏi, chấp nhận rủi ro, đối xử một cách chân thành với đồng nghiệp và cấp trên, không sợ bị phạt khi góp ý quá thẳng thắn.

Tầm quan trọng của an toàn tâm lý trong môi trường làm việc

Kể từ khi thuật ngữ này được giới thiệu bởi giáo sư Amy Edmondson của Trường Kinh doanh Đại học Harvard vào năm 1999, những lợi ích của sự an toàn về tâm lý tại nơi làm việc đã được khẳng định ngày một rõ ràng. Theo một cuộc khảo sát của McKinsey, 89% nhân viên được hỏi cho biết họ tin rằng sự an toàn về tâm lý tại nơi làm việc là điều cần thiết và rất quan trọng.

An toàn tâm lý không chỉ giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi làm việc mà còn giúp thúc đẩy một môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập hơn. Tác động của an toàn tâm lý có thể kể đến như: góp phần đáng kể trong gia tăng hiệu quả làm việc nhóm, giữ chân nhân viên, đưa ra các quyết định tốt hơn trong công việc.

Một nơi làm việc đáp ứng an toàn về mặt tâm lý là nơi các cá nhân cảm thấy họ có thể lên tiếng, bày tỏ mối quan tâm của mình và được lắng nghe, mọi người không sợ hãi hay cố gắng che đậy lỗi lầm để tránh bị xấu hổ hoặc trừng phạt. Khi cảm thấy an toàn tâm lý, chúng ta sẵn sàng chấp nhận rằng bản thân mình có thể không biết về một số lĩnh vực, nhưng rất giỏi ở những lĩnh vực khác. Những nhân viên cảm thấy an toàn tâm lý sẽ quan tâm đến việc học hỏi và sự kết nối thực sự với những người khác. Ngược lại, nếu nhân viên thiếu đi cảm giác an toàn, họ sẽ giữ im lặng và không dám bày tỏ ý kiến của mình trước bất kỳ sự việc gì. Khi công ty rơi vào tình huống khó khăn, không ai dám đưa ra đề xuất nhằm cải thiện tình hình; dẫn đến những tổn thất lớn đối với công ty về lâu dài.

Một môi trường an toàn tâm lý cho phép nhân viên có các biểu hiện tiêu biểu như: nhân viên biết rằng họ có thể nói ra quan điểm trong công việc mà không sợ bị "sếp đì" hoặc bị bắt nạt, cô lập ở tập thể. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta cổ xúy tạo ra một môi trường làm việc không có khuôn phép. Một người vẫn có quyền phát ngôn nếu tuân thủ phép lịch sự tiêu chuẩn và văn hóa công ty, cũng như tôn trọng mọi người. Ngược lại, nếu ai cũng được quyền quấy rối, bắt nạt, xúc phạm người khác bằng lời nói thì đó là môi trường độc hại, và khó có thể giữ chân những nhân viên tiềm năng.

Những kỹ năng quan trọng trong xây dựng môi trường làm việc đáp ứng an toàn tâm lý

Tổng hợp từ một số nghiên cứu và khảo sát của tổ chức McKinsey Global Publishing cho thấy việc đầu tư vào phát triển khả năng lãnh đạo ở tất cả các cấp bậc trong tổ chức sẽ giúp nâng cao sự an toàn về mặt tâm lý. Một số kỹ năng đặc biệt mà các nhà lãnh đạo có thể phát triển để thúc đẩy sự an toàn về mặt tâm lý cho nhân viên như sau:

  • Kỹ năng đối thoại cởi mở: cho phép các nhà lãnh đạo nhận ra được những bất đồng và giải quyết những căng thẳng trong nhóm.
  • Hỗ trợ thành viên: người lãnh đạo tốt là người có khả năng tạo điều kiện cho nhân viên đạt được thành công trước thành công của chính mình. Bởi thành công của cá nhân sẽ tạo tiền đề cho sự hoàn thiện và thành công của cả nhóm, cũng như thành công cho người đứng đầu.
  • Khiêm tốn theo tình huống: kỹ năng này giúp các nhà lãnh đạo phát triển trí tò mò và tư duy phát triển cá nhân trong đội ngũ nhân viên của mình.

Làm thế nào để tạo ra một môi trường an toàn về mặt tâm lý?

Thực tế là người lãnh đạo có ảnh hưởng quan trọng đến sự an toàn về mặt tâm lý của cả nhóm. Bằng hành động của mình, người lãnh đạo có thể khiến các thành viên trong nhóm của mình cảm thấy an toàn tâm lý hoặc không. Theo nghiên cứu của McKinsey, ba phong cách lãnh đạo cụ thể có thể thúc đẩy bầu không khí làm việc nhóm được kể đến như sau:

  • Lãnh đạo theo hướng tham vấn: Tham khảo ý kiến các thành viên trong nhóm và thực sự xem xét quan điểm của họ.
  • Lãnh đạo theo hướng hỗ trợ: Cách làm việc này có tác động gián tiếp đến sự an toàn tâm lý bằng việc tạo ra bầu không khí tích cực trong nhóm. Người lãnh đạo theo hướng hỗ trợ thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ đối với các thành viên trong nhóm - không chỉ với tư cách quản lý - nhân viên mà còn với tư cách cá nhân. Những hành vi này cũng khuyến khích các thành viên trong nhóm hỗ trợ lẫn nhau.
  • Lãnh đạo theo hướng thách thức: Khi bầu không khí nhóm an toàn và hỗ trợ đã được thiết lập, phong cách lãnh đạo thách thức lại có thể tăng cường hơn nữa sự an toàn tâm lý. Một người lãnh đạo đầy thử thách yêu cầu các thành viên trong nhóm xem xét lại công việc của mỗi cá nhân và giúp họ phát huy hết tiềm năng. Phong cách lãnh đạo thách thức có liên quan đến sự gia tăng tính sáng tạo và mong muốn cải thiện của nhân viên.

Nguồn: Internet

Những phẩm chất lãnh đạo cần có để hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng

Người lãnh đạo tốt là người có khả năng thúc đẩy lòng trung thành và sự gắn kết từ nhân viên của mình để dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Trong những thời điểm khó khăn, lòng trắc ẩn lại càng trở nên quan trọng hơn, việc điều chỉnh những nỗi sợ hãi và lo lắng cá nhân của nhân viên sẽ tạo tiền đề cho việc cải thiện khả năng phục hồi và phản ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng.

Trên thực tế, điều này không dễ dàng. Khi đối mặt với hoài nghi, bản chất của con người sẽ tìm cách kiểm soát và hành động nhanh chóng. Nhưng đối với các cuộc khủng hoảng lớn đòi hỏi một kiểu lãnh đạo đặc biệt. Giữ tâm trí bình tĩnh là một kỹ năng cá nhân giúp người lãnh đạo thích nghi với tình huống thay đổi khó khăn nhất và quan trọng nhất. Việc giữ tâm trí bình tĩnh đòi hỏi người lãnh đạo phải xây dựng năng lực vốn từng bị xem nhẹ trước đây như: nhận thức về bản thân, trí tuệ cảm xúc và chánh niệm.

Nghiên cứu của McKinsey đã phát hiện ra rằng có bốn phẩm chất cụ thể có thể giảm thiểu xu hướng kiểm soát và khuất phục trước nỗi sợ hãi. Những phẩm chất này có thể giúp các nhà lãnh đạo lèo lái con tàu an toàn vượt qua cơn bão khủng hoảng.

  • Nhận thức. Người lãnh đạo phải thừa nhận và chấp nhận những xu hướng phản ứng tự nhiên được bộc lộ trong chính mỗi người, từ đó tạo thời gian và không gian để bản thân và nhân viên của mình tự kết nối và tự nhận thức.
  • Một người lãnh đạo giàu lòng nhân ái nên làm gương cho sự “dễ bị tổn thương” trong thời kỳ khủng hoảng. Bằng việc hạ thấp cảnh giác và đối mặt với những gì đang diễn ra, các nhà lãnh đạo có thể giúp nhân viên cảm thấy rằng mọi người đều có thể bị tổn thương trước khủng hoảng và họ không đơn độc.
  • Đồng cảm. Người lãnh đạo nên thể hiện sự đồng cảm để dễ dàng nắm bắt những gì người khác đang cảm thấy.
  • Lòng trắc ẩn. Việc hành động với lòng trắc ẩn khiến các cá nhân và nhóm làm việc cảm thấy được quan tâm thực sự.

Nguồn: Internet

Tầm quan trọng của việc quan tâm đến nhu cầu tâm lý của nhân viên

Hầu hết mọi người, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều mong muốn được đáp ứng nhu cầu an toàn tâm lý tại nơi làm việc. Cụ thể như: cảm giác tự hào khi được khen thưởng nhờ có thành tích tốt, cảm giác hòa nhập khi ở trong một nhóm và mong muốn công việc của họ trở nên thú vị và có ý nghĩa. Tuy nhiên, đa số công ty thường chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm lý của những nhân viên nhóm thu nhập cao hơn những đồng nghiệp có thu nhập thấp.

Đối với chủ doanh nghiệp, việc đáp ứng nhu cầu tâm lý của nhân viên ở mọi cấp độ trong tổ chức không chỉ là trách nhiệm mà còn đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp đó. Áp lực tâm lý của người trưởng thành trong xã hội hiện đại ngày càng lớn hơn so với trước đây, đặc biệt trong những môi trường làm việc khắc nghiệt hoặc môi trường công sở nhiều "chính trị nội bộ".

Quá trình tạo dựng cảm giác an toàn cũng không xảy ra trong một sớm một chiều. Nhưng nếu người lãnh đạo luôn để tâm đến nó, họ sẽ dần dần lấy được lòng tin từ mọi người. Cảm giác an toàn ở nơi làm việc là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp nhân viên làm việc hiệu quả và giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, yêu thích nơi làm việc hơn. Đó cũng là một yếu tố giúp giữ chân nhân tài mà các nhà quản lý trong bất cứ công ty nào cũng cần lưu tâm.

Lược dịch: Trang Nguyễn

Tham khảo: What is psychological safety?

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2