Thay đổi nhỏ - Hạnh phúc to
Trong cuộc sống, đôi khi, chúng ta thường chỉ chăm chăm đánh giá kết quả mà quên đi giá trị của những tiến bộ hàng ngày. Một cơ thể săn chắc, một làn da căng bóng mịn màng hay một nhân viên hình mẫu luôn đạt được KPI mỗi tháng… đấy đều là thành quả của một quá trình mà ở đó ghi nhận những thói quen, nếp sống và sự tiến bộ từng ngày của cá nhân đó. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra được bí quyết để thay đổi bản thân, hình thành nên những thói quen tốt, từ đó góp phần tạo nên được sự khác biệt lớn cho chính mình.

Nguồn: Internet
Không phải những hành động to lớn mới có thể mang lại được những thành công vĩ đại. Chỉ cần bạn phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua dù chỉ 1% thôi cũng đủ nhận về kết quả bạn hằng mong muốn. Bởi lẽ, một sự khác biệt dù nhỏ thôi nhưng đủ sức tạo nên được một sức ảnh hưởng khuếch đại nếu nó được lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian. Chúng ta hãy tự làm một phép tính: nếu bạn thực hiện 1% thay đổi trong một ngày, bạn sẽ tiến bộ 37 lần so với thời gian bỏ ra; còn nếu bạn tệ hơn 1% liên tục trong vòng một năm, bạn chắc chắn sẽ về lại con số 0.
Nhiều người nói rằng muốn thay đổi thì phải đặt thật nhiều mục tiêu cụ thể. Mục tiêu càng chi tiết thì chúng ta sẽ dễ dàng theo suốt và hoàn thành. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, kết quả mình đạt được lại ít liên quan đến mục tiêu mình đặt ra mà lại liên quan đến hệ thống. Mục tiêu là các kết quả bạn muốn đạt được. Hệ thống là quá trình dẫn đến các kết quả ấy. Nhiều người hỏi, nếu không có mục tiêu mà chỉ tập trung vào hệ thống hàng ngày thì liệu chúng ta có đạt điều mình muốn? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Mục tiêu có tác dụng rất tốt trong việc định hướng nhưng hệ thống mới thực sự hiệu quả cho việc tiến bộ. Nếu chúng ta cải thiện quá trình làm việc, chế độ ăn uống, biết dậy sớm, tự chuẩn bị cho mình kỹ năng mềm thì tự khắc đích đến mà ta mong muốn sẽ đến gần hơn.
Thói quen được hình thành qua bốn bước đó là: tín hiệu, cơn thèm muốn, phản hồi và phần thưởng.
1. Tín hiệu
“Tín hiệu” là những dấu hiệu ngoài xã hội báo tin cho não chúng ta biết được rằng sẽ có một “phần thưởng”. Phần thưởng đó có thể là thức ăn, nước uống, nơi chốn hoặc cũng có thể là tiền tài, danh vọng, quyền lực, địa vị, hạnh phúc… Từ “tín hiệu” ấy, tư tưởng chúng ta sẽ xuất hiện nỗi khát khao mong muốn đạt được điều đó.
2. Cơn thèm muốn/ sự khao khát
“Tín hiệu” là bước đầu để bạn thấy rằng bản thân đang ở gần “phần thưởng” nhưng “sự khao khát” muốn có mới chính là yếu tố thúc đẩy bạn thay đổi. Nếu không có “sự thèm muốn”, chúng ta sẽ không có động lực để thay đổi bản thân. “Tín hiệu” và “cơn thèm muốn” của mỗi người sẽ khác nhau. Ví dụ, bạn mong muốn được trở thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng thì với bạn, mọi âm thanh xung quanh đều có thể là chất liệu để bạn sáng tác nhưng đối với những người không thích âm nhạc, âm thanh chỉ là một điều bình thường. Tùy vào suy nghĩ và tư tưởng của mỗi người mà tâm hồn của họ sẽ phân tích “tín hiệu” và chuyển nó thành “cơn thèm muốn” phù hợp.
3. Phản hồi
Khi bạn khao khát, mong muốn đạt được một điều gì đó thì bản thân sẽ tự “phản hồi” lại bằng suy nghĩ hoặc hành động để giúp bạn có được. Thông thường, chúng ta sẽ tự đo độ khó của sự việc để xem rằng khả năng chúng ta có thực hiện được hay không. Nếu như nó vượt quá giới hạn thì chúng ta có xu hướng sẽ không làm.
4. Phần thưởng
“Tín hiệu” có nhiệm vụ báo động về “phần thưởng”. “Cơn thèm muốn” chính là lòng khao khát muốn có “phần thưởng”. “Phản hồi” là việc đạt được “phần thưởng”. Chính “phần thưởng” là bước cuối cùng để ta tạo ra thói quen. Chúng ta muốn tập thể dục vì “phần thưởng” là một cơ thể khỏe mạnh và quyến rũ. Chúng ta chăm đọc sách tham khảo là vì ta biết được rằng “phần thưởng” cho điều ấy là một giải thưởng xuất sắc cuối năm.
Tóm lại, bốn bước: tín hiệu, sự khao khát, phản hồi và phần thưởng giúp mỗi cá nhân hình thành nên thói quen một cách tự động. Quy trình bốn bước này được lặp đi lặp lại thành một vòng tuần hoàn đến nỗi chúng ta tự động làm mà không cần suy nghĩ hay nhắc nhở.
Để khiến cho thói quen được hình thành một cách chi tiết và cụ thể hơn, có bốn nguyên tắc thay đổi hành vi mà chúng ta nên thiết lập, bao gồm:
- Khiến thói quen trở nên rõ ràng
- Khiến nó hấp dẫn hơn
- Khiến thói quen có thể nằm trong phạm vi dễ dàng đạt được
- Khiến thói quen tạo cảm giác thỏa mãn
Bốn bài tập dưới đây gắn liền với từng mục của bốn nguyên tố trên sẽ chỉ ra cho chúng ta những cách có thể áp dụng vào đời sống thường ngày.
Bài tập 1: Bảng điểm thói quen
Bảng điểm thói quen sẽ giúp chúng ta ý thức về hành vi của mình một cách rõ ràng hơn. Chúng ta sẽ tạo ra một danh sách các thói quen thường ngày và tự đánh giá đâu là thói quen tốt, đâu là thói quen xấu dựa trên chính mục tiêu mà mình muốn đạt được. Tùy theo “tín hiệu” khác nhau mà thói quen hằng ngày của mỗi người cũng không giống nhau.
Ví dụ, chúng ta có một danh sách như sau:
- Thức dậy sớm
- Đánh răng, rửa mặt
- Lướt điện thoại
- Trang điểm
- Uống cà phê
- Đọc báo

Nguồn: Internet
Với mỗi một hành động, bạn hãy đánh dấu “+” nếu bạn cho là tốt và nên giữ, dấu “-” nếu bạn nghĩ nên sửa và dấu “=” nếu cho là bình thường, có thể thay đổi hoặc không. Có một điều lưu ý rằng, không có thói quen nào là thật sự tốt hay xấu mà chỉ là nó có đem lại hiệu quả tốt về lâu dài hay không. Trước khi đánh giá một thói quen là tốt hay xấu, bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: “Điều cuối cùng mình muốn đạt được ở đây là gì?”, “Thói quen này sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả ấy như thế nào? Nó có chống lại với mục tiêu mà ta đang muốn nhắm đến hay không?”. Hãy ghi chép những thói quen hàng ngày của bạn một cách chi tiết. Trong quá trình ghi chép, bạn không cần phải thay đổi gì cả, hãy cứ quan sát và suy nghĩ về những hành động của mình một cách thấu đáo. Từ đó bạn sẽ dò tìm được thói quen xấu và nhận thức cần phải thay đổi điều gì.
Bài tập 2: Làm điều mình ưa thích ngay trước khi thực hiện một thói quen khó
Bạn biết rằng đọc sách mỗi ngày là thói quen khó, đặc biệt khi bạn cảm thấy quá mệt sau một ngày làm việc. Thế nhưng bạn có thể làm cho các thói quen khó trở nên hấp dẫn nếu bạn gắn chúng với trải nghiệm tích cực. Hãy liên kết các thói quen của mình với điều gì đó bạn hứng thú và dùng tín hiệu đó để làm động lực cho bản thân. Nếu bạn thích uống một tách trà vào buổi tối, hãy kết hợp việc uống trà với đọc sách. Nếu bạn là một người hay suy nghĩ tiêu cực, hãy tìm những điều khiến bạn hạnh phúc. Mỉm cười, hít thở sâu, vươn vai – đây là những hành động mang ý nghĩa tích cực, có thể giúp bạn lấy lại tinh thần. Điều này khá khó nhưng nếu duy trì tập luyện, ta sẽ khiến những thói quen khó trở thành thói quen hấp dẫn.
Bài tập 3: Tạo môi trường dễ dàng để có thể vượt qua những vật cản trong quá trình thay đổi
Hãy tạo ra một môi trường có thể tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng nhất cho bạn thay đổi. Ví dụ, bạn đặt mục tiêu tập gym, hãy chọn một nơi gần nhà hoặc nơi nào đó thuận tiện cho bạn trong việc đi lại. Hoặc đảo ngược lại vấn đề, bạn cũng có thể tạo trở ngại cho những thói quen xấu. Ví dụ, bạn thích ăn vặt vào buổi chiều nhưng lại muốn giảm cân, hãy sắp xếp những công việc quan trọng mà bạn cần thực hiện vào thời gian ấy. Khi bạn tập trung vào những công việc quan trọng này, bạn sẽ quên đi cảm giác thèm ăn.

Nguồn: Internet
Bài tập 4: Biến sự thỏa mãn tức thời thành lợi thế
Điều cốt lõi trong việc duy trì một thói quen nào đó là cảm giác thấy mình đang thành công, ngay cả trong một khía cạnh nhỏ. Vì chẳng ai muốn tiếp tục một điều gì đó nếu như họ không thấy điều tích cực mà sự việc hoặc hành động này mang lại. Mặc dù những mục tiêu chúng ta đặt ra thường cần một thời gian để thấy được kết quả rõ ràng. Thế nhưng, việc tạo ra phần thưởng tức thời sẽ là lý do để bạn tiếp tục thực hiện nhờ sự thỏa mãn trong tâm lý mà nó mang lại. Ví dụ, khi bạn đặt mục tiêu không mua sắm hoang phí, thay vì bắt mình phải ngừng việc tiêu tiền trong một thời gian dài, bạn hãy mở một tài khoản với tên gọi “mua sắm”, mỗi ngày dành ra 5,000 đồng và bỏ vào đó. Điều này sẽ giúp bạn ngưng việc mua sắm trong một thời gian nhưng cũng là một phần thưởng khiến bạn vui vẻ và thỏa mãn với sở thích của mình.

Nguồn: Internet
Cuộc sống không ngừng thay đổi vì thế, bản thân chúng ta cũng phải không ngừng cải tiến. Việc luôn luôn nỗ lực tiến bộ, thay đổi nhỏ những thói quen tốt dù chỉ 1% mỗi ngày sẽ giúp cho bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Những thay đổi này sẽ như một vòng tròn nước nhỏ từ từ lan ra thành những vòng lớn và tạo nên sự thay đổi đáng kể về sức khỏe, kiến thức, tài sản, cả những mối quan hệ xung quanh. Tất cả sẽ cộng hưởng lại với nhau và tạo nên một sức mạnh to lớn, giúp chúng ta thay đổi bản thân và đạt được những thành quả bất ngờ.
Thực hiện: An Phạm
Tham khảo:
Sách Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon, Hiệu Quả Bất Ngờ - James Clear