Bản tin tháng TV2
Chỉ số AQ – Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội
28/12/2022 11:50
- 436 lần đọc
Mỗi chúng ta ai cũng đều biết những đại lượng quen thuộc như IQ (chỉ số thông minh) hay EQ (chỉ số cảm xúc) được dùng để đo lường khả năng thành công trong tương lai. Theo người Do Thái – dân tộc thông minh nhất thế giới, xác định có 3 chỉ số thông minh quan trọng, mà IQ chỉ là một phần trong đó qua công thức thành công: 20% IQ + 80% (AQ+EQ) = 100%. Do đó hãy tạm quên IQ và EQ, chúng ta hãy tìm hiểu tại sao AQ được coi là một trong những chỉ số định lượng các phẩm chất quyết định thành bại của mỗi người qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của cả tập thể.

Chỉ số AQ là gì?

Hầu hết chúng ta đều biết tới chỉ số IQ – chỉ số thông minh – được sử dụng trong nhiều năm để đo lường mức độ thông minh của một người và khả năng thành công của họ và EQ - chỉ số cảm xúc - đánh giá kỹ năng giao tiếp của một người. Cả hai chỉ số này đều cực kỳ quan trọng để phát triển cá nhân và nghề nghiệp mỗi người nhưng thực tế chính AQ chứ không phải IQ hay EQ mới mang lại “lợi thế cạnh tranh mới” thực sự.

Trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi với tốc độ chưa từng thấy, những doanh nghiệp có nơi làm việc hiện đại đang được hình thành một cách nhanh chóng hơn chúng ta có thể tưởng tượng, mọi người phải học hỏi nhanh hơn bao giờ hết để theo kịp và thích ứng. Theo Amy Edmondson, giáo sư về lãnh đạo và quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard, chính tốc độ thay đổi nhanh chóng đã khiến AQ trở nên có giá trị như ngày nay khi mà càng thích nghi tốt, chúng ta càng dễ dàng đón nhận sự thay đổi và tiến bộ.

AQ (Adversity Quotient) – chỉ số vượt khó – có thể hiểu là xoay chuyển trở ngại thành cơ hội. Chỉ số AQ là đại lượng đo lường khả năng ứng xử, thích nghi, đối phó của mỗi cá nhân khi đối diện với những khó khăn, nghịch cảnh, stress trong cuộc sống lẫn công việc, hay khả năng nắm bắt khi có được cơ hội bất ngờ, từ đó đánh giá và dự báo được khả năng thành công của mỗi người. Thông qua sự chênh lệch về AQ, chúng ta sẽ hiểu tại sao một số người có chỉ số IQ thấp, hay không có thành tích học tập tốt lại thành công trong khi nhiều người khác có thừa thông minh mà lại thất bại và hay nản lòng.

Nguồn: Internet

Những cá nhân có AQ cao có thể dự đoán và phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi. Họ luôn kiên trì và không ngại thử nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, thậm chí biến thách thức thành lợi thế. Đặc biệt, trong vai trò quản lý, người có AQ cao sẽ dễ dàng hướng dẫn nhân viên của mình một cách hiệu quả khi đối diện với những vấn đề, tiếp thêm động lực và giảm bớt những áp lực, sợ hãi của họ.

Tầm quan trọng của AQ trong xã hội ngày nay

Vào năm 2019, một nghiên cứu của IBM cho thấy 120 triệu người trên toàn thế giới có thể cần được đào tạo lại kỹ năng do sự phát triển của công nghiệp tự động hóa. Những kỹ năng chúng ta đã học và mài giũa trong nhiều thập kỷ sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau một thời gian ngắn. Các doanh nghiệp phải liên tục đặt câu hỏi và đổi mới chính mình để tối đa hóa các cơ hội trong tương lai. Đó không còn chỉ là vấn đề về lợi thế cạnh tranh mà là vấn đề sống còn - chúng ta phải thích nghi hoặc trở nên lỗi thời - những người không thay đổi để thích ứng kịp thời sẽ bị bỏ lại phía sau.

Nhưng AQ không chỉ đơn giản biểu thị khả năng tiếp thu và thích nghi với những thông tin mới mà còn có thể xác định khả năng hiểu điều và nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn và loại bỏ kiến thức lỗi thời. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường hiện tại khi rất nhiều người trong chúng ta bị bão hòa với những thông tin vô nghĩa, do đó chúng ta cần sàng lọc để loại bỏ những kiến thức không bổ ích và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

Nguồn: Internet

Cách cải thiện chỉ số AQ

AQ rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhưng làm cách nào để cải thiện nó?

Ở một mức độ nào đó, AQ của bạn phụ thuộc vào tính cách ví dụ như một số người trong chúng ta phát triển nhờ thay đổi và đối mặt với những thách thức mới, trong khi những người khác thích mọi thứ vẫn như cũ. Tuy nhiên ngay cả khi bạn là người luôn né tránh sự thay đổi, điều đó không có nghĩa là bạn không thể phát triển AQ của mình. Cũng giống như chỉ số IQ và EQ của bạn, AQ có thể được cải thiện thông qua rèn luyện, hãy coi nó giống như cơ bắp: bạn càng luyện tập nhiều thì nó càng trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Theo Natalie Fratto, phó chủ tịch của Goldman Sachs, có ba cách để cải thiện AQ:

Đầu tiên là tự hỏi bản thân những câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra nếu…”, điều này cho phép bạn lường trước những gì có thể xảy ra trước khi nó thực sự xảy ra. Khi đó bộ não của chúng ta bắt đầu phải hoạt động để giúp chúng ta thích nghi tốt hơn với những thay đổi vì nó hiểu rằng: thay đổi là điều không thể tránh khỏi.

Lời khuyên thứ hai của Fratto là hãy trở thành một người học hỏi tích cực “giống như một máy tính đang chạy dọn dẹp ổ đĩa.” Mặc dù ta có thể cảm thấy lo lắng về ý tưởng bỏ đi các kiến thức, thông tin cũ đồng thời tiếp nhận dữ liệu mới, nhưng hãy nhớ rằng bạn càng làm điều này nhiều thì mọi việc càng trở nên dễ dàng hơn.

Cách cuối cùng để cải thiện AQ là ưu tiên khám phá hơn khai thác. Ví dụ khi có một dự án mới, điều đầu tiên ta làm luôn là nhìn lại những thành tựu trong quá khứ và cố gắng sao y những công thức thành công giống như trước đây – nhưng điều này có thể kìm hãm khả năng phát triển của chúng ta. Thay vì khai thác những thành công trong quá khứ, chúng ta nên khám phá những ý tưởng mới, cố gắng ở trong “trạng thái không ngừng tìm kiếm”: Điều gì sắp xảy ra? Chúng ta có thể gặp phải những khó khăn nào? Chúng ta có thể cải thiện như thế nào?

Các bước nâng cao chỉ số AQ trong hoạt động doanh nghiệp

Trong cuốn sách “Nguyên tắc Oz”, các tác giả Roger Connors, Craig Hickman và Tom Smith đã giới thiệu 4 bước để nâng cao chỉ số AQ bao gồm: hiểu, nắm bắt, định hướng giải quyết, và hành động. Dưới đây là những phân tích cụ thể cho việc cải thiện khả năng xoay sở trước trở ngại mà chúng ta có thể áp dụng cho doanh nghiệp khi có những biến cố:

Nguồn: Internet

1. Hiểu được sự cần thiết phải thay đổi.

Trước hết, ta phải thừa nhận rằng, thay đổi là một điều cần thiết. Sau đó, ta cần xác định những yếu tố cần thiết để tạo ra sự thay đổi đó, đặc biệt chuẩn bị cho mình tâm lý tốt trước những biến cố và rủi ro có thể xảy ra để luôn khách quan nhìn nhận vấn đề trước khi xử lý nó.

Ví dụ trong doanh nghiệp, một đối thủ cạnh tranh mới hay một công nghệ tiên tiến có thể là yếu tố khiến ta phải bắt đầu thay đổi. Trước tình hình đó, ta cần nhanh chóng phân tích nguyên nhân của vấn đề và thu thập phản hồi từ các thành viên trong nhóm, kể cả các ý kiến trái chiều bởi vì bất kỳ một cái nhìn khách quan nào cũng có thể mang tới những ý tưởng quan trọng, chìa khóa giải quyết vấn đề.

2. Làm chủ vấn đề

Theo lẽ tự nhiên, con người có xu hướng kháng cự với những thay đổi, sợ sai lầm khi thực hiện điều gì đó mới mẻ, chính tâm lý này dẫn tới sự thất bại của nhiều người khi đứng trước nghịch cảnh.

Ở vai trò người lãnh đạo, trưởng nhóm cần chịu trách nhiệm trước hết và yêu cầu những người liên quan chia sẻ trách nhiệm bằng cách tập trung xử lý kết quả thay vì đổ lỗi cho cá nhân nào. Điều này sẽ khuyến khích mọi người đưa ra những ý tưởng mới một cách chủ động mà không e ngại hay bị đánh giá là thất bại.

3. Vạch kế hoạch thực hiện.

Sau khi tổng hợp các ý kiến, ý tưởng của mọi người, người lãnh đạo cần cân nhắc nhiều lựa chọn để đưa ra lựa chọn tốt nhất và vạch ra kế hoạch để thực hiện ý tưởng đó.

Kể cả khi đã có lựa chọn tối ưu, ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi “Còn điều gì mà mình muốn làm nữa hay không” – câu hỏi này có thể sẽ phá vỡ và loại bỏ ngay phương án mà trước đó ta đã cho là hoàn hảo để hướng tới một ý tưởng khác (nhưng cũng có những rủi ro khác) với một cái nhìn khách quan hơn, mang lại cảm hứng hơn.

4. Đưa kế hoạch vào hành động.

Đây là bước cuối cùng của quá trình này. Trong khi thực hiện, hãy sẵn sàng thử và điều chỉnh cho đến khi tìm ra giải pháp chính xác. Đừng nản lòng hay dễ dàng từ bỏ chỉ bởi những khởi đầu sai lầm hoặc kết quả không như ý. Xây dựng lòng tin bằng cách luôn trung thực, cởi mở và có trách nhiệm với bản thân và với các thành viên trong nhóm để cùng hoàn thiện tốt hơn.

Trong cuộc sống, những biến đổi khôn lường là điều không thể tránh khỏi và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thay vì khống chế nó, tất cả những gì ta có thể làm là kiên trì, đối mặt một cách lạc quan, luôn tìm cách vươn lên và đảm bảo rằng mình có thể thích nghi với những nghịch cảnh, khó khăn đó.

Lược dịch: Nguyễn Huyền Trang

Tài liệu tham khảo:

1.https://www.bizjournals.com/phoenix/news/2022/09/01/the-key-to-success-is-aq.html

2.https://timelyapp.com/blog/adaptability-quotient

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2