Bản tin tháng TV2
Sự lên ngôi của “việc làm xanh” trong thời đại mới
21/10/2021 09:36
- 218 lần đọc
Những sự cố thời tiết khắc nghiệt trong vài tháng qua là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang gây ra khắp thế giới. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 24 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể được tạo ra bởi nền kinh tế xanh vào năm 2030. Bất ngờ hơn cả chính là “việc làm xanh” không những chỉ tập trung vào mảng năng lượng, mà còn lan rộng đến các ngành nghề khác tưởng chừng “vô can” như tài chính, công nghệ thời trang và vận tải.

Sự chuyển hướng tuyển dụng “nhân lực xanh” đang gia tăng đáng kể

Khi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về các chiến lược định hướng tại các cuộc họp như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển tác động bền vững của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum, viết tắt: WEF) và COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26), phần lớn nội dung thảo luận sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Nguồn: Internet

Trong thập kỷ tới, dự kiến sẽ có đến hàng triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu do các cam kết và chính sách mới về khí hậu. ILO ước tính rằng chỉ riêng nền kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm trên toàn thế giới vào năm 2030.

LinkedIn chỉ ra rằng sự chuyển dịch sang tuyển dụng nhân lực cho nền kinh tế xanh đang được tiến hành trên toàn thế giới. Kể từ năm 2017, nhu cầu về nhân tài có kỹ năng xanh tăng đều đặn khi các chính phủ và công ty đẩy mạnh các cam kết và hành động để đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững của họ.

Tỷ lệ tuyển dụng xanh thống kê theo quốc gia thực hiện bởi LinkedIn

Một trong những thay đổi ngành đáng chú ý nhất thể hiện trong dữ liệu việc làm của LinkedIn là việc giảm các công việc của lĩnh vực dầu khí và gia tăng vai trò về năng lượng tái tạo và môi trường. Năm 2015, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực dầu khí của Hoa Kỳ so với việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và môi trường là 5:1, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã nhích lên gần 2:1. Với tốc độ này, tổng số việc làm trong ngành năng lượng tái tạo và môi trường có thể nhiều hơn đáng kể so với dầu và khí đốt dự báo đến năm 2023, một sự thay đổi lớn đối với việc làm xanh trong một thời gian tương đối ngắn.

Khi nhu cầu xây dựng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, các nhà tuyển dụng ngày càng tập trung vào các kỹ năng xanh hơn là bằng cấp đại học. Điều này một phần là do nhu cầu cao và nguồn cung nhân tài hạn chế. Các tình huống diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư tài chính đang tuyển dụng các nhà khoa học khí hậu không được đào tạo chính thức về tài chính, nhưng họ biết nhiều về cách đánh giá lợi ích khí hậu của một dự án đầu tư. Các ứng viên có kỹ năng xanh đang được đánh giá khác biệt và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

“Nhân tài xanh” là gì?

WEF định nghĩa “nhân tài xanh” là người có ít nhất một kỹ năng được liệt kê rõ ràng trong hồ sơ của họ mà các chuyên gia của WEF đã phân loại là kỹ năng “xanh” và/ hoặc làm công việc mà họ xem là công việc “xanh”.

Kỹ năng xanh là khả năng hoặc kiến thức mà một nhân viên có thể sử dụng để ngăn ngừa, giám sát hoặc làm sạch ô nhiễm, đồng thời tối ưu hóa việc quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các công ty sử dụng để sản xuất hàng hóa và các dịch vụ có lợi cho môi trường. Ngoài việc xác định hơn 600 kỹ năng xanh, WEF đã xác định hơn 400 chức danh công việc xanh khác nhau đang làm việc để làm xanh nền kinh tế và thường yêu cầu các kỹ năng xanh.

Trên LinkedIn, nhiều kỹ năng xanh được các thành viên của WEF báo cáo đã tăng lên hai con số và ba con số trong ba năm qua. Một số công việc xanh phát triển nhanh nhất là trong các lĩnh vực như quản lý hệ sinh thái, chính sách môi trường và mua sắm bền vững.

Mặc dù nhiều kỹ năng trong số này có tính chuyên môn cao và tập trung trong các nghề nghiệp xanh truyền thống, chẳng hạn như nhà khoa học môi trường, nhà quản lý bền vững hoặc nhà sinh vật học động vật hoang dã, WEF cũng nhận thấy xu hướng ngày càng tăng của các kỹ năng xanh giữa các chuyên gia trong các vai trò mà theo truyền thống không được coi là “xanh”.

Ví dụ, trong ngành may mặc, kiến thức về thời trang bền vững và ngăn ngừa ô nhiễm ngày càng phổ biến đối với các nhân viên bán hàng, nhà thiết kế và nhà tạo mẫu. Và trong lĩnh vực tài chính môi trường, đầu tư bền vững ngày càng được các nhà quản lý danh mục đầu tư và các nhà phân tích đầu tư báo cáo. Các kỹ năng xanh đang hiện diện trên tất cả các loại vai trò trong các lĩnh vực.

Những ngành nào đang tăng trưởng và có nhu cầu cao về việc làm xanh?

Không còn cái gọi là “ngành công nghiệp xanh” duy nhất nữa. Chúng ta đang thấy việc làm xanh trải dài trên nhiều ngành, từ những ngành rõ ràng như năng lượng tái tạo, đến những ngành bất ngờ hơn như tài chính, công nghệ thời trang và vận tải.

Nguồn: Internet

Các nhà tuyển dụng ngày càng mong đợi tất cả các thành viên trong lực lượng lao động của họ tích cực suy nghĩ về cách thực hiện công việc bền vững hơn. Và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp các ngành đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là giảm thiểu khí cacbon trong tương lai gần, với những tiếng nói đáng chú ý như Giám đốc điều hành Blackrock, Larry Fink, kêu gọi các tập đoàn đặt kế hoạch tương thích với mục tiêu không khí thải cacbon vào năm 2050.

Trong khi phát triển tài năng xanh đang tăng nhanh hơn trong các lĩnh vực như năng lượng và khai thác mỏ, thì việc làm xanh và tài năng thực sự có tỷ lệ hiện diện cao hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất.

Điều kiện gì để đạt được một nền kinh tế xanh?

Phân tích của WEF cho thấy rằng điều quan trọng là phải mở rộng nhận thức của chúng ta về các kỹ năng và cách tiếp cận trong việc đóng góp vào một nền kinh tế sạch, không cacbon. Chúng ta cần xem xét một loạt công việc mà theo truyền thống không được định nghĩa là xanh - chẳng hạn như nhà thiết kế thời trang hoặc kỹ thuật viên bảo dưỡng xe - bởi vì phương thức thực hiện những công việc này sẽ có tác động lớn đến việc các nền kinh tế có đáp ứng được các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu hay không.

Đây chính là cơ hội và hướng đi chung của tất cả các ngành công nghiệp, để chúng ta đạt được một nền kinh tế xanh trong tương lai.

Lược dịch: Duyên Anh

Tham khảo: These are the sectors where green jobs are growing in demand

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2