Bản tin tháng TV2
Đào tạo là cách thúc đẩy phát triển kỹ năng công việc trong môi trường doanh nghiệp
25/01/2024 13:00
- 2912 lần đọc
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kéo theo sự ra đời của các ngành nghề mới và các kỹ năng cần thiết cho công việc cũng thay đổi theo. Để đáp ứng kịp thời những thay đổi này, các cá nhân, doanh nghiệp và xã hội cần hợp tác để thúc đẩy phát triển kỹ năng tại nơi làm việc.

Chúng ta đang trải qua một trong những bước chuyển mình mạnh mẽ nhất trong lịch sử loài người về bản chất của công việc và kinh doanh. Vào năm 1975, hơn 80% giá trị là tài sản hữu hình của các công ty S&P 500 (S&P là viết tắt của Standard & Poor's, một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ chuyên cung cấp xếp hạng tín dụng, chỉ số chứng khoán và các dịch vụ thông tin tài chính khác). Nhưng ngày nay, con số này đã đảo ngược với hơn 80% giá trị doanh nghiệp là tài sản vô hình như dữ liệu hoặc phần mềm.

Sự phát triển của công nghệ càng thúc đẩy chiều hướng phát triển tài sản vô hình diễn ra theo cấp số nhân. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách chúng ta làm việc; năng lượng xanh đang trở thành xu hướng; phân tích dữ liệu bằng máy học có những tiến bộ vượt bậc.

Những tiến bộ này giúp tăng năng suất và thậm chí giải quyết các thách thức lớn về mặt xã hội và vấn đề toàn cầu. Nhưng đồng thời, chúng cũng có khả năng khiến hàng triệu người có nguy cơ mất việc làm. Theo báo cáo của McKinsey, nhiều người lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và gần 400 triệu việc làm đang bị đe dọa. Kết quả nghiên cứu của Multiverse và Viện Burning Glass cho thấy các ngành nghề có tính chất lặp đi lặp lại và thu nhập thấp có nguy cơ bị thay thế cao hơn.

Những thay đổi cần thiết cho công tác đào tạo tại doanh nghiệp

Hệ thống giáo dục truyền thống đang đối mặt với áp lực phải thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức chuyên môn với kiến thức có được khi làm việc thực tế tại các doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp nhận xét rằng sinh viên tốt nghiệp chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà thiếu thực hành. Các doanh nghiệp sử dụng lao động mất trung bình 11 tháng đào tạo lại để nhân sự có thể đảm nhiệm được công việc.

Hiện nay, khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn. Thực tế, môi trường làm việc tại doanh nghiệp đòi hỏi nhân viên cần trang bị những kỹ năng mới, như khả năng sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo, phát triển phần mềm và quản lý dữ liệu hiệu quả. Nhưng tại các trường kiến thức và phương pháp giảng dạy gần như không thay đổi kể từ những năm 1990.

Nguồn: World Economic Forum

Giáo dục và công việc không liên quan chặt chẽ với nhau, khiến nhiều người nghĩ rằng kiến thức chuyên môn chỉ là để chuẩn bị cho hành trình mà điểm đến là công việc. Sau 21 năm học tập, nhân sự bắt đầu đi làm và áp dụng những gì đã học được ở trường vào công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, thế giới đang tiến bộ và thay đổi với tốc độ chóng mặt, đòi hỏi nhân sự phải liên tục học hỏi cập nhật kiến thức mới hoàn thiện bản thân.

Trong thời đại chuyển đổi số, học tập cần phải được diễn ra liên tục, không chỉ giới hạn trong nhà trường hay trong khuôn khổ công việc. Đào tạo và công việc cần song hành, phối hợp chặt chẽ với nhau để định hướng phát triển nghề nghiệp cho nhân sự, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hình thức học tập gắn với công việc, đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn giúp nhân sự ngày càng hoàn thiện những kỹ năng thiết yếu nhất để thăng tiến và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Học tập gắn liền với công việc là cơ hội để tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh nào, đều có thể tiếp cận với giáo dục và phát triển nghề nghiệp. Học tập liên tục và xuyên suốt hành trình phát triển sự nghiệp, góp phần nâng cao kỹ năng và thúc đẩy sự bình đẳng trong cơ hội học tập.

Việc tạo điều kiện cho mọi người tham gia học tập gắn liền với công việc sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách quốc gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và những nhà giáo dục.

Rất nhiều ví dụ điển hình của việc phối hợp này đã đem lại hiệu quả. Khi chính phủ có các chính sách khuyến khích đào tạo dựa trên công việc, các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng một cách tích cực. Những tiểu bang tại Hoa Kỳ áp dụng chính sách tín dụng thuế cho việc học nghề có tỷ lệ đăng ký học nghề cao hơn. Ở Anh, khoản thuế này đã tạo ra nhiều cơ hội học nghề hơn trong lĩnh vực chuyên môn và ngành công nghệ thông tin, vốn là các ngành cần nhiều kỹ năng đặc biệt.

Video Hướng tới xây dựng một thị trường việc làm như thế nào trong tương lai?

Video Đổi mới Giáo dục, Nâng cao Kỹ năng và Học tập suốt đời | Hội nghị Tái khởi động lại Việc làm 2020

Doanh nghiệp và nhà trường cần chung tay hành động

Lãnh đạo doanh nghiệp cần đặt việc phát triển kỹ năng của nhân viên là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số. Việc đầu tư vào mua phần mềm phân tích dữ liệu hay các công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ không mang lại nhiều hiệu quả nếu nhân sự không có khả năng khai thác và sử dụng chúng. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng cho nhân sự song song với việc đầu tư công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng việc tái đào tạo kỹ năng cho những nhân sự có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tái đào tạo có thể giúp nhân viên nắm quyền kiểm soát các công nghệ mới thay vì bị chúng chi phối. Điều này giúp các doanh nghiệp xây dựng từ trong nội bộ một thế hệ lãnh đạo công nghệ có kiến thức và tâm huyết thay vì phải tốn chi phí cho tuyển dụng.

Về phía các nhà trường, nội dung giảng dạy cần lồng ghép các tình huống thực tế trong môi trường doanh nghiệp. Các trường cần thiết kế chương trình đào tạo mang tính ứng dụng tốt hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ của những lớp học truyền thống. Theo kết quả từ dự án về Lực lượng lao động (The Project on Workforce), Đại học Harvard khuyến nghị các trường cần tăng cường mối liên hệ giữa bằng cấp và việc làm, nhấn mạnh vào việc tăng cường kỹ năng làm việc nhóm và công nhận kết quả của các kỳ thực tập được trả lương tại các doanh nghiệp.

Với định hướng đào tạo kết hợp với thực tế, giáo dục mới có thể đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc.

Các doanh nghiệp không thể cứ mãi giao phó việc đào tạo cho các trường, còn các nhà giáo dục cũng không thể bỏ qua tính thực tiễn trong đào tạo. Bằng cách gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, chúng ta mới xây dựng được lực lượng lao động giỏi có kỹ năng và trình độ cao nhằm đáp ứng một nền kinh tế phù hợp cho tương lai và có khả năng thích ứng với những nhu cầu công nghệ đang thay đổi, một xã hội với những doanh nghiệp và con người phù hợp để sẵn sàng đón nhận những cơ hội và đương đầu với thách thức.

Lược dịch: Quỳnh Sa

Nguồn:

https://www.weforum.org/agenda/2023/12/boosting-skill-development-at-workplace/

 

Copyright © 2017 Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2